viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Chống ô nhiễm tiếng ồn tại nơi làm việc nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất thính lực

14.11.2016 577

Theo Đại học Y John Hopkins và Hiệp hội mất thính lực Mỹ, “mất thính lực hiện đang là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng đứng thứ ba, ảnh hưởng tới 48 triệu người Mỹ, hay 20% dân số trưởng thành”. Dẫn đầu là bệnh thấp khớp, tiếp đến là các chứng bệnh về tim mạch. 60% trường hợp mất thính lực có nguyên nhân từ nơi làm việc hoặc trong môi trường giáo dục.

Một trong những nguyên nhân chính gây mất thính lực là ô nhiễm tiếng ồn tại nơi làm việc, có thể dẫn tới suy giảm và mất thính lực do ồn (noise-induced hearing loss - NIHL). Con người thường phải tiếp xúc quá mức với môi trường có tiếng ồn lớn tại các nhà máy, sân bay, công trường xây dựng, trường đua NASCAR, các buổi hòa nhạc rock, và trên đường cao tốc. Theo Viện An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Mỹ, các ngành công nghiệp bao gồm khai mỏ, nông nghiệp, xây dựng, chế tạo, dịch vụ công cộng, giao thông vận tải, và quân đội là những ngành có nguy cơ cao nhất về NIHL do ô nhiễm tiếng ồn. Tiếp xúc quá mức với tiếng ồn có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và sức nghe, bao gồm cả các tác động trực tiếp tới thính giác và các tác động sức khỏe khác:

     - Suy giảm/mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn

     - Ù tai

     - Căng thẳng về tinh thần và thể lực

     - Giảm khả năng tập trung và giao tiếp

     - Giảm năng suất lao động

     - Tăng nguy cơ tai nạn và chấn thương trong lao động

     - Tim đập nhanh

     - Cáu kỉnh bực bội và có những hành vi bạo lực

     - Kiệt sức

Thế nào là NIHL?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mất thính lực cho ồn là loại tổn thương nghề nghiệp phổ biến nhất trên thế giới; không thể chữa trị nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Mất thính lực do ồn có thể xảy ra đột ngột do sự bùng phát tiếng ồn quá mức hoặc từ từ theo thời gian khi người lao động phải tiếp xúc liên tục với tiếng ồn trên 85dB mà không đeo phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác. Thật không may, NIHL là một tác nhân ô nhiễm vô hình, do đó nó thường bị liệt vào dạng ưu tiên thấp, trong khi phương tiện bảo vệ mắt và bảo vệ chống các tác nhân hữu hình khác thường được chú trọng hơn. Chúng ta không thể nhìn, nếm, sờ hay ngửi được tiếng ồn, và tiếng ồn cũng không gây ra những vết thương hở hay làm chảy máu – tuy nhiên mọi nơi làm việc đều nên có một chương trình bảo tồn thính lực, đặc biệt khi chứng mất thính lực đang ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phải liên tục nghe tiếng máy sấy tóc hay tiếng máy say sinh tố đang hoạt động (có mức âm khoảng 80 – 95 dB) trong 8 tiếng mỗi ngày? Chắc chắn bạn sẽ khá hoảng sợ khi tưởng tượng ra cảnh đó. Tuy nhiên, trong rất nhiều nhà máy công nghiệp, hàng triệu người lao động Mỹ đang phải tiếp xúc với mức tiếng ồn ở ngưỡng nguy hiểm (bằng hoặc trên 85 dB) mỗi ngày làm việc.

Làm thế nào để chống lại NIHL tại nơi làm việc

Có 3 loại vũ khí trong bộ công cụ giúp chống lại chứng mất thính lực bao gồm: (1) đào tạo, (2) thực hành “buy quiet” (tạm dịch là “mua yên tĩnh”), và (3) sử dụng các phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác (HPDs).

Đào tạo và huấn luyện

Đào tạo cho người lao động và các chuyên gia an toàn về chứng mất thính lực bằng cách phát tờ rơi cung cấp thông tin, dán áp phích và biển cảnh báo tại các nút giao thông chính, và thông qua các chương trình huấn luyện hàng năm, do OSHA yêu cầu “bất cứ khi nào người lao động phải tiếp xúc với mức âm trung bình theo trọng số thời gian bằng hoặc lớn hơn 85 dBA trong 8 tiếng, hay một cách tương đương, liều tiếp xúc 50% đạt ≥ 85 dBA - đây được coi là mức hành động của Mỹ”.

