viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Yêu tố tâm sinh lý - Ecgônômi trong triển khai thực hiện luật an toàn vệ sinh lao động

17.01.2017 1797

YẾU TỐ TÂM SINH LÝ-ECGÔNÔMI TRONG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

Luật An toàn vệ sinh lao động số: 84/2015/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015 gồm 7 chương và 93 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Luật này quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng phát triển, nhiều loại hình lao động lao động mới cũng ngày càng phát triển theo như lao động điện tử, lao động vận hành... Điều kiện lao động hiện nay cũng có sự thay đổi: ngoài các loại hình lao động tiếp xúc với yếu tố độc hại trong môi trường lao động (yếu tố vật lý, các yếu tố hóa học, các yếu tố vi sinh vật); còn có nhiều loại hình lao động tuy các yếu tố môi trường vẫn nằm trong tiêu chuẩn vệ sinh cho phép nhưng người lao động phải làm việc trong điều kiện tâm sinh lý – Ecgônômi bất lợi: tư thế lao động gò bó, bất hợp lý; lao động lặp lại; đơn điệu; căng thẳng thị giác; căng thẳng thần kinh tâm lý; thời gian làm việc kéo dài… làm ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và năng suất lao động.

Để thực hiện tốt luật An toàn vệ sinh lao động việc bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động là trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động.

Hồ sơ vệ sinh lao động là rất quan trọng đối với mỗi cơ sở lao động. Thông tư 19/2011/TT-BYT quy định việc quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp. Thông tư 19/2011/TT-BYT đã xác định “Các yếu tố vệ sinh lao động bao gồm yếu tố vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió); vật lý (bức xạ nhiệt, ánh sáng, tiếng ồn, rung, phóng xạ, điện từ trường), bụi; hóa học; vi sinh vật gây bệnh; tâm sinh lý lao động và Ecgônômi; và các yếu tố khác trong môi trường lao động”. Thông tư 19/2011/TT-BYT cũng đã chỉ rõ “Hồ sơ vệ sinh lao động dùng để quản lý môi trường lao động là cơ sở xây dựng kế hoạch cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và là thủ tục để giám định bệnh nghề nghiệp cho người lao động”. Như vậy việc đo, xác định yếu tố “Nặng nhọc, nguy hiểm, căng thẳng thần kinh” (theo phần phụ lục hướng dẫn của thông tư này) là rất cần thiết trong lập hồ sơ vệ sinh lao động; đo, kiểm tra giám sát môi trường lao động; quan trắc môi trường lao động hàng năm – Đó là vai trò của yếu tố Tâm sinh lý lao động –Ecgônômi.

Hình 1. Yếu tố tâm sinh lý lao động và Ecgônômi

 trong phụ lục của Thông tư 19/2011/TT-BYT

Việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động cũng là trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Thông tư số này  đã quy định một trong các điều kiện người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật là làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm (trích điều 2). Người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 đối với người lao động làm các công việc không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm (trích điều 3, mục 4).

Để xác định các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong điều kiện lao động của người lao động không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép cần dựa theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành.

Theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Công văn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/8/1995
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang có hiệu lực, có 22 chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động gồm hai nhóm chính:

- Nhóm các chỉ tiêu về môi trường lao động: 10 chỉ tiêu

- Nhóm các chỉ tiêu về tâm sinh lý lao động: 12 chỉ tiêu

Mỗi chỉ tiêu được chia thành các mức độ nặng nhọc, độc hại ứng với một số điểm nhất định
 

Hình 2. Yếu tố tâm sinh lý lao động và Ecgônômi

trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động

Để thực hiện luật An toàn vệ sinh lao động (Thông tư số 19/2011/TT-BYT, thông tư  25/2013/TT-BLĐTBXH…), việc lựa chọn đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động; có trang thiết bị hiện đại, uy tín cũng là điều được nhiều cơ sở sử dụng lao động quan tâm. Bởi vậy việc thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn của mỗi đơn vị, Trung tâm Y tế dự phòng là hết sức cần thiết.

Mặc dù có thể sẽ có sự chỉnh sửa của các thông tư liên quan tới luật An toàn vệ sinh lao động trong thời gian tới, tuy vậy yếu tố tâm sinh lý lao động và Ecgônômi vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong đánh giá điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.

HỢP TÁC VỀ LĨNH LỰC TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI

VỚI CÁC ĐƠN VỊ, TRUNG TÂM

I. Các dịch vụ, lĩnh vực có thể hợp tác

1. Thực hiện việc đánh giá các yếu tố tâm sinh lý – Ecgônômi trong quan trắc môi trường lao động; đo- kiểm tra môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động (theo thông tư 19/2011/TT-BYT)

2. Đánh giá các yếu tố tâm sinh lý –Ecgônômi  làm cơ sở để thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động (theo thông tư  25/2013/TT-BLĐTBXH).

3. Đánh giá gánh nặng điều kiện lao động, lao động thể lực, căng thẳng thần kinh tâm lý, gánh nặng nhiệt, gánh nặng hệ cơ xương khớp… làm cơ sở khoa học để phân loại nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

4. Đánh giá tư thế lao động và tư vấn các giải pháp can thiệp cho cơ sở lao động.

5. Tư vấn can thiệp Ecgônômi, tổ chức lao động, chế độ lao động nghỉ ngơi hợp lý, hướng dẫn tư thế, các bài tập thể dục, thư giãn… nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động và giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động.

6. Đào tạo, tư vấn để cơ sở tự cải thiện điều kiện lao động

7. Tư vấn thiết kế Ecgônômi cơ sở lao động.

8. Cung cấp các khoá đào tạo cơ bản, nâng cao cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu trong đánh giá điều kiện lao động, lĩnh vực tâm sinh lý – Ecgônômi

9. Cung cấp các khoá đào tạo cơ bản, nâng cao cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu theo các chuyên đề riêng biệt, theo từng ngành nghề như điện tử, may mặc, da giầy, văn phòng, cơ khí…

II. Hình thức hợp tác

- Hỗ trợ, phối hợp với tuyến dưới cùng thực hiện các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tâm sinh lý lao động và Ecgônômi.

- Tổ chức đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật cho các cán bộ tuyến dưới

III. Thông tin liên lạc

- Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgônômi, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (trước đây là Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường), Bộ y tế

- Địa chỉ: 57 phố Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

- Email: tamsinhlyecgonomi@gmail.com

- Điện thoại: 84-04-9714361 (số lẻ 137 hoặc 340)

- Trưởng Khoa: TS.BS.Nguyễn Thu Hà - ĐT: 0904284487

MỘT SỐ HÌNH ẢNH, HOẠT ĐỘNG

CỦA KHOA TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI
 
 


02439714361

Về đầu trang