06.07.2017 709
STRESS NGHỀ NGHIỆP Ở NHÂN VIÊN Y TẾ
BS. Nguyễn Thu Hà
Stress được Hans Selye định nghĩa theo thuật ngữ chung là một hội chứng bao gồm những đáp ứng không đặc hiệu của cơ thể với kích thích từ môi trường. Stress nghề nghiệp được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa yêu cầu và khả năng lao động.
Mặc dầu có nhiều yếu tố ở nơi làm việc là nguyên nhân của stress, có thể là gánh nặng quá tải hoặc dưới tải nhưng khả năng dự đoán phản ứng stress ở bất kỳ cá nhân nào cũng còn rất nghèo nàn. Sự đo lường stress rất khó khăn bởi vì nó còn đang được tiếp tục nghiên cứu. Thứ nhất, stress về tâm lý xã hội không thể được xác định một cách rõ ràng. Thứ hai, khả năng biến đổi lớn của mỗi cá thể đối với sự tiếp nhận stress. Thứ ba, stress về tâm lý-xã hội và điều kiện tâm-thể không luôn thay đổi song song. Hơn thế nữa, các triệu chứng khó xác định như mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, khó ngủ... lại là các triệu chứng đặc trưng của stress.
Nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế thuộc hệ điều trị làm việc trong điều kiện có nguy cơ stress cao.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Nghiên cứu của Linn LS, et al. (1985), Agius RM et al. (1996) cho thấy có tới 25% các bác sĩ lâm sàng bị stress, trầm cảm, lo âu và kiệt sức. Ảnh hưởng của stress nghề nghiệp đến sức khoẻ là mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, không thoả mãn với công việc, giảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, nghiện rượu, số ngày nghỉ ốm cao, về hưu sớm, và mắc một số bệnh liên quan đến stress như loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp... vv.
Demiral et al. (2002) đã nghiên cứu trên 300 bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau và tìm thấy tỷ lệ chung về trầm cảm và lo âu là 18,9 % và 27,4% ở các bác sĩ. Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra 25-30% nhân viên y tế bị kiệt sức là hậu quả các công việc của họ trong ngành y tế (Grassi & Magnani, 2000). Theo nghiên cứu của Shams và El-Masry (2013), tỉ lệ căng thẳng nghề nghiệp trên đối tượng nhân viên y tế chuyên ngành gây mê hồi sức là 69,4%. Các yếu tố nguy cơ là gánh nặng công việc, tổ chức lao động tồi, mâu thuẫn nhóm và phải chăm sóc các bệnh nhân nặng, tiếp xúc hàng ngày với người chết và các vấn đề tử vong, những phản ứng thái quá từ các gia đình bệnh nhân là những nguồn stress lớn. Estrin-Behar và CS. (1990) đã nghiên cứu gánh nặng tâm lý trên 1505 cán bộ y tế nữ tại Pháp trong năm 1990. Năm chỉ số y tế được nghiên cứu: sự mệt nhọc, suy nhược, sử dụng thuốc chống trầm cảm, sử dụng thuốc ngủ, sử dụng thuốc an thần, và các rối loạn tâm lý. Kết quả cho thấy mất ngủ liên quan nhiều đến căng thẳng nghề nghiệp.
Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hà (2006) trên 811 nhân viên y tế đã cho thấy 10,7% nhân viên y tế có điểm stress ở mức cao; 37,9% nhân viên y tế có điểm stress ở mức trung bình và 51,4% nhân viên y tế có điểm stress ở mức thấp. Trong số nhân viên y tế có biểu hiện stress (48,6%), nhóm bác sĩ có biểu hiện stress ở mức độ cao nhất (12,9%), cao hơn so với nhóm y tá và hộ lý. Nghiên cứu của Lê Thành Tài (2008) cho thấy nhân viên điều dưỡng bị stress nghề nghiệp tại bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ và bệnh viện đa khoa Châu Thành - Hậu Giang : 45,2% bị stress ở mức cao, 42,8% ở mức trung bình. Tại bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, tỉ lệ stress cao nhất với 53,1%. Năm 2016, Nguyễn Thu Hà nghiên cứu cho thấy tỷ lệ stress ở nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần là tương đối cao (66,7%), đa số stress được kiểm soát khá tốt (61,7%) và chỉ có 5% stress cần sự can thiệp sớm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự tương quan nghịch giữa stress và chỉ số làm việc ở nhân viên y tế (WAI- Work ability index) (r= -0,37; p=0,004) nghĩa là chỉ số khả năng làm việc giảm khi mức độ căng thẳng nghề nghiệp tăng. Kết quả này tương tự với các nghiên cứu trước đây, như nghiên cứu của tác giả Bresić J [2], Golubic [4], Kumashiro [7]... Tuy nhiên, sự thay đổi của WAI còn phụ thuộc vào tính chất các công việc khác nhau.
Stress nghề nghiệp là yếu tố gây tổn thương chủ yếu cho hệ thần kinh, góp phần làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, cơ xương khớp cũng như tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm do thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều áp lực. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng 50-60% trường hợp nghỉ làm việc có liên quan đến tình trạng stress nghề nghiệp;
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, phòng ngừa stress có hiệu quả - cách tốt nhất là cần có các biện pháp dự phòng, kiểm soát stress nghề nghiệp.
Về đầu trang