viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Báo động tình trạng gia tăng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp (Kỳ 1)

24.04.2017 1053

Bài 1: Bệnh nghề nghiệp đe dọa sức khỏe người lao động

BNN đang tăng nhanh cả về số người lao động (NLĐ) bị mắc và số bệnh do môi trường lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng và điều kiện lao động không bảo đảm an toàn. Dù không gây tổn hại trước mắt, nhưng BNN để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Sát thủ thầm lặng

Ngồi trước mặt tôi là anh Lương Văn Đức, công nhân khai thác mỏ, 38 tuổi, quê ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), một trong số hơn 30 người bệnh đang điều trị tại khoa Bệnh phổi nghề nghiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương). Dáng người anh to khỏe, vạm vỡ, nhưng nước da xanh tái. Thật khó hình dung ở độ tuổi này, với sức vóc này, mà anh không còn đủ sức lao động, lại phải ngày đêm chiến đấu với căn bệnh bụi phổi si-líc.

Trong câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cơn đau tức ngực, xen lẫn tiếng thở rít nặng nề, khó nhọc, anh Đức kể: Cách đây gần một năm, thấy xuất hiện những cơn ho kéo dài, tức ngực, khó thở, tôi tự mua thuốc điều trị, nhưng không khỏi. Vào bệnh viện khám, tôi mới biết mình bị mắc bệnh bụi phổi si-líc. Đầu tháng 5-2016, tôi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị tràn khí màng phổi. Qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần tạm ổn được gần ba tháng. Ngày 30-8-2016, tôi lại phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp, viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi. Tôi đã tốn cả trăm triệu đồng để chi phí cho việc đi lại, điều trị, ăn ở, thuốc men. Vợ tôi phải vay mượn tiền nong, rồi bỏ cả việc đồng áng, để lại quê nhà bốn đứa con thơ, ra Hà Nội chăm sóc tôi…

Sau 19 năm làm thợ hồ tại Công ty Xây lắp Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), bác Đinh Thị Hòa, sinh năm 1952, ở tổ 1, phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) buộc phải làm đơn xin nghỉ việc vào năm 1994 vì lý do sức khỏe yếu. Các chứng bệnh đau cơ xương khớp, huyết áp, viêm đường hô hấp cứ mỗi ngày một nặng thêm. Công việc nặng nhọc của người thợ hồ trong điều kiện thời tiết thất thường, môi trường làm việc ô nhiễm, cộng với điều kiện ăn, ở không bảo đảm, thường xuyên phải thay đổi địa điểm, khiến sức khỏe của bác Hòa suy giảm nhanh. Xin nghỉ việc ở tuổi 42 và chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, bác Hòa chỉ được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động.

Hơn 30 công nhân Công ty Xây lắp Bộ Thương mại hiện đang sinh sống ở tổ 1, phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chung hoàn cảnh với bác Hòa, nghỉ việc do suy giảm sức lao động, nhưng không biết mình mắc BNN. Bác Hoàng Thị Đường cho biết, hầu hết công nhân trong công ty đều xin nghỉ việc ở độ tuổi ngoài 40 và có thời gian làm việc khoảng 20 năm, rất ít người trụ lại được lâu hơn.

 

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 5 năm qua, tỷ lệ nghỉ ốm ở NLĐ là 24%, cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Có tới hơn 70% số công nhân ngành khai thác mỏ và ngành xây dựng có sức khỏe chỉ đạt loại 2 và loại 3. Chỉ tính riêng năm 2015, tỷ lệ NLĐ có sức khỏe yếu (loại 4, loại 5) chiếm hơn 10% tổng số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Cho đến nay, cả nước đã phát hiện 447 trường hợp nghi ngờ mắc các BNN liên quan a-mi-ăng (một hợp chất hóa học được sử dụng phổ biến trong sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ và một số ngành công nghiệp khác), gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng như: ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi a-mi-ăng… Các chuyên gia dự báo, những căn bệnh do a-mi-ăng sẽ tăng cao trong những thập niên tới, do thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 20 đến 30 năm. Như vậy, nhiều NLĐ đến khi về hưu mới phát triệu chứng của bệnh.

Ẩn họa từ môi trường lao động

Sự việc hàng trăm công nhân Công ty giày Hong-fu và Công ty Hồng Mỹ thuộc Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị ngất trong các ngày từ 15 đến 19-5-2014, do hội chứng nhiễm độc thần kinh là trường hợp điển hình về tác động của môi trường làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ. Theo kết luận của ngành y tế và các cơ quan chức năng thì các phân xưởng đều có mặt bằng chật hẹp lại tập trung số lượng lớn công nhân làm việc; hệ thống lưu thông khí gồm quạt gió, quạt đẩy, quạt hút… chưa bảo đảm dẫn đến độ lưu chuyển không khí không tốt. Ngoài ra, dung môi hữu cơ cao, có thể tăng lên nhiều lần trong điều kiện làm việc và môi trường nắng, nóng kéo dài là một trong các tác nhân gây ra tình trạng hàng loạt công nhân ngộ độc cấp tính.

