viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM CẢI THIỆN VIỆC THIẾT KẾ NƠI LÀM VIỆC CHO LAO ĐỘNG ĐỨNG

23.10.2018 1946

1. BS. Nguyễn Thu Hà
2. Hồng Quang Thống

Trong bài “Những vấn đề sức khoẻ của lao động đứng”, chúng ta đã tìm hiểu một số ảnh hưởng của lao động đứng tới sức khoẻ như: gây rối loạn cơ xương, viêm tĩnh mạch, thậm chí có thể gây ra các bệnh về tim. Nó không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra những vấn đề sức khoẻ trầm trọng. Trong bài này, chúng tôi sẽ đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện việc thiết kế nơi làm việc cho lao động đứng giúp giảm thiểu, phòng tránh tác hại do lao động đứng gây ra.

Thiết kế công việc có thể giảm thiểu được những ảnh hưởng của làm việc ở tư thế đứng như thế nào?

Các nguyên tắc cơ bản của thiết kế việc làm phù hợp dành cho việc làm ở tư thế đứng là:

- Thay đổi các tư thế làm việc thường xuyên và làm việc ở một tư thế chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

- Tránh cúi, kéo căng và vặn người.

- Nhịp độ công việc phù hợp.

- Cho phép người lao động nghỉ giải lao thư giãn; hoặc tập thể dục cũng có thể phát huy tác dụng.

- Đưa ra các chỉ dẫn về các thực hành công việc chính xác và sử dụng các giờ nghỉ giải lao hợp lý.

- Cho phép người lao động có một khoảng thời gian điều chỉnh khi họ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ hoặc sau thời gian nghỉ ốm, để họ có thể dần quay lại với nhịp độ làm việc bình thường.

Thực hành công việc có thể giảm thiểu được những ảnh hưởng của việc làm ở tư thế đứng như thế nào?

Một thiết kế nơi làm việc phù hợp kết hợp với một công việc được thiết kế phù hợp sẽ giúp làm việc ở tư thế cân bằng mà không cần kéo căng cơ thể một cách không cần thiết. Mặc dù kết quả thực hiện nhiệm vụ thực tế phụ thuộc vào người lao động (bao gồm cách người lao động đứng, chuyển động hoặc nâng nhấc), nhưng các thực hành công việc có thể làm cho công việc trở nên an toàn hơn hoặc ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn. Việc đào tạo và huấn luyện giúp từng cá nhân làm việc an toàn hơn.

Điều quan trọng là người lao động được thông báo về các nguy cơ liên quan đến sức khỏe tại nơi làm việc. Thực tế đây là yêu cầu mang tính pháp lý. Người lao động cần hiểu các chuyển động và tư thế nào của cơ thể làm tăng sự không thoải mái và các điều kiện gây ra một chút gì đó không thoái mái cũng có thể dẫn đến thương tích mãn tính kéo dài. Việc giáo dục và huấn luyện người lao động cần bao gồm cả thông tin về việc làm thế nào để điều chỉnh được cách sắp xếp bố trí tại nơi làm việc phù hợp với nhu cầu của cá nhân.

Người lao động cần nhận thức được những khoảng thời gian nghỉ giải lao là nhân tố quan trọng trong công việc. Giờ nghỉ giải lao cần được sử dụng để thư giãn khi các cơ quá mệt mỏi, để đi lại khi cơ bị cứng, hoặc khi công việc hạn chế sự thay đổi tư thế hoặc vị trí của người lao động v.v… Người lao động cũng cần được khuyến khích báo cáo về những gì khiến họ chưa thoải mái trong quá trình thực hiện công việc. Điều này giúp điều chỉnh lại các điều kiện làm việc.

Tất cả các thành tố - giáo dục, huấn luyện và giám sát, kết hợp với đầu vào của người lao động chủ động – có thể đem lại các thực hành công việc hợp lý. Cần lưu ý rằng công việc và nơi làm việc được thiết kế tốt là rất cần thiết để tạo công việc lành mạnh và an toàn. Thiếu những thành tố này, các thực hành công việc sẽ không thể đem lại hiệu quả.

Ví dụ về vị trí làm việc được thiết kế dành cho người lao động làm việc ở tư thế đứng là gì?

Nơi làm việc được thiết kế cần phù hợp với hình dạng và kích thước cơ thể khác nhau của người lao động và hỗ trợ để hoàn thiện các nhiệm vụ khác nhau.

Các nhiệm vụ khác nhau yêu cầu các độ cao bề mặt làm việc khác nhau:

- Công việc đòi hỏi độ chính xác, như viết hoặc tại dây chuyền lắp ráp điện tử - khoảng 5cm phía trên chiều cao khuỷu tay; cần có công cụ hỗ trợ khuỷu tay.

- Công việc nhẹ nhàng, như trong dây chuyền lắp ráp hoặc các công việc cơ khí – khoảng từ 5 đến 10 cm phía dưới chiều cao khuỷu tay.

- Công việc nặng nhọc, yêu cầu các lực hướng xuống dưới, từ 20 đến 40 cm phía dưới chiều cao khuỷu tay.

