viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Sức khỏe tâm thần ở trẻ, cần phải quan tâm!

16.10.2017 421

Thời gian gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên ở nước ta đang lan rộng và gia tăng. Khi đã bị các vấn đề về rối loạn tâm thần, việc điều trị là vô cùng khó khăn và tốn kém. Thậm chí, ở trẻ có những biểu hiện rối loạn về tâm-thần kinh mà phụ huynh không hay biết, trong đó có rối loạn Tic ở trẻ. Rối loạn Tic là một dạng rối loạn vận động, vượt khỏi tầm kiểm soát của trẻ….

          Chun mũi, nháy mắt, tặc lưỡi… là những hành động rất đáng yêu của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục có những hành động này thì cha mẹ cần lưu ý, rất có thể bé đã mắc chứng rối loạn Tic hay còn gọi là tật máy giật.


  1. Rối loạn Tic là gì?

Rối loạn Tic (Tic disorder) là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần.

Tic là những âm nói hoặc cử động của cơ thể, xảy ra đột ngột, nhanh và lặp đi lặp lại. hành động này mang tính rập khuôn nhưng không ăn khớp với nhau. Đây là những hành động mà trẻ khó cưỡng lại được, tuy nhiên trẻ có thể cố gắng kiềm chế cử động hoặc phát ra âm thanh trong một khoảng thời gian.

  1. Phân loại rối loạn Tic

Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) đã định nghĩa 4 dạng rối loạn Tic trong ấn phẩm số 4 của Sổ tay hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê bệnh tâm thần (DSM-IV). Theo đó, các rối loạn được phân biệt với nhau theo 3 tiêu chí: độ tuổi khởi phát, thời gian kéo dài rối loạn, số lượng và độ đa dạng các triệu chứng Tic.

Rối loạn Tic nhất thời (rối loạn Tic lành tính thời thơ ấu): Rối loạn này chỉ rõ trẻ phải khởi phát triệu chứng trước 18 tuổi; các cử động Tic phải diễn ra nhiều lần trong ngày- hầu như mỗi ngày- trong ít nhất 4 tuần nhưng không quá 12 tháng; trẻ không mắc hội chứng Tourette hay rối loạn Tic mãn tính.

Rối loạn Tic vận động hoặc phát âm mãn tính: Trẻ có các triệu chứng khi dưới 18 tuổi, các cử động Tic xảy ra gần như mỗi ngày hoặc không liên tục trong khoảng thời gian hơn 1 năm, giai đoạn không có triệu chứng kéo không kéo dài quá 3 tháng; trẻ không mắc hội chứng Tourette.

Rối loạn Tourtte: đây là rối loạn nghiêm trọng nhất trong 4 loại rối loạn Tic, độ tuổi khởi phát dưới 18 tuổi. Các rối loạn bao gồm cả tic vận động và tic phát âm, có thể không xảy ra cùng lúc. Các cử động xảy ra nhiều lần trong ngày, gần như mỗi ngày và kéo dài hơn 1 năm, giai đoạn không biểu hiện triệu chứng kéo dài không quá 6 tháng, có sự biến đổi về số lượng, vị trí, mức độ nghiêm trọng, sự phức tạp và tần suất theo thời gian, và các triệu chứng này không do nguyên nhân từ ảnh hưởng của một chất nào đó hoặc bệnh về thần kinh trung ương.

Rối loạn Tic không đặc hiệu: bao gồm tất cả những trường hợp không hội đủ tiêu chí để chẩn đoán cho bất kì dạng rối loạn Tic cụ thể nào.

  1. Triệu chứng của rối loạn Tic

Rối loạn Tic được biểu hiện bởi những vận động đơn giản hoặc phức tạp. Tất cả những cử động Tic đều xảy ra một cách tự nhiên, vô thức và hầu như trẻ không thể kiểm soát được chúng.

 

Các loại rối loạn Tic vận động

 

Rối loạn Tic vận động đơn giản: Là sự hoạt động không bình thường của một nhóm cơ nào đó. Các triệu chứng đó bao gồm:

  • Nháy mắt hoặc nheo mắt
  • Nhăn mũi
  • Cử động lưỡi (Trẻ hay thè lười ra bên ngoài)
  • Xoay đầu hoặc giật đầu
  • Nhảy hoặc đứng lên ngồi xuống một cách liên tục
  • Bẻ khớp ngón tay
  • Nhún vai

Rối loạn Tic vận động phức tạp: Bao gồm hoạt động của nhiều hay một nhóm cơ nhất định. Tic vận động phức tạp thường có sự chuyển biến chậm hơn và cha mẹ thường lầm tưởng rằng con mình đang cố tình làm những hành động đó. Dạng rối loạn này có thể gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống của trẻ nhưng chưa thật sự nguy hiểm.

Những triệu chứng bao gồm:

  • Nhăn mặt
  • Cúi đầu xuống chạm đất
  • Cắn môi
  • Đập đầu
  • Thường xuyên chạm vào người khác hoặc những đồ vật một cách tùy ý
  • Những hành động hoặc cử chỉ khiêu dâm

 Các loại rối loạn Tic phát âm

 Rối loạn Tic phát âm đơn giản: Là khi trẻ phát ra những âm thanh bất thường như:

  • Ho
  • Lẩm bẩm
  • Thở dốc
  • Khịt mũi
  • Ngáy
  • Hắng giọng

Rối loạn Tic phát âm phức tạp: Trẻ nói ra những từ, cụm từ, hoặc một câu quá nhiều lần, điều này có thể gây  ảnh hưởng đến mạch nói bình thường của trẻ hoặc khiến trẻ bị nói lắp.

Những triệu chứng bao gồm:

  • Lặp lại nhiều lần một âm thanh, một từ hoặc một câu
  • Sử dụng những từ ngữ thô tục, những câu khó nghe

Lưu ý 

Các triệu chứng rối loạn Tic có thể:

  • Trầm trọng hơn khi trẻ có những cảm xúc như lo lắng, hưng phấn, tức giận hay mệt mỏi
  • Trầm trọng hơn nếu thời gian phát hiện bệnh muộn
  • Nghiêm trọng hơn khi trẻ bị sốt
  • Có thể xảy ra trong lúc bé ngủ
  • Thay đổi theo thời gian
  • Thay đổi về chủng loại và mức độ
  • Có thể cải thiện theo thời gian nếu được phát hiện sớm
  1. Nguyên nhân rối loạn Tic

            Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn Tic. Tuy nhiên người ta nhận thấy rối loạn Tic thường xảy ra ở những người cùng gia đình, vì thế có thể có nguyên nhân do di truyền.

Các tình trạng sức khỏe cũng có thể gây ra rối loạn Tic, bao gồm:

  • Liệt não
  • Hội chứng Huntington
  • Tất cả các bệnh ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho não

Rối loạn Tic cũng có thể do sử dụng thuốc, cocain hoặc amphetamine. Đa phần rối loạn Tic xảy ra ở thời thơ ấu. Trẻ có thể trải qua những giai đoạn khá hơn và tệ hơn của bệnh. Rối loạn Tic có thể chỉ xảy ra tạm thời và thường có xu hướng cải thiện khi trẻ đến tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên.

 

  1. Những hậu quả khi mắc rối loạn Tic

Khi trẻ mắc chứng rối loạn Tic và đặc biệt là rối loạn Tourette (TS) sẽ có rất nhiều hậu quả xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày như:

  • Hay lo lắng
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Thường xuyên buồn bã, phiền muộn
  • Mắc hội chứng tự kỷ
  • Gặp khó khăn trong học tập
  • Khó khăn trong việc giao tiếp hàng ngày
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Khó ngủ, mất ngủ

Ngoài ra, hội chứng rối loạn Tic còn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự tin và trẻ sẽ có ít kinh nghiệm sống hơn những bạn đồng trang lứa. Trẻ thường có xu hướng ngại tiếp xúc với mọi người, khả năng truyền tải thông tin kém.

  1. Cha mẹ có thể làm gì?

Hội chứng rối loạn Tic là một căn bệnh rất phức tạp và cần được thăm khám trực tiếp tại những cơ sở y tế uy tín để có cách điều trị hiệu quả nhất với tình trạng của từng người.

Hiện nay, có một vài phương pháp điều trị như:

  • Uống thuốc
  • Kích thích não sâu (DBS)
  • Liệu pháp tâm lý và hành vi

 

Ngoài ra, một số cách đơn giản hơn mà bạn có thể làm để tình trạng bệnh của con thuyên giảm đó là:

  • Giúp trẻ ngủ đủ giấc
  • Không để con gặp căng thẳng hoặc quá lo lắng
  • Tham gia vào những hội cha mẹ có con mắc hội chứng rối loạn Tic để chia sẻ kinh nghiệm
  • Thông báo cho giáo viên hoặc người trông trẻ về tình trạng của con và yêu cầu họ phối hợp giúp đỡ
  • Khuyến khích con ra ngoài chơi và kết thêm bạn mới

 

            Hi vọng với những thông tin trên đây, các bậc phụ huynh đã hiểu hơn về hội chứng rối loạn Tic và có thể giúp con mình có một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ hơn.

 

Bs. Nguyễn Thị Son

Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgônômi

Nguồn tham khảo:

https://www.giadinhdinhduong.com/single-post/can-biet-gi-ve-hoi-chung-roi-loan-Tic-o-tre

http://benhdongkinh.com.vn/bai-viet/roi-loan-tics-may-giat-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri


02439714361

Về đầu trang