viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Hiện trạng vệ sinh lao động ở Việt Nam

17.03.2015 324

TS. Nguyễn Quốc Thức

Phó trưởng khoa Vệ sinh và Sức khỏe môi trường

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Vệ sinh lao động là một ngành chuyên dự báo, phát hiện, đánh giá và kiểm soát các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nghề nghiệp trong môi trường làm việc với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động, phúc lợi và bảo vệ cộng đồng nói chung. Trong đó:

+ Dự báo: Là việc xác định được các nguy cơ có thể trở thành hiện thực trước khi nó sảy ra tại nơi làm việc.

+ Phát hiện: Là xác định năm yếu tố nguy cơ, tác nhân cụ thể nào có thể tấn công vào sức khỏe lao động.

+ Giám sát/Đánh giá: Là xác định qui mô tiếp xúc nơi làm việc, thường bao gồm giám sát mức tiếp xúc cá nhân của người lao động nơi làm việc (vùng hô hấp, vùng nghe…) rồi đánh giá số liệu so với mức tiếp xúc nghề nghiệp cho phép.

+ Kiểm soát: Là lập giải pháp và thực hiện giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe lao động.

Thứ tự ưu tiên và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát tiếp xúc nghề nghiệp như sau:

1.     Kiểm soát nguồn: Loại bỏ nguy cơ

§        Thay đổi qui trình, thay thế hóa chất

§        Thông gió, che chắn

§        Người lao động ít phải tham gia

2.     Kiểm soát bằng chính sách: quản lý tiếp xúc

§        Quay vòng lao động, qui trình, tập huấn

§        Hạn chế lao động, khoanh vùng nhạy cảm

§        Người lao động cần tham gia nhiều

3.     Bảo hộ lao động cá nhân (PPE)

§        Khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ

§        Mũ bảo hộ cứng, đai an toàn

§        Mỗi lao động phải tích cực thực hiện

§        Đây là tuyến bảo vệ lao động cuối cùng sau hai biện pháp kiểm soát tận nguồn và quản lý tiếp xúc 

Sơ đồ Công tác Sức khỏe nghề nghiệp

Có 5 loại yếu tố nguy hại tới sức khỏe người lao động là yếu tố hóa học, lý học, sinh học, ergonnomy và tâm lý.

Hiện nay, ở Việt Nam, dù công tác chăm sức môi trường và sức khỏe nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực và thành tích đáng khích lệ, nhưng chúng ta chỉ mới quan tâm được đến yếu tố hóa học, lý học. Còn hai yếu tố là tâm lý lao động – căng thẳng, quá tải, tổ chức lao động, (Stress, workload and work organisation) và yếu tố ergonomy – nâng nhấc, kéo, đơn điệu trong lao động (Lifting, stretching, and repetitive motion), mặc dù đã có nhiều năm hình thành và phát triển ở nước ta song còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nhận thức của cộng đồng về tác động của hai yếu tố này đến môi trường và sức khỏe nghề nghiệp. Cụ thể là, các văn bản pháp qui và các hoạt động thực hành trong dự báo, phát hiện, đánh giá các yếu tố này tâm lý & ergonomy trong môi trường lao động còn rất khiêm tốn so với yếu tố hóa học và vật lý. Yếu tố còn lại là Sinh học (vi khuẩn, nấm…) thì hầu như còn đang bị bỏ trống.

Nhìn chung, trong nhiều năm qua, tỉ lệ đơn vị thực hành định kỳ kiểm tra môi trường và sức khỏe lao động còn khá thấp. Ngoại trừ một số đơn vị có sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu về An toàn vệ sinh lao động của khách hàng, đa số các đơn vị chỉ kiểm tra để có báo cáo. Trái lại, các đơn vị chức năng cũng chưa được đầu tư đủ mạnh để tiến hành giám sát đúng mức môi trường và sức khỏe nghề nghiệp. Do đó, nguy cơ thiếu an toàn và vệ sinh trong môi trường và sức khỏe nghề nghiệp còn rất lớn. Nguy cơ xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến sức khỏe nghề nghiệp & môi trường lao động như ở ngành công nghiệp giầy (Thanh Hóa), hầm mỏ ở Quảng Ninh, hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), đường sắt trên cao ở Hà Nội vẫn hiện hữu.

Theo thống kê của WHO, thì hàng năm trung bình Việt Nam có khoảng:

+ >  30000  ca tử vong liên quan đến nghề nghiệp.

+ >    6000  ca tử vong do tiếp xúc với bụi.

+ >    2500  ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

+        37%  số ca đau vùng thắt lưng là do nghề nghiệp.

Tức là cứ mỗi giờ, ước lượng ở Việt Nam có 4 người chết do các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp.

Để cải thiện tình trạng nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe lao động, chúng ta cần thực hiện chiến lược lôi cuốn các nguồn lực đầu tư đồng bộ vào công tác nâng cao năng lực và quan tâm thích đáng đến thực hành giám sát và kiểm soát môi trường lao động & bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp. Cụ thể là:

+ Cần phấn đấu thực hành đầy đủ bốn bước trong công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe lao động là dự báo, phát hiện, đánh giá và kiểm soát các nguy cơ. Tránh tình trạng chỉ kiểm (đo nhanh, khám nhanh) mà không thực sự giám sát các yếu tố nguy cơ.

Giám sát đủ các yếu tố nguy cơ trong lao động. Tránh tình trạng chỉ giám sát cái mình biết mà không giám sát được yếu tố người lao động đang thực sự tiếp xúc. Đặc biệt tránh tình trạng thiếu quan tâm đến các yếu tố như tâm lý, ergonomy, vi sinh vật trong lao động. Vì đó chính là các yếu tố nổi cộm trong mô hình làm việc hiện nay của thế giới. Những nguy cơ từ các yếu tố này ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe nghề nghiệp.

+ Giám sát xong môi trường thì cần đánh giá tổng hợp được toàn bộ nguy cơ người lao động đang phải tiếp xúc. Tránh tình trạng chỉ đánh giá số học các kết quả đo.

+ Từ kết quả giám sát môi trường và sức khỏe nghề nghiệp, phải nêu được các giải pháp khả thi để người sử dụng lao động thực hành kiểm soát nguy cơ.

Cán bộ quản lý, giám sát môi trường và sức khỏe nghề nghiệp luôn phải là những người đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác chăm sóc môi trường và sức khỏe nghề nghiệpCó như vậy, việc các cơ quan chức năng tổ chức tuần lễ vệ sinh và an toàn lao động mới mang ý nghĩa nhân văn lớn lao và thực sự trở thành làn sóng lôi cuốn người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và sức khỏe nghề nghiệp ở việt Nam.

02439714361

Về đầu trang