Hình-1.jpg

Hình 1: Các chiều cao làm việc phù hợp với các nhiệm vụ

Người lao động có thể làm gì để giảm bớt sự không thoải mái khi làm việc ở tư thế đứng?

- Điều chỉnh chiều cao làm việc tùy theo kích thước cơ thể, sử dụng chiều cao khuỷu tay như một quy ước.

- Tổ chức công việc để các thao tác làm việc thông thường được thực hiện trong tầm với.

Hình-2.png

Hình 2: Các vùng thao tác làm việc

- Luôn đối diện với đối tượng làm việc.

- Giữ cơ thể gần với công việc.

- Điều chỉnh nơi làm việc để có đủ khoảng trống thay đổi tư thế làm việc.

- Sử dụng thanh tì chân hoặc chỗ để chân di động để chuyển trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân kia.

- Sử dụng một chỗ ngồi bất cứ khi nào có thể trong khi đang làm việc, hoặc tối thiểu khi tiến độ công việc cho phép nghỉ ngơi.

Hình-3.png

Hình 3: Sắp xếp vị trí làm việc phù hợp với lao động đứng

Người lao động cần tránh điều gì khi đang làm việc ở tư thế đứng?

- Tránh với ra phía sau đường vai.

- Tránh với quá điểm thoải mái.

- Tránh với phía trên đường vai.

Những điều nên và không nên làm liên quan đến giầy dép?

Bàn chân của bạn chỉ có thể thoải mái khi:

- Đi loại giầy dép không làm thay đổi hình dạng của bàn chân.

Hình-4.png


Hình 4: Minh hoạ về loại giầy phù hợp cho lao động đứng

- Chọn loại giầy ôm chắc chắn vào gót chân. Nếu phía sau của chiếc giầy quá rộng hoặc quá mềm, thì chiếc giầy sẽ bị trượt, gây mất cân bằng và đau nhức chân.

- Đi loại giầy có thể thoải mái cử động ngón chân cái. Hiện tượng đau và mỏi sẽ xảy ra nếu giầy quá hẹp hoặc quá nông.

- Bảo đảm chọn loại giầy có hỗ trợ uốn vòng cung, vì nếu không có thể gây ra bẹt bàn chân.

- Đi giầy buộc dây.

- Buộc chặt dây trên mu bàn chân. Bàn chân được bảo vệ khỏi trượt bên trong giầy.

- Dùng dụng cụ hỗ trợ đi giầy nếu bị yếu phần xương phía trên bàn chân.

- Sử dụng đế trong có đệm chống sốc khi làm việc trên mặt sàn kim loại hoặc xi-măng.

- Chọn loại giầy dép tùy theo nguy cơ tại nơi làm việc.

- Chọn giầy dép an toàn, nếu được yêu cầu, có chứng nhận của CSA và được xếp loại nguy cơ phù hợp. Tìm hiểu tài liệu giải thích về ATVSLĐ liên quan đến giày dép an toàn để biết rõ thông tin.

- Chọn lựa giầy dép có tính đến sự vừa vặn và thoải mái của cá nhân. Thử giầy và đi lại một lúc trước khi mua.

- Không đi giầy đế bằng. Gót cao một chút có thể làm giảm căng lên dây chằng và cho phép đi lại và đứng dễ dàng hơn.

- Không đi giày có gót cao. Có rất nhiều khuyến nghị, nhưng thường thì phần gót cần có đế lớn và thấp hơn từ 4 đến 6 cm (1.6 đến 2.4 inches). Thường khi đứng, gót giầy cần không cao quá từ 2 đến 2.5 cm (khoảng 1 inch).

Khuyến nghị về sàn nhà xưởng tại nơi làm việc là gì?

- Giữ cho khu vực làm việc sạch sẽ.

- Tránh đứng trên sàn xi măng hoặc sàn kim loại. Đối với công việc làm ở tư thế đứng thì nên thực hiện trên sàn gỗ hoặc sàn phủ cao su.

- Đảm bảo sàn nhà xưởng không dốc và không trơn trượt.

- Sàn nhà xưởng bằng xi măng hoặc kim loại thì cần trải thảm. Các cạnh nghiêng trên thảm giúp tránh vấp.

- Không sử dụng thảm mút cao su. Quá êm có thể gây ra mệt mỏi và tăng nguy cơ vấp ngã.

Để có thêm kiến thức, công cụ áp dụng, tư vấn cải thiện về điều kiện lao động và ecgônômi cho lao động đứng nhằm dự phòng các rối loạn cơ xương và một số bệnh liên quan đến công việc, hãy liên hệ với chúng tôi:

KHOA TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI

Điện thoại: (84-24)-38213491*137

Email: tamsinhlyecgonomi@gmail.com

Hotline tư vấn: 0904284487

Tài liệu tham khảo:

   1. Peter Smith et al (2018). The Relationship Between Occupational Standing and Sitting and Incident Heart Disease Over a 12-Year Period in Ontario, Canada. American Journal of Epidemiology, Volume 187, Issue 1, 1 January 2018, Pages 27–33

   2. https://www.ccohs.ca/oshanswers/ergonomics/standing/standing_basic.html

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang