viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

8 phương pháp cần thiết để phòng chống rối loạn cơ xương nghề nghiệp

13.04.2017 420

8 phương pháp cần thiết để phòng chống rối loạn cơ xương nghề nghiệp

Hãy nhớ rằng không có 1 phương pháp nào chỉ thực hiện duy nhất mà có thể phòng ngừa được các nguy cơ. Chúng ta cần phải thực hiện một cách đồng bộ tất cả các phương pháp để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Phương pháp #1: Ecgônômi

Xác định các yếu tố nguy cơ và định lượng khách quan về Ecgônômi, kiểm soát sự điều hành và kỹ thuật tại nơi làm việc.

Điều quan trọng là phải xem Ecgônômi như một quá trình phải cải tiến liên tục. Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cho người lao động trong khả năng thể chất cho phép của họ. Mục tiêu để giảm nguy cơ tai nạn, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phương pháp #2: Khởi động trước ca lao động

Bài tập giãn cơ và khởi động trước khi lao động sẽ làm giảm nguy cơ chấn thương cơ xương khớp do giảm mệt mỏi, tăng cường sự cân bằng và phối hợp các cơ. 

Phương pháp #3:  Luân chuyển công việc

Luân chuyển công việc là việc thay đổi cơ cấu  lao động giữa các công việc khác nhau, đòi hỏi công nhân phải luân phiên giữa các vị trí lao động hoặc các công việc khác nhau trong khoảng thời gian nhất định.

Điều quan trọng phải nhớ rằng luân phiên công việc một mình không thay đổi các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, nó chỉ phân phối các yếu tố nguy cơ đồng đều hơn. Trong khi nguy cơ đối với một số cá nhân sẽ được giảm thì  nguy cơ cho những người lao động khác có thể tăng lên do phải tiếp xúc nguy cơ mới hoặc nguy cơ lớn hơn.

Phương pháp #4: Quay lại làm việc và điều kiện làm việc

Người lao động khi trở lại làm việc sau 1 thời gian nghỉ thường có nguy cơ cao tái chấn thương hoặc mắc các rối loạn cơ xương. Một chương trình cho nhân viên khi quay trở lại làm việc là một quá trình chủ động do những nhà điều hành và quản lý thực hiện. Cần xem xét, phân công lại lịch trình, nhiệm vụ cho người lao động để đảm bảo các yêu cầu của bác sỹ sau quá trình điều trị hoặc ngay cả khi không có bất cứ sự yêu cầu nào. Sự thay đổi dựa trên nguyên tắc của công ty, loại chấn thương, khả năng thể chất hiện tại của người lao động cũng như những hạn chế, kỹ năng và trách nhiệm với công việc trước khi chấn thương.

Phương pháp #5: Giáo dục

Con người luôn là trung tâm của mọi sáng kiến ​​nơi làm việc. Đào tạo để đảm bảo rằng nhân viên có đủ kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện vai trò của họ trong quá trình phòng chống rối loạn cơ xương.

Kỹ sư và nhân viên của các cơ sở cần có sự hiểu biết về các nguyên tắc thiết kế Ecgônômi. Người công nhân cần phải hiểu được cấu trúc của cơ thể, cách khởi động và cách phục hồi sau mỗi ngày lao động. Những người làm công tác an toàn/ chuyên gia Ecgônômi thì cần xây dựng và cải thiện môi trường làm việc hiệu quả, bền vững cho người lao động. Giáo dục phòng chống rối loạn cơ xương và phát triển các kỹ năng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công lâu dài.

Phương pháp #6: Can thiệp sớm

Rối loạn cơ xương là kết quả của sự cộng dồn của nhiều yếu tố nguy cơ trong một khoảng thời gian. Khi một người lao động biểu hiện những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng rối loạn cơ xương, việc can thiệp sớm là cần thiết để điều chỉnh các yếu tố nguy cơ trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Chiến lược phòng chống thương tích chủ động này được gọi là can thiệp sớm.  

Để một chiến lược can thiệp sớm có hiệu quả, người lao động cần phải thông báo những dấu hiệu mệt mỏi,khó chịu sớm, kịp thời và rõ ràng không để những chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra và họ phải luôn cảm thấy được khuyến khích, chia sẻ của đồng nghiệp và của người quản lý khi làm điều đó.

Khi vấn đề được báo cáo, các công cụ phòng chống tai nạn thương tích luôn phải sẵn sàng cho người lao động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia.

Phương pháp #7Xây dựng một văn hóa phòng chống rối loạn cơ xương

Nhà quản lý cần phải đi đầu trong cả lời nói và hành động , tập trung kiên định về phòng chống tai nạn, đảm bảo an toàn và sức khỏe nơi làm việc.

Các chương trình sức khỏe và an toàn thành công phải thực hiện chiến lược "con người" để phòng ngừa bệnh tật và chấn thương, xây dựng văn hoá phòng ngừa bằng cách kết hợp các hoạt động, chương trình hỗ trợ lối sống lành mạnh cùng với việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc.

Phương pháp #8: Đánh giá quá trình phòng chống rối loạn cơ xương

Để có một quá trình phòng ngừa hiệu quả và bền vững, cần thực hiện các báo cáo tiến độ hàng tháng và hàng năm để kiểm soát toàn diện, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.  

Khi mọi thứ đang tiến triển tốt, chúng ta có thể công khai ăn mừng. Tuy nhiên chúng ta đang trên hành trình tiến đến ‘KHÔNG’, chúng ta không thể thỏa mãn. Chúng ta luôn phải không ngừng cố gắng để cải tiến quy trình và làm giảm thiểu các rủi ro. 

                                                                                          TS.BS Lại Thị Tuấn Việt

 

                                                                 Dịch từ nguồn; http://ergo-plus.com/msd-prevention-101/lesson-3/ 

02439714361

Về đầu trang