13.04.2017 883
Một số nghiên cứu về tác hại nghề nghiệp cho thấy các dạng lao động đòi hỏi độ chính xác cao (ví dụ lao động sản xuất linh kiện điện tử…) có căng thẳng cơ quan phân tích thị giác, đòi hỏi một điều kiện chiếu sáng đặc biệt, yêu cầu cao cả về cường độ chiếu sáng và kỹ thuật chiếu sáng. Ngay cả những dạng lao động thô, lao động công nghiệp nặng, nếu bố trí chiếu sáng không hợp lý có thể làm giảm năng suất lao động hoặc gây tai nạn lao động. Bởi vậy, việc thiết kế Ecgônômi chiếu sáng tốt, phù hợp với nguyên tắc Ecgônômi thị giác sẽ bảo vệ được thị giác cho người lao động, làm giảm căng thẳng thị giác và đồng thời cũng làm tăng năng suất lao động - đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động.
Dù ở vị trí công việc nào, trong khu công nghiệp hay văn phòng, thao tác thô hay tỉ mỉ, việc bố trí chiếu sáng đúng quy cách làm cho thao tác công việc được dễ dàng hơn. Con người nhận được khoảng 85% thông tin qua giác quan thị giác của họ. Sự chiếu sáng thích hợp, không chói và không bị bóng, có thể làm giảm căng thẳng thị giác và chứng đau đầu. Một chiếu sáng thích hợp còn làm giảm tai nạn lao động bởi tăng sự quan sát các chi tiết máy chuyển động và các nguy cơ gây mất an toàn, đồng thời cũng làm tăng năng suất lao động. Chất lượng chiếu sáng tốt cũng làm giảm nguy cơ tai nạn và tổn thương bởi “điểm mù thoáng qua” (vùng thị trường chậm tức thời của mắt khi chuyển qua vùng sáng và tối hoặc vùng ngoại vi), hay gặp trong những ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo…
Ngoài ra, khả năng “nhìn” tại vị trí lao động không chỉ phụ thuộc vào cường độ chiếu sáng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Thời gian quan sát được chi tiết vật, chi tiết di chuyển nhanh hay chậm gây khó quan sát. Kích thước chi tiết vật, chi tiết càng nhỏ càng khó quan sát. Sự sáng chói hay phản xạ ánh sáng quá nhiều hoặc quá ít làm khó quan sát chi tiết. Sự tương phản giữa chi tiết và nền, tương phản quá ít sẽ khó phân biệt chi tiết thao tác với nền làm việc. Do vậy, những thiết kế chiếu sáng và đặc điểm kỹ thuật chiếu sáng không hợp lý, không những làm căng thẳng thị giác mà còn có nguy cơ gây chấn thương hay tai nạn lao động, làm giảm năng suất lao động.
Một khảo sát đầy đủ về chiếu sáng nhằm phát hiện ra và làm rõ những vấn đề chi tiết phức tạp của chiếu sáng. Khảo sát được vấn đề chiếu sáng đầy đủ cần phải có những vật dụng đo cần thiết cùng với kinh nghiệm của người khảo sát.
Là lượng ánh sáng chiếu lên một bề mặt, đơn vị đo là lux. Sử dụng máy đo độ chiếu sáng bằng Luxmetre. Khi đo, tế bào quang điện của máy đo được đặt ngửa trên mặt phẳng cần đo hoặc cách mặt sàn khoảng 76cm (theo tiêu chuẩn của Mỹ, một số khác có thể đo cách từ 70 hoăc 85cm), tránh bóng che.
Giá trị đo được đánh giá từ nhiều góc độ và nhiều điểm đo, ở các phòng nhỏ các điểm đo có thể cách 1-2m, còn ở xưởng lớn các điểm đo có thể cách khoảng 5m. Tuy nhiên, tùy theo vị trí và tính chất công việc, các điểm đo và cách đánh giá sẽ khác nhau.
Độ phản xạ của nền
R(%) = -------------------------------------- x 100
Cường độ chiếu sáng lên nền đó
Đánh giá đặc điểm nền: Nền tối: R < 20%
Nền trung bình: 20% ≤ R ≤ 40%
Độ phản xạ của chi tiết(Lct) - Độ phản xạ của nền(Ln)
K = -----------------------------------------------------------------
Độ phản xạ của nền(Ln)
Nếu 0,2 ≤ K ≤ 0,5: tương phản mức trung bình (tương phản trung bình)
Nếu K > 0,5: tương phản tốt (tương phản cao),
Trong thiết kế công việc được khuyến cáo giữa chi tiết thao tác với nền nên ở mức tương phản tốt.
Ngoài ra, sự tương phản không tốt còn do chiếu sáng không đồng đều trong cùng khu vực nhà xưởng.
2.5. Góc nhìn mắt - đèn
Là góc tạo bởi đường nhìn ngang của mắt và đường thẳng nối từ mắt đến đèn.
Một số đề xuất giới hạn góc mắt - đèn như sau:
+ TCVN 7174 - 2002: góc mắt - đèn ≥ 45o
+ Grandjean: góc mắt - đèn > 30o
+ Tài liệu Nga: góc mắt đèn ≥ 40o
Để đảm bảo nguyên tắc kỹ thuật chiếu sáng nhằm tránh chói lóa, nguồn sáng cần có chụp che và góc tạo bởi đường thẳng nối đèn đến mắt và đường nhìn ngang (góc mắt - đèn) cần hơn 30o, nếu góc nhỏ hơn (như trong phòng rộng) đèn cần có chụp hiệu quả để mắt không trực tiếp nhìn thấy nguồn sáng trong trường nhìn.
Sự chiếu sáng không tốt có thể là một hoặc nhiều các trường hợp sau:
- Ánh sáng thiếu: không đủ ánh sáng cần thiết
- Ánh sáng chói: quá nhiều ánh sáng cần thiết hoặc bị chói do đèn hay do phản xạ
- Độ tương phản không thích hợp
- Phân bố ánh sáng không đồng đều
- Nhấp nháy ánh sáng
3.1. Ánh sáng thiếu
* Đánh giá ánh sáng thiếu
- Đo cường độ chiếu sáng trung bình nơi làm việc
- Nhìn thấy bóng, nhất là xung quanh vị trí làm việc và lối đi lại
- Hỏi công nhân có những triệu chứng căng thẳng mắt hay phải nheo mắt để nhìn không
* Điều chỉnh ánh sáng thiếu
- Định kỳ thay thế bóng đèn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Những bóng đã cũ phải được thay mới ngay, trước khi nó bị cháy.
- Định kỳ làm sạch nguồn chiếu sáng. Bụi và bẩn phủ trên nguồn sáng làm giảm cường độ chiếu sáng.
- Bố trí thêm nguồn sáng ở những nơi thích hợp.
- Sơn tường và trần màu sáng để ánh sáng có thể được phản xạ tốt.
- Sử dụng sự phản xạ ánh sáng và ánh sáng cục bộ để loại trừ hiện tượng bị bóng.
- Không bố trí vị trí làm việc với nguồn sáng phía sau công nhân.
3.2. Ánh sáng chói
Ánh sáng chói là vấn đề hay gặp, xảy ra khi có nguồn ánh sáng chói hoặc do phản xạ ánh sáng cao trong tầm nhìn chi tiết của công nhân. Trong hầu hết trường hợp, mắt của sẽ tự điều chỉnh để thích nghi mức độ ánh sáng chói. Khi hiện tượng thích nghi xảy ra, mắt sẽ trở nên khó để nhìn chi tiết vùng mờ và tối khu vực xung quanh vị trí làm việc.
Ánh sáng chói gây ra căng thẳng và khó chịu khi làm việc và sẽ dẫn đến giảm khả năng nhìn của một người. Nguyên nhân gây chói gồm 2 loại: trực tiếp và gián tiếp.
- Nguyên nhân gây chói gián tiếp:
+ Những phản xạ ánh sáng chói từ bề mặt nhẵn, bóng hoặc sáng
+ Phản xạ từ kính của khung tranh hay cửa sổ mờ
+ Phản xạ của màn hình
- Nguyên nhân gây chói trực tiếp:
+ Ánh sáng rất chói từ vị trí nguồn sáng không tốt (đặt sai vị trí, không có chụp che chắn), góc mắt - đèn thấp
+ Ánh sáng mặt trời
* Các cách phát hiện nguồn gây chói
+ Đặt một chiếc gương lên bề mặt làm việc, nếu có phản xạ ánh sáng từ phía trên, thì nguồn sáng đó có khả năng gây chói.
