12.07.2017 662
Đôi mắt được ví như cửa sổ của tâm hồn. Nhờ có đôi mắt con người cảm nhận được hình ảnh vạn vật xung quanh và phát triển trí tuệ. Trong lao động, một số ngành nghề đòi hỏi rất cao về yêu cầu thị giác, như ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp linh kiện điện tử, nghề dệt may...
Ở Việt Nam ngành công nghiệp điện tử và dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn có số lao động đông, đóng góp đáng kể vào GDP toàn quốc. Trong các ngành này chủ yếu là công nhân nữ, những người nhập cư làm việc liên tục nhiều giờ trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong đó có bệnh về mắt.
Người lao động trong nhóm này thường phải làm việc với những chi tiết nhỏ hơn 5mm thậm chí nhỏ hơn 1mm, nhìn gần trong thời gian dài, tư thế nghèo nàn, ánh sáng thấp hoặc ánh sáng chói, tạo áp lực về cường độ lao động vì phải theo dây chuyền sản xuất, chính vì vậy nhóm công việc này được đánh giá có mức độ căng thẳng thần kinh thị giác cao. Hơn nữa việc tiếp xúc với một số hóa chất đặc biệt là hóa chất bay hơi có thể gây ảnh hưởng đến mắt, có nguy cơ gây dị ứng mắt và các bệnh nghề nghiệp khác.
Trong hoạt động hợp tác với Tổ chức The Fred Hollows Foundation tại Việt Nam về việc thực hiện Dự án “Chăm sóc mắt cho công nhân nhà máy”, đầu tháng 8/2017 Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tiến hành khảo sát điều kiện lao động tại một số vị trí sản xuất và tham gia biên soạn tài liệu và giảng dạy 12 lớp tập huấn “Chăm sóc mắt nghề nghiệp” cho các trưởng nhóm công nhân tại hai nhà máy sản xuất giày da và lắp ráp điện tử tại tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Hoạt động khảo sát đánh giá điều kiện lao động bao gồm: điều kiện vệ sinh nhà xưởng, các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, chế độ làm việc và nghỉ ngơi cho công nhân, đo nồng độ một vài hơi khí độc và dung môi có ảnh hưởng đến mắt ở một số vị trí lao động (khí CO, CO2, NO2, SO2, dung môi Aceton, Toluen, Xylen…). Đặc biệt tại dự án này việc khảo sát yếu tố tâm sinh lý lao động và Ecgonomie đã được tiến hành tại một số vị trí lao động. Các yếu tố được đánh giá gồm: cường độ chiếu sáng, đặc điểm chiếu sáng (độ phản xạ ánh sáng, độ tương phản giữa chi tiết và nền, đánh giá góc nhìn mắt-đèn), kích thước và màu sắc bàn ghế, tư thế làm việc, góc cúi đầu – thân, khoảng cách nhìn mắt-chi tiết....
Qua kết quả khảo sát cho thấy tại một số vị trí lao động có sự căng thẳng về thị giác. Để chăm sóc mắt cho công nhân, Viện đã tổ chức lớp tập huấn nhằm đưa các kiến thức cơ bản nhất về cấp cứu cũng như phòng tránh chấn thương mắt trong lao động, hướng dẫn cách chăm sóc mắt và một số bài tập mắt hạn chế mệt mỏi thị giác, duy trì cũng như cải thiện thị lực.
Trong khóa tập huấn “Chăm sóc mắt nghề nghiệp” tại nhà máy, thành phần học viên tham dự là các cán bộ phụ trách về an toàn vệ sinh lao động, cán bộ y tế, quản đốc phân xưởng và tổ trưởng các tổ sản xuất. Với nội dung bài giảng phong phú, các giảng viên đã truyền đạt những kiến thức thực sự mới và bổ ích đối với người lao động phải làm việc trong môi trường có nguy cơ cao ảnh hưởng mắt.
Học viên cũng được thực hành trên lớp về sơ cấp cứu tai nạn mắt trong lao động, tập thư giãn mắt tránh mỏi và nhức mắt khi làm việc. Tất cả học viên đều hào hứng khi được tìm hiểu về những kỹ năng bảo vệ, chăm sóc mắt hàng ngày. Qua lớp tập huấn này Tổ chức FHF cũng như Viện hy vọng mỗi trưởng nhóm sẽ là những hạt nhân đưa kiến thức đã được tập huấn phổ biến cho các bạn trong phân xưởng và là người trực tiếp lên kế hoạch bảo vệ và chăm sóc mắt cho toàn bộ công nhân trong phân xưởng mình phụ trách.
Để tiến tới hoàn thiện Kế hoạch hành động về chăm sóc mắt cho công nhân, các chuyên gia Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị cho Lãnh đạo nhà máy về các biện pháp cải tiến điều kiện lao động, đặc biệt chú ý đến các biện pháp nhằm bảo vệ và chăm sóc đôi mắt cho người lao động.
Nhóm cán bộ: TS.BS. Nguyễn Đình Trung, Ths.BS. Lê Minh Hạnh, Ths.BS. Lê Bảo Thư (Khoa Bệnh nghề nghiệp) và Ths.Bs. Lỗ Văn Tùng, KTV. Tạ Thị Thúy (Khoa Vệ sinh- Sức khỏe trường học).
Về đầu trang