21.04.2015 330
Khoa Vệ sinh và An toàn lao động
Viện Sức khỏe nghề nghiệp & Môi trường (Bộ Y tế) là đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ chuyên chăm sóc môi trường và sức khỏe cho người lao động và nhân dân. Giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cam kết của Viện. |
Tình hình sử dụng khẩu trang
Việc hướng dẫn sử dụng khẩu trang trong bảo vệ sức khỏe ở nước ta còn nhiều việc phải làm. Hiện trạng là đa số người đang sử dụng khẩu trang chưa đúng kỹ thuật. Chính vì vậy mà người dân vẫn mất tiền mua khẩu trang mà không giảm được nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng bởi các yếu tố có hại từ môi trường không khí. Ước tính hàng năm ở nước ta tiêu thụ khoảng 100 triệu chiếc khẩu trang vào mục đích giúp cho người đeo giảm thiểu nguy cơ hít phải các tác nhân có hại trong không khí. Đáng tiếc là số người hiểu biết và sử dụng đúng khẩu trang hiện mới chỉ chiếm khoảng 10%. Có nghĩa là, hàng năm, chúng ta đang lãng phí hầu hết số khẩu trang đã bỏ hàng tỉ đồng ra mua chỉ vì kiến thức phổ thông về sử dụng khẩu trang chưa được tuyên truyền, giáo dục, chuyển tải hiệu quả đến cộng đồng.
Về nguyên tắc, để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng cũng như người lao động, cải thiện môi trường, giảm thiểu nồng độ các chất có hại trong không khí là ưu tiên hàng đầu. Ví dụ như trông gió, thay thế sử dụng các chất độc hại bằng các chất ít độc hại hơn trong sản xuất. Khi khó có thể thực hiện được các biện pháp cải thiện môi trường, việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại chỉ trong thời gian ngắn, không thường xuyên, chúng ta mới phải trông vào việc sử dụng khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc.
Chương trình sử dụng khẩu trang
Sử dụng khẩu trang không phải là một việc đơn giản như chúng ta đang làm hiện nay. Ngược lại, sử dụng khẩu trang bảo vệ đường hô hấp là một chương trình đòi hỏi mọi người, mọi đơn vị nghiêm túc tìm hiểu và tuân thủ. Chương trình bảo vệ đường hô hấp gồm 3 bước như sau:
+ Đánh giá hàm lượng các yếu tố độc hại có trong không khí. Việc này nhằm mục đích đánh giá các tác nhân độc hại có trong không khí về số lượng, hàm lượng và khu vực. Qua đó có thể đưa ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm giảm thiểu hàm lượng các tác nhân có hại trong môi trường.
+ Xác định loại khẩu trang cần dùng: Kết quả giám sát môi trường cũng là căn cứ để xác định đúng loại khẩu trang, bộ lọc cần dùng. Cán bộ Y tế phải kiểm tra sức khỏe của người lao động trước khi yêu cầu người đó đeo trang bị bảo vệ đường hô hấp. Nếu là khẩu trang nhằm lọc bụi, phải dùng loại lọc được >95 % (N95%) bụi hô hấp trong môi trường – được các cơ quan chuyên ngành cấp chứng chỉ).
+ Tập huấn, kiểm tra độ kín khít và kiểm tra hiệu quả của khẩu trang đã chọn: Nếu muốn thay đổi, mới đưa vào sử dụng một loại khẩu trang nào đó, việc phải nhớ làm là kiểm tra, thử độ khít của khẩu trang đó với từng người sử dụng. Khẩu trang cũng có cỡ khác nhau phù hợp với kích thước của người sử dụng để đảm bảo độ khít với mặt. Có như vậy, mới đảm bảo 100% không khí hít vào của người đeo được lọc qua khẩu trang chứ không phải là lọt vào đường hô hấp qua khe hở. Ở các đơn vị có nhiều người sử dụng khẩu trang để bảo vệ sức khỏe người lao động, đơn vị phải trang bị máy thử độ kín khít cho người lao động có thể tự thử xem khẩu trang mình sắp dùng có kín, khít không. Nếu không đạt độ kín khít, phải điều chỉnh, tư vấn, thậm chí thay đổi khẩu trang cho đến khi đạt độ kín khít.
Khẩu trang cũng thường được trang bị dây đeo, van, bộ lọc…thanh nẹp để người đeo có thể tự điều chỉnh cho sống mũi, mặt khít với khẩu trang, dễ thở, lọc tốt. Khi đeo khẩu trang, người lao động cũng cần được tập huấn, hướng dẫn và tự tìm hiểu thêm về sử dụng sao cho đúng, hiệu quả và biết bảo quản, bảo dưỡng khẩu trang hợp lý; tránh những sai sót đáng tiếc làm giảm hiệu quả, thậm chí gây phản tác dụng trong mục đích bảo vệ sức khỏe người lao động.
Chương trình kiểm tra và bảo trì khẩu trang
Kiểm tra – Khẩu trang/mặt nạ của mỗi người cần phải được kiểm tra trước và sau khi sử dụng; khi làm sạch và khi vệ sinh. Khi kiểm tra, cần xem xét tình trạng bộ lọc, khung, dây đeo, van, đường khí, tầm nhì. Nếu phát hiện bất cứ hỏng hóc ở bộ phận nào, phải đảm bảo là bộ phận đó được sửa chữa, thay thế hoặc thay mới toàn bộ khẩu trang/mặt nạ đó. Một số mặt nạ phòng độc còn phải có sổ theo dõi ghi chép lý lịch, tình trạng mặt nạ… theo thời gian sử dụng.
Làm sạch - Làm sạch và vệ sinh khẩu trang, mặt nạ nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng, tuổi thọ của mặt nạ và chống gẩy bệnh ngoài da do thiếu vệ sinh. Dùng xà phòng mềm hoặc hỗn hợp nước rửa/khử khuẩn để làm sạch khẩu trang/mặt nạ. Tráng lại nhiều lần bằng nước sạch rồi phơi khô.
Bảo quản - Bảo quản khẩu trang không nhiễm bẩn, bụi, ánh sáng mặt trời, nhiệt độ quá nóng/quá lạnh quá khô/quá ẩm. Nếu có bộ lọc thì tháo bộ lọc bảo quản trong một túi riêng.
Bảo trì: - Khẩu trang, mặt nạn cần được bảo trìtheo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Với mặt nạ phòng độc, hàng năm phải thực hành chế độ kiểm tra tính năng, hiệu quả theo đúng chuyên ngành.
Việt Nam là nước đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi mỗi người cần tăng cường hiểu biết về công nghiệp, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường để có thể đóng góp hiệu quả nhất vào sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước, mang lại kinh tế ngày càng tiến bộ cho bản thân mà vẫn bảo vệ được sức khỏe – vốn quí nhất của mỗi người.
Về đầu trang