viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG, PHÒNG NGỪA TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP (Phần 3)

13.04.2017 817

1.7. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

Ngoài các loại thiết bị và biện pháp bảo vệ: bao che, bảo hiểm, báo hiệu tín hiệu, khoảng cách an toàn, cơ cấu điều khiển, phanh hãm, tự động hoá, các thiết bị an toàn riêng biệt... nhằm ngăn ngừa chống ảnh hưởng xấu của các yếu tố nguy hiểm do sản xuất gây ra cho người lao động, trong nhiều trường hợp cụ thể cần phải thực hiện một biện pháp phổ biến nữa là trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho từng người lao động.

Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được chia làm bảy loại theo yêu cầu bảo vệ như: bảo vệ mắt, bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ quan thính giác, bảo vệ tay, bảo vệ chân, bảo vệ thân và đầu người.

Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp kỹ thuật bổ sung, hỗ trợ nhưng có vai trò rất quan trọng (đặc biệt là trong điều kiện thiết bị, công nghệ lạc hậu). Thiếu trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không thể tiến hành sản xuất được và có thể xảy ra nguy hiểm đối với người lao động. Ở nước ta trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân còn có ý nghĩa quan trọng ở chỗ: điều kiện thiết bị bảo đảm an toàn đang còn thiếu.

Trang bị bảo vệ mắt gồm hai loại:

-        Loại bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương do vật rắn bắn phải, khỏi bị bỏng...

-        Loại bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương bởi các tia năng lượng.

Tuỳ theo điều kiện lao động để lựa chọn thiết bị bảo vệ mắt cho thích hợp, bảo đảm tránh được tác động xấu của điều kiện lao động đối với mắt, đồng thời không làm giảm thị lực hoặc gây các bệnh về mắt.

Trang bị bảo vệ cơ quan hô hấp:

Mục đích của loại trang bị này là tránh các loại hơi, khí độc, các loại bụi thâm nhập vào cơ quan hô hấp. Loại trang bị này thường là các bình thở, bình tự cứu, mặt nạ, khẩu trang... Tuỳ theo điều kiện lao động mà người ta lựa chọn các trang bị cho thích hợp.

 Trang bị bảo vệ cơ quan thính giác:

Mục đích cuả loại trang bị này nhằm ngăn ngừa tiếng ồn tác động xấu đến cơ quan thính giác của người lao động. Loại trang bị này thường gồm:

-        Nút bị tai: đặt ngay trong ống lỗ tai, khi chọn loại nút bịt tai thích hợp tiếng ồn sẽ được ngăn cản khá nhiều.

-        Bao úp tai: che kín cả phần khoanh tai dùng khi tác động của tiếng ồn trên 120 dBA....

Trang bị phương tiện bảo vệ đầu:

Tuỳ theo yêu cầu cần bảo vệ là chống chấn thương cơ học, chống cuốn tóc hoặc các tia năng lượng.... mà sử dụng các loại mũ khác nhau. Ngoài yêu cầu bảo vệ được đầu khỏi tác động xấu của điều kiện lao động nói trên, các loại mũ còn phải đạt yêu cầu chung là nhẹ và thông gió tốt trong khoảng không gian giữa mũ và đầu.

Trang bị phương tiện bảo vệ chân và tay:

-        Bảo vệ chân thường dùng ủng hoặc giày các loại: chống ẩm ướt, chống ăn mòn của hoá chất, cách điện, chống trơn trượt, chống rung động .....

-        Bảo vệ tay thường dùng bao tay các loại, yêu cầu bảo vệ tay cũng tương tự như đối với bảo vệ chân.

Quần áo bảo hộ lao động:

Bảo vệ thân người lao động khỏi tác động của nhiệt, tia năng lượng, hoá chất, kim loại nóng chảy bắn phải và cả trong trường hợp áp suất thấp hoặc cao hơn bình thường.

Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của Nhà nước, việc quản lý cấp phát sử dụng theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động phải tiến hành kiểm tra chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân trước khi cấp phát và kiểm tra định kỳ theo tiêu chuẩn, người lao động phải kiểm tra trước khi sử dụng.

1.8. Phòng cháy, chữa cháy

Ngọn lửa không chỉ hoàn toàn mang lại lợi ích cho con người mà ngược lại nó là kẻ gieo nhiều tai họa không lường nếu con người không kiểm soát được nó. Đó là nạn cháy. Một khi nền kinh tế càng phát triển, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, thì thiệt hại do mỗi đám cháy gây ra cũng tăng gấp bội.

Phòng cháy, chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Cháy là phản ứng hóa học có tỏa nhiệt và phát sáng. Cháy chỉ xảy ra khi đủ ba yếu tố:

-        Chất cháy;

-        Ôxy;

-        Nguồn nhiệt.

Dẫn đến cháy nổ có nhiều nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và nguyên nhân sâu xa. Ở đây chúng ta nghiên cứu nguyên nhân trực tiếp do con người gây ra để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Sau đây là một số nguyên nhân gây cháy phổ biến:

-        Do tác động của ngọn lửa trần, tàn lửa, tia lửa;

-        Do tác dụng của năng lượng điện;

-        Do ma sát va chạm giữa các vật;

-        Do phản ứng hoá học của hoá chất.

Biện pháp phòng cháy chữa cháy: Để phòng cháy, chữa cháy tốt phải thực hiện nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, giáo dục đến biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính.

Có biện pháp thực hiện ngay từ khi thiết kế công trình như lựa chọn vật liệu xây dựng, tường ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống cấp nước chữa cháy, thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động vv....

Có biện pháp thực hiện trong quá trình sản xuất, thi công như kiểm tra kỹ thuật an toàn máy móc thiết bị trước khi vận hành, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật.

Biện pháp tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện:

Người sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giáo dục ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người lao động; tổ chức huấn luyện cho họ cách thức phòng cháy chữa cháy.

Mỗi cơ quan, xí nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đều phải có phương án phòng cháy chữa cháy tại chỗ phù hợp với đặc điểm của cơ sở và tổ chức luyện tập thường xuyên để khi có cháy là kịp thời xử lý có hiệu quả.

Biện pháp kỹ thuật:

Thay thế các khâu sản xuất nguy hiểm bằng những khâu ít nguy hiểm hơn hoặc tiến hành cơ giới hóa tự động hóa các khâu đó. Dùng thêm các chất phụ trợ, các chất chống cháy nổ trong môi trường có tạo ra các chất hỗn hợp cháy nổ.

Cách ly các thiết bị hoặc công đoạn có nhiều nguy cơ cháy nổ với khu vực sản xuất bình thường, có nhiều người làm việc.

Hạn chế mọi khả năng phát sinh nguồn nhiệt như thiết kế thêm thiết bị dập tàn lửa cho các xe nâng hàng, ống khói, ống xả của động cơ xe máy. Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng chất cháy (nguyên vật liệu, sản phẩm, ...) trong nơi sản xuất.

Thiết kế lắp đặt hệ thống thiết bị chống cháy lan trong đường ống dẫn xăng dầu khí đốt, chống cháy lan từ nhà nọ sang nhà kia.

Xử lý vật liệu bằng sơn chống cháy hoặc ngâm tẩm bằng hoá chất chống cháy.

Trang bị thêm hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Biện pháp hành chính - pháp luật:

Trên cơ sở các văn bản của Nhà nước (Luật, Pháp lệnh, Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn), người sử dụng lao động phải nghiên cứu đề ra các nội quy, biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy trong đơn vị và hướng dẫn người lao động thực hiện.

 

                                        ThS. Trần Văn Đại

                                            Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgonomi

                                                                                                         Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường

02439714361

Về đầu trang