Thực hành “Buy Quiet” và các biện pháp kiểm soát khác

Khi mua các thiết bị mới, hãy cắt giảm tiếng ồn ngay tại nguồn bằng cách định rõ mức tiếng ồn chấp nhận được đối với tất cả các loại máy móc thiết bị mới. Hãy chắc chắn bộ phận mua hàng và các đại lý bán hàng hiểu được lập trường của bạn đối với các yêu cầu về âm thanh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật cho biết một phong trào “Buy Quiet” trên quy mô quốc gia đang được thực hiện nhằm vận động quân đội và các tập đoàn mua máy móc thiết bị “thân thiện với thính giác”. Hi vọng rằng, với các cải tiến trong công nghệ, trào lưu “Buy Quiet” này sẽ có được đà phát triển mạnh hơn.

Để đối phó với các thiết bị và môi trường tiếng ồn cao hiện tại, có thể cân nhắc các biện pháp kiểm soát công nghệ như lắp thêm bộ phận giảm âm, ống giảm thanh, và đặc biệt là tường cách âm để giúp loại bỏ tiếng ồn. Các biện pháp kiểm soát hành chính, như di chuyển người lao động tới khu vực an toàn hơn hay giới hạn thời gian họ phải tiếp xúc với tiếng ồn cao, cũng là những giải pháp hiệu quả để giảm tiếp xúc với tiếng ồn.

Các thiết bị bảo vệ thính lực

Khi các biện pháp kiểm soát công nghệ và hành chính đều không đạt hiệu quả trong việc giảm thiểu tiếp xúc với tiếng ồn, cần phải sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác. OSHA yêu cầu rằng người lao động phải được cung cấp nhiều loại thiết bị bảo vệ thính lực, bao gồm chụp tai và nút tai chống ồn.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thiết bị bảo vệ cơ quan thính giác, phù hợp với nhiều hình dạng và kích thước của vành tai, ống tai và đầu người sử dụng. Khi lựa chọn loại phương tiện bảo vệ thính lực phù hợp, cần cân nhắc tới ba dạng tiếng ồn chính: tiếng ồn liên tục, tiếng ồn ngắt quãng, và tiếng ồn xung. Đối với tiếng ồn liên tục, có thể sử dụng nút tai dùng một lần, nút tai có gọng đeo dùng nhiều lần, hoặc chụp tai. Tiếng ồn ngắt quãng yêu cầu người tiếp xúc phải dùng nút tai có gọng đeo hoặc chụp tai. Tiếng ồn xung là dạng tiếng ồn nghiêm trọng nhất và đòi hỏi phải có thiết bị có khả năng giảm ồn thụ động cao nhất, dùng kết hợp cả nút tai và chụp tai, hoặc các thiết bị bảo vệ thính lực chủ động.

Loại phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác nào phù hợp với chương trình an toàn của bạn?

Nút tai

Những năm 1970, NASA đã phát triển được loại bọt tạo hình có khả năng hỗ trợ các phi hành gia khi lực G-force quá mạnh. Vật liệu này sau đó được ứng dụng để tạo nên các loại nút tai dùng một lần do khả năng đàn hồi chậm và sự mềm mại với ống tai. Khi lựa chọn nút tai vật liệu bọt, cần đảm bảo rằng các loại nút tai này có khả năng tự điều chỉnh, không gây kích ứng, thoải mái và có khả năng cung cấp sự bảo vệ tốt nhất, với tỉ lệ giảm âm tới 33 dB. Nút tai loại này có nhiều hình dạng, từ hình viên đạn, hình chuông, cho tới dạng cánh nhiều lớp để vừa với các loại hình dạng và kích thước ống tai khác nhau. Nút tai bằng vật liệu bọt được sản xuất với nhiều màu huỳnh quang nhằm hỗ trợ cho việc kiểm tra sự tuân thủ, và nhiều loại trong số này được sản xuất tại Mỹ.

Đây có thể là các loại nút tai gắn với dây đeo hoặc không có dây đeo, cùng với nhiều lựa chọn về bao gói: có thể là một đôi nút tai được đóng gói riêng, hoặc một số lượng lớn chứa trong các máy rút tự động đặt tại các khu vực có mật độ giao thông lớn hoặc có mức ồn cao. Nút tai dùng một lần rất lý tưởng cho các công ty lớn với nhiều lao động, sử dụng một lượng lớn nút tai trong thời gian ngắn.

