viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

RỐI LOẠN CƠ XƯƠNG MỘT VẤN ĐỀ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG

27.03.2018 860

BS. Hồng Quang Thống

TS. BS. Nguyễn Thu Hà

Theo thống kê về số lượng người dùng internet thì tính đến tháng 1 năm 2017, Việt Nam có 50.05 triệu người dùng internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016 và đứng vị trí thứ 16 trong tốp 20 quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất tại châu Á. Sự phát triển của intrernet cũng kéo theo sự phát triển đa dạng các thiết bị công nghệ thông tin như điện thoại, máy tính bảng…đặc biệt là máy tính (bao gồm cả máy tính xách tay (laptop) và máy tính để bàn (desktop)). Không thể phủ nhận được sự đóng góp của công nghệ thông tin nói chung và máy tính nói riêng cho sự phát triển của tất cả lĩnh vực từ khoa học cho đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi đôi với những thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe người lao động.

Văn phòng làm việc đại diện cho môi trường làm việc phức tạp, nó bao gồm sự tương tác của người lao động với các kích thước khác nhau của máy tính và các thiết bị, hay tốc độ nhập dữ liệu, vị trí, ánh sáng của các mục tiêu thị giác (màn hình, tài liệu) và nội dung công việc. Loại công việc này có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ của RLCXLQNN như tư thế bất lợi, gò bó, ngồi tĩnh tại kéo dài, duy trì các tư thế bất lợi ở chi trên, tĩnh tải thấp hoặc làm việc lặp đi lặp lại, tăng hoạt động của cơ ở vùng trên lưng và vai, thời gian làm việc và áp lực về mặt thời gian. Các nghiên cứu cũng cho thấy nhiều nhân viên văn phòng dành hơn 75% thời gian làm việc của họ để ngồi làm việc trên máy tính. Hầu hết các nguy cơ này đều liên quan đến sự tương tác giữa nhân viên văn phòng với các thành phần của nơi làm việc như bàn, ghế, màn hình, chuột, bàn phím và điện thoại.

Văn phòng làm việc đại diện cho môi trường làm việc phức tạp

(Nguồn ảnh: https://fitforwork.org/blog/work-adjustments-for-musculoskeletal-disorders-msds)

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, rối loạn cơ xương liên quan đến nghề nghiệp (RLCXLQNN) ảnh hưởng hơn 1.7 tỉ người trên toàn cầu và là vấn đề có chi phí lớn nhất đối với người lao động tại Mỹ (khoảng 50 tỉ đô la hàng năm) . Các rối loạn này ảnh hưởng đến ½ số người ở độ tuổi từ 18 trở lên và 1/3 đối với người từ 65 tuổi trở lên. Đó là nguyên nhân chính gây ra số ngày làm việc mất đi do ốm đau, bệnh tật và là gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế công cộng [1]. RLCX cũng là vấn đề khiếu nại về sức khoẻ thường xuyên nhất của người lao động tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu và Hoa Kỳ, là nguyên nhân bệnh tật đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới. Tỷ lệ các RLCX vượt xa các bệnh về tuần hoàn và hô hấp.

Theo ước tính từ Khảo sát người lao động tại Anh giai đoạn 2016-2017 cho thấy: Tỷ lệ hiện mắc của những rối loạn cơ xương liên quan đến nghề nghiệp là vào khoảng 507.000 người trên tổng số 1.299.000 người có vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp (tương đương với khoảng 39% hay 1550 trường hợp trên 100.000 công nhân). Cũng theo khảo sát này các công việc nâng nhấc, xử lý bằng tay và sử dụng bàn phím máy tính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển RLCX, đặc biệt là sự phát triển của đau lưng. Cụ thể, công việc sử dụng bàn phím máy tính hoặc những công việc có các thao tác lặp lại có tỷ lệ RLCX là 230/100.000 công nhân [2]. Tại Australia, trong giai đoạn 2009 – 2014 cũng có 360.180 người yêu cầu bồi thường liên quan đến RLCX nghề nghiệp, chiếm 60% tổng số yêu cầu bồi thường giai đoạn này. Trong đó, công việc văn phòng và hành chính chiếm tới 5.6% số người có RLCXLQNN, (khoảng 20.000 người, tương đương1,6 khiếu nại/1 triệu giờ làm việc) [3].