Ngày 1-12-2015, hàng chục công nhân Công ty TNHH Hải sản Bền Vững, thuộc Khu công nghiệp Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa) trong khi đang làm việc tại kho đông lạnh thì bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... Tối cùng ngày, có 17 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác định, những công nhân này đã bị ngộ độc khí cac-bon mô-nô-xít (CO), một loại khí được dùng trong công nghiệp chế biến thủy sản để làm đông lạnh.

Con số thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động với hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Sự gia tăng nhanh về số lượng DN, cơ sở sản xuất mà phần nhiều có công nghệ lạc hậu, máy móc, dây chuyền chắp vá, nhà xưởng chật chội đã làm tăng nguy cơ tai nạn lao động và BNN. Trong cuộc đua tranh giành thị phần, nhiều DN tìm mọi cách để giảm chi phí, hạ giá thành, kể cả việc sử dụng nguyên liệu bẩn, nhiên liệu bẩn. Các hóa chất độc hại, môi trường làm việc ô nhiễm là ẩn họa đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng triệu NLĐ.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy, những ngành có số NLĐ mắc BNN nhiều nhất là: khai thác mỏ, xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất. Với đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn NLĐ, nhiều năm qua, ngành khai thác mỏ giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, công nhân khai thác mỏ cũng chiếm tỷ lệ cao trong số NLĐ mắc các bệnh như: bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, điếc, nhiễm độc và các bệnh về xương khớp. Nguyên nhân được xác định là do môi trường lao động khắc nghiệt và điều kiện làm việc lạc hậu. NLĐ phải hằng ngày tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: bụi than, đá, kim loại, phóng xạ, tiếng ồn, độ rung chuyển và các loại hơi khí độc dưới hầm sâu.

Ở tất cả các công đoạn khai thác, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Kết quả đo, kiểm tra môi trường cho thấy, công nhân khai thác mỏ thường xuyên làm việc trong một môi trường có nồng độ bụi toàn phần cao vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 đến 30 lần; nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 đến 11 lần; tiếng ồn có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 18 dBA, vì thế, công nhân muốn tránh cũng “khó thoát” các BNN.

Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có mặt tại Khoa điều trị BNN, Bệnh viện Than - Khoáng sản, vừa lúc anh Vũ Đức Khâm, sinh năm 1973, được chuyển sang phòng hồi sức sau bảy giờ gây mê để rửa hai lá phổi nhiễm bụi. Anh Khâm là công nhân khai thác hầm lò tại Công ty Than Quang Hanh (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) đến nay được 17 năm. Công việc thường xuyên dưới hầm sâu, khiến anh mắc bệnh bụi phổi lúc nào không biết. Đầu năm nay, anh được công ty cho đi khám BNN, kết quả là anh mắc bệnh bụi phổi. “Nước rửa phổi của tôi đen lắm, toàn bụi than, nhìn sợ lắm” - anh Khâm chia sẻ.

Bác sĩ Lê Quang Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Than - Khoáng sản cho biết, tính đến nay bệnh viện đã súc, rửa phổi thành công cho hơn 2.000 người mắc bệnh bụi phổi, hầu hết là công nhân ngành than - khoáng sản. “Bệnh bụi phổi hầu như không chữa khỏi hẳn vì hiện tượng xơ hóa phổi tiến triển. Nếu không được điều trị tốt, bệnh sẽ dẫn tới các biến chứng làm giảm tuổi thọ của người bệnh” - bác sĩ Chung chia sẻ.

Bỏ ngỏ giám sát môi trường lao động

Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Quy định là vậy, nhưng thực tế rất ít DN thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động. Qua khảo sát, hầu hết các DN quy mô nhỏ, sử dụng máy móc thô sơ, công nghệ lạc hậu, nhiều công đoạn sản xuất thủ công, gây ra nhiều bụi, tiếng ồn, bức xạ nhiệt, xả thải nhiều hóa chất độc hại, khí độc, vi sinh vật gây hại nhưng lại không quan tâm việc đo, kiểm tra môi trường lao động. Trực tiếp tham gia thực hiện công tác đo và kiểm tra vệ sinh môi trường lao động, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) TS, BS Nguyễn Văn Sơn cho biết, có rất nhiều DN coi nhẹ môi trường, điều kiện lao động, thiếu các biện pháp bảo vệ sức khỏe NLĐ.

Đánh giá của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng cho thấy, chỉ có từ 5 đến 10% số DN, cơ sở lao động hoạt động có đăng ký trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động. Kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động ở những DN có giám sát đã xác định được nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép như: phóng xạ, từ trường, hơi khí độc, tiếng ồn, bụi, ánh sáng, độ rung… Trước thực trạng môi trường lao động như vậy, thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám BNN, đã phát hiện hàng nghìn NLĐ mắc BNN. Riêng năm 2015, phát hiện 8.966 NLĐ mắc BNN, tăng 31,9% so với năm 2014.

Trong khi hầu hết các DN, cơ sở lao động “phớt lờ” việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì công tác kiểm tra, giám sát gần như bị bỏ ngỏ. Có những DN đã hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh môi trường lao động. Có những địa phương nhiều năm qua chưa xử phạt cơ sở lao động nào do vi phạm... Thực trạng BNN đối với NLĐ đã đến mức báo động, rất cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, khắc phục./.​​

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang