13.04.2017 1470
1. Các biện pháp về kỹ thuật an toàn
Để bảo vệ người lao động khỏi bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm nảy sinh trong lao động, với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, nhiều phương tiện kỹ thuật, biện pháp thích hợp đã được nghiên cứu áp dụng.
Sau đây là một số biện pháp:
1.1. Thiết bị che chắn
- Mục đích che chắn:
+ Cách ly vùng nguy hiểm và người lao động;
+ Ngăn ngừa người lao động rơi, tụt, ngã hoặc vật rơi, văng bắn vào người lao động.
Tùy thuộc vào yêu cầu che chắn mà cấu tạo của thiết bị che chắn đơn giản hay phức tạp và được chế tạo bởi các loại vật liệu khác nhau.
- Phân loại thiết bị che chắn:
+ Che chắn tạm thời hay di chuyển được như che chắn ở sàn thao tác trong xây dựng;
+ Che chắn lâu dài hầu như không di chuyển như bao che của các bộ phận chuyển động.
- Một số yêu cầu đối với thiết bị che chắn:
+ Ngăn ngừa được tác động xấu do bộ phận của thiết bị sản xuất gây ra;
+ Không gây trở ngại cho thao tác của người lao động;
+ Không ảnh hưởng đến năng suất lao động, công suất của thiết bị;
+ Dễ dàng tháo, lắp, sửa chữa khi cần thiết.
1.2. Thiết bị bảo hiểm hay thiết bị phòng ngừa
- Thiết bị bảo hiểm nhằm mục đích: Ngăn chặn tác động xấu do sự cố của quá trình sản xuất gây ra; ngăn chặn, hạn chế sự cố sản xuất. Sự cố gây ra có thể do: quá tải, bộ phận chuyển động đã chuyển động quá vị trí giới hạn, nhiệt độ cao hoặc thấp quá, cường độ dòng điện cao quá... Khi đó thiết bị bảo hiểm tự động dừng hoạt động của máy, thiết bị hoặc bộ phận của máy.
- Đặc điểm của thiết bị bảo hiểm: là quá trình tự động loại trừ nguy cơ sự cố hoặc tai nạn một khi đối tượng phòng ngừa vượt quá giới hạn quy định.
- Phân loại: phân loại thiết bị bảo hiểm theo khả năng phục hồi lại sự làm việc của thiết bị.
+ Hệ thống có thể tự phục hồi lại khả năng làm việc khi đối tượng phòng ngừa đã trở lại dưới giới hạn quy định như: van an toàn kiểu tải trọng, rơ le nhiệt...;
+ Hệ thống phục hồi lại khả năng làm việc bằng tay như: trục vít rơi trên máy tiện...;
+ Hệ thống phục hồi lại khả năng làm việc bằng cách thay thế cái mới như: cầu chì, chốt cắm...
Thiết bị bảo hiểm có cấu tạo, công dụng rất khác nhau tuỳ thuộc vào đối tượng phòng ngừa và quá trình công nghệ: Để bảo vệ thiết bị điện khi cường độ dòng điện vượt quá giới hạn cho phép có thể dùng cầu chì, rơ le nhiệt, cơ cấu ngắt tự động....để bảo hiểm cho thiết bị chịu áp lực do áp suất vượt qúa giới hạn cho phép, có thể dùng van bảo hiểm kiểu tải trọng, kiểu lò so, các loại màng an toàn....
Thiết bị bảo hiểm chỉ bảo đảm làm việc tốt khi đã tính toán chính xác ở khâu thiết kế, chế tạo đúng thiết kế và nhất là khi sử dụng phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật an toàn.
1.3. Tín hiệu, báo hiệu
- Hệ thống tín hiệu, báo hiệu nhằm mục đích:
+ Nhắc nhở cho người lao động kịp thời tránh không bị tác động xấu của sản xuất: Biển báo, đèn báo, cờ hiệu, còi báo động...
+ Hướng dẫn thao tác: Bảng điều khiển hệ thống tín hiệu bằng tay điều khiển cần trục, lùi xe ôtô....
+ Nhận biết qui định về kỹ thuật và kỹ thuật an toàn qua dấu hiệu qui ước về màu sắc, hình vẽ: Sơn để đoán nhận các chai khí, biển báo để chỉ đường....
- Báo hiệu, tín hiệu có thể dùng:
+ Ánh sáng, màu sắc: thường dùng ba màu: màu đỏ, vàng, màu xanh.
+ Âm thanh: thường dùng còi, chuông, kẻng...
+ Mầu sơn, hình vẽ, bảng chữ.
+ Đồng hồ, dụng cụ đo lường: để đo cường độ, điện áp dòng điện, đo áp suất, khí độc, ánh sáng, nhiệt độ, đo bức xạ, v.v...
- Một số yêu cầu đối với tín hiệu, báo hiệu:
+ Dễ nhận biết.
+ Khả năng nhầm lẫn thấp, độ chính xác cao.
+ Dễ thực hiện, phù hợp với tập quán, cơ sở khoa học kỹ thuật và yêu cầu của tiêu chuẩn hoá.
1.4. Khoảng cách an toàn
- Khoảng cách an toàn: là khoảng không gian nhỏ nhất giữa người lao động và các loại phương tiện, thiết bị, hoặc khoảng cách nhỏ nhất giữa chúng với nhau để không bị tác động xấu của các yếu tố sản xuất. Như khoảng cách cho phép giữa đường dây điện trần tới người, khoảng cách an toàn khi nổ mìn...
Tùy thuộc vào quá trình công nghệ, đặc điểm của từng loại thiết bị....mà quy định các khoảng cách an toàn khác nhau.
Việc xác định khoảng cách an toàn rất cần chính xác, đòi hỏi phải tính toán cụ thể. Dưới đây là một số dạng khoảng cách an toàn:
+ Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện vận chuyển với nhau hoặc với người lao động như: khoảng cách các đường ô tô với bức tường, khoảng cách đường tàu hỏa, ô tô tới thành cầu...Khoảng cách từ các mép goòng tới các đường lò...
+ Khoảng cách an toàn về vệ sinh lao động: Tùy theo cơ sở sản xuất mà phải bảo đảm một khoảng cách an toàn giữa cơ sở đó và khu dân cư xung quanh.
Khoảng cách an toàn trong một số ngành nghề riêng biệt như:
+ Lâm nghiệp: khoảng cách trong chặt hạ cây, kéo gỗ...;
+ Xây dựng: khoảng cách trong đào đất, khai thác đá....
+ Cơ khí: khoảng cách giữa các máy, giữa các bộ phận nhô ra của máy, giữa các bộ phận chuyển động của máy với các phần cố định của máy, của nhà xưởng, công trình...
+ Điện: chiều cao của dây điện tới mặt đất, mặt sàn ứng với các cấp điện áp, khoảng cách của chúng tới các công trình...
Khoảng cách an toàn về cháy nổ. Đối với quá trình cháy nổ, khoảng cách an toàn còn có thể phân ra:
+ Khoảng cách an toàn bảo đảm không gây cháy hoặc nổ như: khoảng cách an toàn về truyền nổ ....
+ Khoảng cách an toàn bảo đảm quá trình cháy nổ không gây tác hại của sóng va đập của không khí, chấn động, đá văng....
Khoảng cách an toàn về phóng xạ: với các hạt khác nhau. Đường đi trong không khí của chúng cũng khác nhau. Tia α đi được 10 - 20cm, tia β đi được 10m.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống khác, việc cách ly người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm đã loại trừ được rất nhiều tác hại của phóng xạ với người.
ThS. Trần Văn Đại
Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgonomi
Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường
Về đầu trang