Hậu quả của RLCXLQNN là vô cùng to lớn. Tại Anh, ước tính khoảng 8,9 triệu ngày làm việc bị mất đi do các RLCXLQNN vào năm 2016/17, tương đương trung bình khoảng 17,6 ngày bị mất đi cho mỗi trường hợp. Các RLCXLQNN chiếm khoảng 35% của tất cả số ngày làm việc bị mất đi do các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc [2]. Tại Australia, trong khoảng thời gian từ 2000 tới 2013, số thời gian trung bình mất mất đi từ công việc liên quan đến RLCX đã tăng 35% (từ 4,3 tuần làm việc lên 5,8 tuần làm việc). Trong cùng thời kỳ, mức bồi thường trung bình cho các khiếu nại RLCX nghiêm trọng tăng 59% từ 5600 đô la năm 2000 lên tới 8900 đô la vào năm 2013 [3].

Việc phòng ngừa RLCXLQNN ở các nhân viên văn phòng phụ thuộc vào việc xác định được chính xác sự tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nghề nghiệp. Mục tiêu của nghiên cứu tại nơi làm việc là chủ động xác định các yếu tố liên quan đến tăng nguy cơ rối loạn cơ xương. Ba phương pháp tiếp cận đã được sử dụng để xác định các yếu tố nguy cơ có liên quan đến RLCXLQNN là: (1) bản tự báo cáo của người lao động, nơi người lao động được yêu cầu ước lượng các mức độ nguy cơ liên quan đến công việc của họ; (2) các phương pháp dựa trên sự quan sát, nơi nhà phân tích công việc quan sát công việc trong thời gian thực hoặc từ video ghi lại, với cách tiếp cận có hệ thống để phân loại các yếu tố nguy cơ; và (3) đo trực tiếp, nơi dụng cụ được dùng để đo trực tiếp các tư thế. Các đánh giá dựa trên sự quan sát cung cấp các mức chi phí, năng lực, tính linh hoạt, tính tổng quát và độ chính xác phù hợp với các chuyên gia về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp, những người có thời gian và nguồn lực hạn chế và cần có cơ sở để thiết lập các ưu tiên cho can thiệp.

Phương pháp ROSA (Rapid Office Strain Assessment) là một bảng kiểm dựa trên các hình ảnh đã được xây dựng từ trước để giúp định lượng một cách nhanh chóng sự phơi nhiễm của người lao động với các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc văn phòng hoặc nếu một nơi làm việc văn phòng đòi hỏi đánh giá bổ sung hoặc cần đưa ra các biện pháp can thiệp. Phương pháp này dựa trên các tiêu chuẩn của CSA về Ergonomics văn phòng (CSA-Z412) và các yếu tố nguy cơ cơ xương được xác định thông qua các nghiên cứu sâu rộng cho các công việc văn phòng và máy tính. Các yếu tố nguy cơ kết hợp với công cụ được tổ chức thành nhiều phần nhỏ như ghế, màn hình, điện thoại, chuột và bàn phím. Các tiểu mục này nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ của từng bộ phận tại nơi làm việc văn phòng và cân nhắc điểm nguy cơ. Các điểm được xác định trong mỗi tiểu mục sau đó được kết hợp lại để đạt được điểm số cuối cùng của ROSA, điểm này sẽ cho thấy nguy cơ chung đối với sự không thoải mái về cơ xương do các công việc văn phòng gây ra.

Để có thêm kiến thức, công cụ áp dụng, tư vấn cải thiện về điều kiện lao động và  ecgônômi văn phòng nhằm dự phòng các rối loạn cơ xương liên quan đến công việc, hãy liên hệ với chúng tôi:

KHOA TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI

Điện thoại:         (84-24)-38213491*137

Email:                tamsinhlyecgonomi@gmail.com

Hotline tư vấn:  0904284487

Keyword: Musculoskeletal Disorders, Office Ergonomics, ROSA, Rapid Office Strain Assessment, computer workstation, WRMSD (work-related musculoskeletal disorders).

Tài liệu tham khảo:

  1. World Health Organization (2003), Preventing Musculoskeletal Disorders (MSDs) in Workplace, 2003.

http://www.who.int/occupational_health/publications/en/oehmsd3.pdf

  1. Health and Safety Executive (2017). Work-related Musculoskeletal Disorders (WRMSDs) Statistics in Great Britain 2017.
  2. Safe Work Australia (2016). Statistics on Work-Related Musculoskeletal Disorders 2016. ISBN: 978-1-76028-825-9 (online pdf).



02439714361

Về đầu trang