viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

NHIỄM ĐỘC THUỶ NGÂN NGHỀ NGHIỆP

02.05.2017 1114

NHIỄM ĐỘC THUỶ NGÂN NGHỀ NGHIỆP

ThS. Đinh Thục Nga

Khoa Bệnh nghề nghiệp,

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

 

Thuỷ ngân (Hg) được ứng dụng từ rất sớm. Thời trung cổ người ta đã dùng thuỷ ngân kim loại để chữa một số bệnh. Thế kỷ 16 Paracelsus đã mô tả các triệu chứng nhiễm độc thuỷ ngân ở những người sủ dụng thuỷ ngân để điều trị bệnh giang mai. Năm 1803 ở Italia xẩy ra vụ nhiễm độc đối với 900 người trong mộy vụ hoả loạn. Năm 1981 xẩy ra vụ nhiễm độc thủy ngân đối với 200 người và làm chết trên chiếc tàu biển vận chuyển thủy ngân. Nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp được nhiều người nghiên cứu về lâm sàng và xét nghiệm. Ở Việt Nam nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp chưa được thông báo nhiều mặc dầu số người làm việc tiếp xúc với thủy ngân không ít

            Hg là kim loại ở dạng lỏng, màu trắng bạc, lóng lánh; Hg rất dễ bay hơi ở ngay nhiệt độ phòng, hơi Hg nặng hơn không khí gấp 7 lần, do vậy tích đọng nhiều ở các lớp khí dưới, lắng đọng trên sàn tường gây ô nhiễm.

            Bệnh nhiễm độc Hg nghề nghiệp là bệnh nhiễm độc do tiếp xúc với thủy ngân và hợp chất thủy ngân trong quá trình lao động.

            Những công việc, ngành nghềcó nguy cơ mắc bệnh:Công nghiệp dệt, thuộc da, hóa chất và dược phẩm có sử dụng Hg, sản xuất, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; xử lý quặng, vàng, bạc, khai khác, tách chiết Hg, chế tạo, bảo dưỡng và tiêu hủy các dụng cụ, thiết bị, vật liệu có chứa Hg như: amangan, ắc quy, chấn lưu khí áp kế, nhiệt kế, phổ kế, bóng X-quang, đèn hơi Hg, đèn điện tử nung sáng, gương, phích; nghề, công việc khác có tiếp xúc với Hg và hợp chất Hg.

   

Trong bệnh nhiễm độc Hg nghề nghiệp, các triệu chứng nổi bật thuộc về tiêu hoá và thần kinh

            Nhiễm độc cấp tính:Người lao động làm việc trong môi trường có nồng độ Hg vượt quá giới hạn tiếp xúc ngắn theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc 2h và vẫn có thể phát bệnh sau khi đã ngừng tiếp xúc 7 ngày. Bệnh có thể có những triệu chứng sau:

            - Hô hấp: Ho, khó thở, đau ngực, viêm phế quản, viêm phổi, phù phổi do hóa chất;

            - Tiêu hóa: Có vị kim loại, tăng tiết nước bọt, viêm miệng và lợi, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.

            - Da: Ban, dát, viêm da;

            - Viêm kết mạc;

            - Thần kinh và tâm thần: Đau đầu, run rẩy, giật cơ và rung cơ cục bộ, ảo giác....

            - Thận: Tổn thương ống thận, hoại tử ống thận, suy thận.

            Xét nghiệm: Hg trong máu > 18µg/dL hoặc thủy ngân niệu > 500 µg/g creatinine;

            Nhiễm độc mạn tínhNgười lao động làm việc trong môi trường có nồng độ Hg vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Bệnh có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc 2 tháng. Bệnh có thể có các triệu chứng sau:

            - Tiêu hóa: Có vị kim loại, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy, viền thủy ngân đen dọc theo bờ nướu lợi, răng lung lay hoặc rụng, hoại tử túi lợi...

            - Tổn thương niêm mạc mũi: Ngứa, hắt hơi, xổ mùi, chảy máu cam, rối loạn khứu giác;

            - Tâm thần kinh:Run: mi mắt, da mặt, ngón tay, bàn tay khi nghỉ, rối loạn thăng bằng tiểu não....

            - Thận: Viêm cầu thận, ống thận, hội chứng thận hư...

            - Da: Ban, dát, viêm da.

            - Trong nhiễm độc alkyl-thủy ngân gây giảm thị lực, thay đổi màu mắt, thu hẹp thị trường kiểu đồng tâm, giảm thính lực.

            - Thai sản: mẹ mang thai tiếp xúc với thủy ngân, đặc biệt với thủy ngân hữu cơ trong 3 tháng; đầu thì trẻ sinh ra có thể bị chậm phát triển về trí tuệ và vận động.

            Xét nghiệm: Thủy ngân niệu > 35 µg/g creatinine.

              Các biện pháp dự phòng

Bệnh nhiễm độc Thuỷ ngân nghề nghiệp cũng giống như những bệnh nghề nghiệp khác là rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Vì vậy, công tác dự phòng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

              * Biện pháp kỹ thuật:

- Thay thế thủy ngân bằng chất khác ít độc hơn.

- Thông gió chung, thông gió tại chỗ, hút bụi…

- Tự động hoá các khâu nguy hiểm (không dùng người).

- Thay đổi quy trình sản xuất.

            * Biện pháp cá nhân:

Người lao động phải chấp hành tốt chế độ bảo hộ lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp:

- Không ăn uống tại nơi làm việc.

- Tắm rửa, thay quần áo sau ca làm việc.

- Tránh uống rượu vì rượu thuận lợi cho nhiễm độc .

- Mặc quần áo bảo hộ lao động, găng tay, mũ, đi ủng, bảo vệ đường hô hấp bằng các phương tiện…

            * Biện pháp y tế:

- Không tuyển phụ nữ và người dưới 18 tuổi làm việc tiếp xúc với thủy ngân .

- Những người bị bệnh lý về răng miệng, thận và đặc biệt là bệnh lý thần kinh không phân vào làm việc tiếp xúc với thủy ngân.

- Giáo dục ý thức phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân để họ tự giác chấp hành chế độ và quy định.

- Khám định kỳ nên 6 tháng/ lần.

- Những người nghi ngờ có nhiễm độc thủy ngân phải cách ly và chuyển đến bệnh viện nơi có khoa bệnh lý nghề nghiệp để xác định và điều trị.

- Giám sát nồng độ thủy ngân trong môi trường lao động thường xuyên.

- Định kỳ về thời gian thay đổi người làm việc tiếp xúc với thủy ngân (thường từ 3-5 năm thay đổi kíp làm việc).











02439714361

Về đầu trang