viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Sức khỏe và an toàn lao động cho người lao động trẻ tuổi

11.01.2018 1356

BS. Hồng Quang Thống

TS.BS. Nguyễn Thu Hà

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm có khoảng trên 2,3 triệu người chết liên quan đến thương tích và bệnh nghề nghiệp, trong đó có khoảng trên 350.000 người chết do tai nạn lao động và khoảng 2 triệu người chết do bệnh nghề nghiệp [1]. Theo số liệu của châu Âu, công nhân trẻ tuổi có tỷ lệ tai nạn cao hơn so với tổng số lao động trung bình. Có khoảng 4,7% số công nhân trẻ tuổi từ 18-24 đã bị tai nạn lao động không gây tử vong với số thời gian nghỉ việc là hơn ba ngày, so với trung bình là 3,3% [2]. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH trong năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn trong đó có 862 người chết, 1.952 người bị thương nặng. Trên thực tế, số vụ TNLĐ có thể còn cao sơn rất nhiều bởi chỉ có 26.419/277.314 (ước tính 9,5%) doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động cho các Sở LĐTBXH trong năm 2016 [3].

Một số thống kê nhanh về tình hình TNLĐ ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017:

  • Có 4.388 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 4.461 người bị nạn, trong đó 418 người chết, 843 người bị thương nặng.
  • Loại hình công ty cổ phần chiếm 40,3% số vụ tai nạn chết người và 43,9% số người chết
  • Lĩnh vực xây dựng chiếm 25,8% tổng số vụ tai nạn và 24,2% tổng số người chết
  • Trong các nguyên nhân gây tai nạn chết người, ngã từ trên cao chiếm tỷ lệ cao nhất (33,3%), tiếp đến là TNGT (24,2%), điện giật (10,6%), vật văng bắn (6,1%), máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn (4,5%) và vật rơi đổ sâp (4,5%) [4].

Một số thống kê nhanh tại Mỹ:

  • Năm 2016, có khoảng 19,3 triệu người lao động dưới 24 tuổi. Số lao động này chiếm 13% trong tổng số lao động [5].
  • Vào năm 2015, có 403 công nhân dưới 24 tuổi chết vì thương tích do công việc [6].
  • Vào năm 2015, tỷ lệ mắc các thương tích không gây tử vong cho người lao động từ 16-19 tuổi là 110,5/10.000 nhân viên làm việc toàn thời gian (FTE) và 98,3/10.000 cho công nhân từ 20-24 tuổi [7].
  • Vào năm 2014, tỷ lệ thương tích do lao động được điều trị tại các phòng cấp cứu cho công nhân từ 15-19 tuổi gấp 2,18 lần so với tỷ lệ người lao động từ 25 tuổi trở lên. Trong cùng năm đó, tỷ lệ thương tích do lao động được điều trị tại các phòng cấp cứu cho công nhân từ 20-24 tuổi cao gấp 1,76 lần so với người lao động 25 tuổi trở lên [8].

Lao động trẻ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an toàn trong lao động

Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Lao động trẻ tuổi có tỷ lệ thương tích cao trong công việc. Những chấn thương này thường là kết quả của nhiều mối nguy hiểm ở nơi họ thường làm việc. Thống kê cho thấy những người từ 18 đến 24 tuổi thường có tai nạn lao động nghiêm trọng hơn người lớn tuổi. Họ đang phải đối mặt với điều kiện làm việc tồi tệ dẫn tới sự những chấn thương nghề nghiệp cũng như phát triển của bệnh nghề nghiệp ngay từ khi còn trẻ cũng như về sau.

Mới đến nơi làm việc, những người trẻ tuổi có thể thiếu kinh nghiệm và thường thiếu cả sự trưởng thành về thể chất và tâm lý. Họ có thể không nhận thức được đầy đủ các yếu tố gây nguy hiểm. Các yếu tố khác khiến người trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Không đủ kỹ năng và đào tạo đầy đủ
  • Không nhận thức được quyền và nghĩa vụ của chủ lao động
  • Không có sự tự tin để nói ra
  • Các nhà tuyển dụng không nhận ra sự bảo vệ cần thiết mà những công nhân trẻ cần [9].

Bên cạnh những yếu tố chủ quan từ người lao động thì kiến thức, nhận thức của nhiều nhà quản lý về An toàn lao động cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, cách tổ chức lao động và các thiết bị máy móc không phù hợp với kích thước người Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tỷ lệ TNLĐ.

Là đơn vị đầu ngành của Bộ Y tế về Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgônômi sẵn sàng cung ứng các dịch vụ tư vấn, đánh giá về Tâm sinh lý lao động và Ecgônômi trong thực hiện Luật an toàn về sinh lao động cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có nhu cầu nhằm giúp đảm bảo thực hiện đúng, đủ các thủ tục pháp lý theo yêu cầu của Pháp luật, và quan trọng hơn là có thể dự phòng và giảm thiểu được các chấn thương có thể xảy trong quá trình lao động.

Để có thêm kiến thức, công cụ áp dụng, tư vấn cải thiện về điều kiện lao động và  ecgônômi, hãy liên hệ với chúng tôi:

KHOA TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI

Điện thoại:         (84-24)-38213491*137

Email:                tamsinhlyecgonomi@gmail.com

Hotline tư vấn:  0904284487

Tài liệu tham khảo:

  1. ILO (2014). Safety and Health at Work: A Vision for Sustainable Prevention. (This ILO Report for 2014 World Congress on Safety and Health at Work will be available on the ILO web site at the end of August 2014.
  2. Institute for Occupational Safety and Health, for the European Agency for Safety and Health at Work (2006). OSH in figures: Young workers — Facts and figures. ISBN 92-9191-131-3.
  3. Bộ Lao động thương binh xã hội (2017). Thông báo số 1152/TB-LĐTBXH về tình hình tai nạn lao động năm 2016.
  4. Cục An toàn lao động – Bộ lao động thương binh xã hội (2017). Thông báo tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm 2017.

http://antoanlaodong.gov.vn/catld/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=2034, truy cập ngày 10/01/2018.

  1. NIOSH (2017). Analysis of the Current Population Survey. Morgantown, WV: U.S. Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention, National Institute for Occupational Safety and Health. Unpublished
  2. Bureau of Labor Statistics (2017). Table A-8. Fatal occupational injuries by event of exposure and age, all United States, 2015
  3. Bureau of Labor Statistics (2016). Nonfatal occupational injuries and illnesses requiring days away from work, 2015
  4. NIOSH (2017). The Work-Related Injury Statistics Query System (Work-RISQS)
  5. Occupational Safety and Health Administration. Young people and safety and health at workhttps://osha.europa.eu/en/themes/young-workers, truy cập 08.01.2018.


02439714361

Về đầu trang