viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Yếu tố nguy cở tổn thương do vật sắt nhọn đối với nhân viên y tế và biện pháp dự phòng

23.05.2017 757

Trong các cơ sở y tế, nhân viên y tế luôn ở trong tình trạng nguy cơ bị tai nạn  nghề nghiệp khi phẫu thuật, khi tiêm. Nhân viên làm công việc vệ sinh bệnh viện, xử lý dụng cụ sắc nhọn cũng có nguy cơ bị thương tích do vật sắc nhọn. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ và biện pháp dự phòng tổn thương do vật sắc nhọn:

1. Các yếu tố nguy cơ 

a/ Các đối tượng hay bị tổn thương do vật sắc nhọn: điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm và những người làm công việc khử khuẩn, vệ sinh, thu gom rác thải y tế, vv

        Theo CDC – Chương trình phòng chống tổn thương do vật sắc nhọn năm 2004, tổn thương do vật sắc nhọn xảy ra nhiều nhất ở các đối tượng như: điều dưỡng 72%, bác sĩ là 28%, kỹ thuật viên xét nghiệm và làm công việc  tiệt trùng: từ 15- 21%, người vệ sinh từ 3- 16%, sinh viên và khách thăm, cán bộ quản lí hành chính: từ 1-6%

        Theo kết quả điều tra của Đề tài độc lập cấp nhà nước về nhân viên y tế ở Việt Nam (Nguyễn Thị Hồng Tú và cs. 2006), điều dưỡng bị tổn thương do vật sắc nhọn chiếm tỷ lệ cao nhất : 64,3% và cao hơn hẳn các nhóm chức danh khác có ý nghĩa thống kê (p<0,01) ; bác sĩ: 51,1% ; hộ lý: 51,5% và kỹ thuật viên xét nghiệm: 51,6%.

b/ Phương tiện gây rủi ro: kim tiêm: 32%, kim khâu: 19%, kim bướm: 19%, lưỡi dao mổ: 7%, que thông: 6%, dụng cụ bộc lộ tĩnh mạch : 3%  (theo CDC, 2004)

        Theo kết quả điều tra của Đề tài độc lập cấp nhà nước về nhân viên y tế (Nguyễn Thị Hồng Tú và cs. 2006), tỷ lệ nhân viên y tế bị kim tiêm dưới da gây tai nạn thương tích cao nhất (31,7%), tiếp theo là kim có cánh (19,2%), vật sắc nhọn khác (16,1%), kim khâu (16,0%) và kim lấy máu tĩnh mạch (15%).

c/ Các thao tác gây tổn thương :

        Theo CDC (2004) : các thao tác chủ yếu gây tổn thương là :

+ Tiêm bệnh nhân : 26%

+ Thu gom rác thải : 23%.

+ Đậy lại nắp kim : 6%x

+ Bơm thuốc qua đường tĩnh mạch : 6%.

        Theo kết quả điều tra của Đề tài độc lập cấp nhà nước về nhân viên y tế (Nguyễn Thị Hồng Tú và cs. 2006), các thao tác gây tai nạn rủi ro nghề nghiệp do các vật sắc nhọn nhiều nhất là tái sử dụng và rửa dụng cụ, chiếm gần 40%, sau đó là các thao tác đóng nắp kim (32,4%) và phẫu thuật (31,3). Thao tác tiêm truyền và làm thủ thuật cũng gây tổn thương cho 1/4 số nhân viên y tế được phỏng vấn (25,1-25,4%). Thao tác vứt bỏ vật sắc nhọn sau khi sử dụng gây tổn thương cho 17,4% NVYT.

d/ Các Khoa/Phòng có nguy cơ cao:

+ Buồng bệnh 21%

+ Buồng đẻ 25%

+ Khoa Hồi sức tăng cường 13%

+ Khoa cấp cứu 8%

(Theo CDC – Chương trình phòng chống tổn thương do vật sắc nhọn năm 2004).

+ Ngoại, gây mê hồi sức: 78,5%

+ Sản: 69,9%

+ Hồi sức cấp cứu: 63,7%

+Nhi: 63,2%

(TheoNguyễn Thị Hồng Tú và cs. 2006)

2. Các biện pháp dự phòng

        Khi thực hiện các thủ thuật có liên quan đến các vật sắc nhọn như kim tiêm, kim khâu nhân viên y tế cần chú ý đề phòng bị tổn thương do vật sắc nhọn gây nên. Cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về thao tác an toàn trong khi thực hiện các thủ thuật và các quy định về xử lý vật sắc nhọn.

a/ Thao tác an toàn với kim tiêm, kim khâu

  • Tập trung vào công việc, không nói chuyện và không nhìn đi chỗ khác.
  • Không tháo, đậy, hoặc bẻ cong kim tiêm sau khi dùng. Trường hợp kỹ thuật đòi hỏi tháo, lắp kim tiêm tách biệt khỏi bơm tiêm thì phải dùng panh.
  • Trong khi thao tác với vật sắc nhọn không để tay trước mũi kim
  • Không đi lại trong khi cầm kim tiêm, kim khâu trong tay. Nếu cần di chuyển thì kim phải được để trong khay
  • Trong khi tiêm, khâu phải đảm bảo rằng người bệnh biết cách giữ yên, không giãy dụa. Nếu người bệnh là trẻ em cần có người giúp đỡ giữ yên người bệnh.
  • Trong khi tiêm không dùng tay dò tĩnh mạch phía trên da, bên ngoài mũi kim trong khi tay kia đang đẩy kim tìm mạch máu.
  • Trong khi phẫu thuật không dùng tay tiếp xúc trực tiếp với vết thương, giảm thiểu việc sử dụng bàn tay ở vị trí mổ.
  • Không khâu bằng tay mà phải dùng kẹp mang kim và panh để đón kim.
  • Không tháo dao mổ bằng tay, dùng panh để tháo.
  • Khi vật sắc nhọn (kim tiêm, kin khâu, dao mổ...) rơi, nên để chúng tự rơi, không cố đón.
  • Không chuyển kim tiêm, kim khâu, dao mổ cho người khác trực tiếp bằng tay, nên chuyển qua khay.
  • Không giữ bình chứa, phiến kính... bằng tay khi nhỏ dịch thể/máu của người bệnh vào. Nên để vật chứa bất động trong khay hay trên bàn, ghế... Không dùng tay để cạo vào phiến kính có mẫu xét nghiệm.

b/ Thao tác an toàn khi huỷ bỏ kim tiêm

  • Bỏ kim tiêm ngay tại nơi tiến hành tiêm
  • Huỷ kim tiêm với một động tác dứt khoát, huỷ từng cái một bằng máy huỷ kim tiêm.
  • Thả toàn bộ kim tiêm vào hộp an toàn đựng vật sắc nhọn, không nên ấn kim tiêm vào thùng chứa.
  • Không được vứt bỏ kim bơm tiêm vào thùng đựng rác thải sinh hoạt
  • Ở những nơi không có điều kiện huỷ bỏ bơm kim tiêm nên sử dụng bơm kim tiêm tự huỷ

Thùng/hộp an toàn đựng vật sắc nhọn

 Khoa Vệ sinh và An toàn lao động

02439714361

Về đầu trang