+ Đo góc mắt - đèn để đánh giá chói trực tiếp.
+ Tìm các vật dụng gây chói: mặt kính, mặt bàn sáng bóng, màn hình bóng…
+ Hỏi công nhân về những triệu chứng mệt mỏi đau nhức mắt, đau đầu hay phải cố nheo mắt để nhìn.
* Điều chỉnh vấn đề chói
- Sử dụng vài nguồn sáng cường độ nhỏ tốt hơn dùng một nguồn sáng cường độ cao.
- Sử dụng nguồn sáng có sự khuếch tán ánh sáng tốt hoặc ánh sáng được tập trung. Dùng nguồn sáng gián tiếp hoặc nguồn sáng trực tiếp có chụp parabol được ưa dùng.
- Các bóng đèn được che chắn tốt bởi các chụp đèn.
- Tăng ánh sáng ở khu vực xung quanh nguồn gây chói.
- Sử dụng chiếu sáng cục bộ có thể tự điều chỉnh được độ sáng.
- Bố trí vị trí nguồn sáng thích hợp để làm giảm phản xạ ánh sáng tới mắt.
- Sử dụng bề mặt thao tác bằng các vật liệu mờ, ít bóng, màu sơn tường có độ bóng ít. Loại bỏ những đồ vật có tính chất bóng và sáng cao.
- Giữ cường độ chiếu sáng chung theo tiêu chuẩn được khuyến cáo
- Bố trí vị trí lao động hợp lý, phối hợp với cửa sổ và bóng đèn huỳnh quang được lựa chọn tốt cho thị lực.
* Xác định sự tương phản không tốt
- Quan sát các khu vực xung quanh thấy mức chiếu sáng khác nhau lớn.
- Quan sát thấy các chi tiết thao tác khó phân biệt so với màu nền làm việc. Các công việc phải nhìn các chữ và ký tự khó so với nền như nhìn trên màn hình, vật liệu.
3.4. Phân bố ánh sáng không đồng đều
Khi ánh sáng bị phân bố không đồng đều, các phần của trần nhà và vùng xung quanh trở nên tối và mờ hơn. Điều này sẽ gây sự điều tiết mắt khác nhau khi nhìn từ vùng này sang vùng khác, làm cho khó phát hiện và thao tác các chi tiết.
* Phát hiện ánh sáng không đồng đều
- Tìm các vùng tối trong xưởng và vùng phân bố ánh sáng không đồng đều.
- Đo cường độ ánh sáng tại nhiều điểm khác nhau trong khu xưởng, giá trị cường độ ánh sáng điểm đo được phải tối thiểu từ 2/3 giá trị cường độ ánh sáng chung.
* Điều chỉnh ánh sáng không đồng đều
- Bổ sung hoặc thay thế nguồn chiếu sáng
- Sơn trần và tường màu sáng có phản xạ ánh sáng tốt
- Làm sạch trần, tường và nguồn sáng
3.5. Nhấp nháy ánh sáng
Nhấp nháy ánh sáng là hiện tượng thay đổi nhanh và liên tục của cường độ ánh sáng làm cho ánh sáng bị chập chờn.
Các loại đèn sử dụng nguồn điện xoay chiều với tần số 50 (60)Hz, đều dao động có chu kỳ với tần số 100 (120)Hz trong một giây. Tức nghĩa nguồn sáng được bật tắt khoảng 100 (120) lần trong một giây, hay dao động phát sáng khoảng 50 (60) lần trong một giây, gây lên sự nhấp nháy ánh sáng. Đối với đèn huỳnh quang cũnghoạt động trên cơ sở thay đổi tức thì (sự dao động phát sáng) nên gây nên sự nhấp nháy ở tần số chính 50(60)Hz. Sự nhấp nháy này rất nhanh và ở trên ngưỡng gây tần số nhấp nháy bình thường của mắt người, vì vậy không nhìn thấy được, tuy nhiên các giác quan của con người vẫn có thể cảm nhận và bị ảnh hưởng trực tiếp từ tần số nhấp nháy này.
Sự ảnh hưởng của hiện tượng nhấp nháy ánh sáng đến sức khỏe và năng suất lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
+ Có xảy ra thường xuyên hay không
+ Loại bóng đèn được dùng (hệ thống chiếu sáng bằng đèn sợi tóc, đèn huỳnh quang hoặc đèn cao áp HID - high intensity discharge)
+ Cường độ ánh sáng khu vực xung quanh vị trí làm việc
- Phụ thuộc loại bóng đèn được dùng
Hiện tượng nhấp nháy phụ thuộc loại bóng đèn, sự nhấp nháy dao động ít ở bóng đèn sợi tóc và huỳnh quang, còn hiện tượng nhấp nháy ở đèn thủy ngân cao áp, đèn halogen kim loại và bóng đèn natri có vỏ trong suốt dễ nhận biết hơn.
Ở một số bóng đèn huỳnh quang có thể nhìn thấy hiện tượng nhấp nháy ở hai cực phần cuối của bóng, bởi vậy khi dùng đèn huỳnh quang thường phải có chụp che được hai đầu của bóng đèn.
Trường hợp này xảy ra khi các bóng đèn không tốt, đã cũ hoặc bị lão hóa sẽ gây hiện tượng nhấp nháy ánh sáng ở tần số mắt bắt đầu cảm nhận được, do vậy cần phải thay thế bóng mới ngay.
- Khi có sự thay đổi điện áp lớn
Trong các xưởng sản xuất, khi bật tắt các thiết bị điện tiêu thụ nguồn điện năng lớn như các máy móc lớn, máy hàn, máy chụp chiếu trong y học…, làm thay đổi điện thế mạnh gây nên nhấp nháy ánh sáng.
Thông thường sự dao động điện thế thường nhỏ ít gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong các văn phòng, phòng hành chính thì chỉ cần điện thế dao động nhỏ khoảng 10%, tức giảm khoảng 5-15Hz, cũng đủ gây ra tần số nhấp nháy khó chịu.
Điều này có thể giảm được bằng dùng bộ cân bằng điện thế.
- Do hiệu ứng hoạt nghiệm “stroboscopic effect”
Hiệu ứng hoạt nghiệm xảy ra trên các máy móc chuyển động quay và các vật chuyển động khác gây khó chịu nếu công việc cần yêu cầu chú ý cao. Có thể nguy hiểm khi hiệu ứng hoạt nghiệm này xuất hiện ở các bộ phận quay của của máy móc, bởi có thể gây nên cảm giác vận tốc di chuyển bị giảm, ngừng quay hay đảo chiều quay, gây mất an toàn và tai nạn lao động.
Điều này có thể tránh bằng cách dùng đèn sợi tóc cục bộ để chiếu sáng các chi tiết di chuyển quay của máy móc.
Ngoài ra, những nhấp nháy không nhìn thấy và hiệu ứng hoạt nghiệm có thể phần lớn tránh được bằng cách sử dụng 2 hoặc nhiều hơn ống đèn lệch pha nhau. Với đèn bật 3 pha, sự nhấp nháy ít hơn đèn sợi tóc. Đưa ra đề xuất trong phòng làm việc bình thường không bao giờ nên được chiếu sáng bởi một bóng đèn huỳnh quang đơn mà cần chiếu sáng bởi từ 2 bóng đèn huỳnh quang lệch pha nhau. Khi đèn huỳnh quang xuất hiện nhấp nháy nhìn thấy thì phải thay bóng đèn ngay.
Để phòng tránh những tác hại này, trong từng trường hợp cụ thể chúng ta phải sử dụng các biện pháp điều chỉnh hợp lý như những phân tích ở trên, nhằm giảm sự ảnh hưởng của hiện tượng nhấp nháy ánh sáng cho người lao động.
Tài liệu tham khảo
1. TCVN 7114:2002 – ISO 8995: 1989, Ecgônômi - nguyên lý ecgônômi thị giác - chiếu sáng cho hệ thống làm việc trong nhà.
2. Lighting Ergonomics - Survey and Solutions. Canadian Centre for Occupational Health and Safety. August 28, 2013.
3. Grandjean E. (1986), Fitting The Task to the Man. An Ergonomic Approach. Taylor Francis London and Philadelphia, 1986.
4. Gorskov X.I; Zolina Z.M; Moikin IU. V. (1974), Phương pháp nghiên cứu trong sinh lý lao động. Viện Hàn lâm y học Liên xô; Moscova, “Medicina, 1974, 311 trang (tiếng Nga).
Về đầu trang