Bên cạnh nút tai dùng một lần, còn có nhiều loại nút tai khác tái sử dụng được như loại định hình theo khuôn tai người sử dụng, và loại nút chắn tai. Nút tai tái sử dụng thường được làm từ silicon, polyvinyl và các loại cao su khác. Loại nút không chứa lỗ xốp này có thể làm sạch được với nước ấm và xà phòng. Nút tai định hình theo khuôn tai người sử dụng rất thoải mái và vừa vặn với từng cá nhân, được người lao động, thợ săn và các nhạc công ưa thích hơn cả.  Loại nút chắn tai có chứa một van/tấm chắn bên trong, được kích hoạt khi người sử dụng tiếp xúc với tiếng ồn xung như tiếng súng nổ. Công nghệ chế tạo loại nút này cho phép người sử dụng giao tiếp bình thường khi không có tiếng ồn xung, nhờ đó người lao động có thể nghe được các yêu cầu từ cấp trên và có thể trao đổi với nhau khi làm việc.

Chụp tai và nút tai có gọng đeo

Khi việc sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan thính lực là không liên tục, nút tai có gọng đeo trở thành một phiên bản thay thế nhẹ hơn cho chụp tai. Nút tai có gọng đeo dễ tháo khỏi tai và được thiết kế để có thể đeo quanh cổ một cách tiện lợi, điều này đồng nghĩa với việc nó luôn có sẵn khi người sử dụng cần, không phải tiếp xúc với các bề mặt bẩn hay dính dầu mỡ, và cho phép việc trao đổi tại nơi làm việc thuận tiện hơn.

Chụp tai có thể ở dạng thụ động hay chủ động. Cả hai dạng đều dễ đeo kín tai và được thiết kế với nhiều hình dáng, kích thước và kiểu dáng để phù hợp với người sử dụng. Độ giảm ồn (NRRs) của các loại chụp tai cũng rất khác nhau, có thể dao động từ 17dB tới 30dB. Chụp tai có thể đeo chụp trên đầu, hoặc vòng sau tai, dưới cằm, hoặc cũng có thể trờ thành một bộ phận gắn kèm với mũ cứng bảo hộ. Có rất nhiều loại chụp tai với tính năng phụ trợ khác nhau, như đệm tai dạng gel, gọng độn, gọng có khả năng gấp nhỏ được, và gọng đeo được ở nhiều vị trí. Do chụp tai rất dễ nhận dạng nên nó giúp các an toàn vệ sinh viên dễ dàng kiểm tra xem người lao động có sử dụng chụp tai khi làm việc hay không.

Chụp tai chủ động sử dụng mạch điện để loại bỏ hoặc giảm tiếng ồn xung có hại trên 85dB xuống mức an toàn. Chụp tai sử dụng công nghệ giảm ồn sẽ giúp làm giảm tiếng ồn xung xuống mức 82dB trong khi vẫn cho phép người lao động giao tiếp bình thường. Chụp tai sử dụng công nghệ loại bỏ tiếng ồn xung sẽ loại bỏ hoàn toàn tiếng ồn xung. Một số loại chụp tai còn có chức năng làm tai nghe, cho phép tăng cường/khuếch đại thính lực. Mặc dù chụp tai chủ động được khuyến khích sử dụng khi bật cơ cấu dùng điện, tuy nhiên cơ cấu này cũng có thể tắt được. Khi tắt cơ cấu dùng điện, chụp tai chủ động có chức năng như chụp tai thụ động và có thể dùng được trong bất cứ môi trường nào. Khi bật cơ chế dùng điện, chụp tai chủ động chỉ nên dùng để bảo vệ chống lại tiếng ồn xung.

Khi lựa chọn phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác cho chương trình an toàn của bạn, luôn phải cân nhắc tới loại tiếng ồn – liên tục hay ngắt quãng – chi phí dài hạn, và ý kiến của người lao động. Sự tham gia của người lao động là một trong những yếu tố chính khi cân nhắc tới hiệu quả của bất kỳ loại phương tiện bảo vệ thính lực nào.

Tại sao lại cần phải bảo vệ cơ quan thính giác?

Tất cả 5 cơ quan cảm giác của cơ thể - thị giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và thính giác – đều là những món quà quý giá ban tặng cho con người, và trong đó, thính giác đóng vai trò hết sức quan trọng. Hãy nghĩ tới tất cả những khoảnh khắc quý báu mà bạn có thể bỏ lỡ nếu mất đi thính giác. Bạn sẽ không thể nghe những lời yêu thương từ vợ/chồng hay con cháu mình. Bạn cũng sẽ không thể nghe được thứ âm nhạc khiến cơ thể muốn đứng lên và nhún nhảy. Bạn không thể nghe tiếng lanh canh của pha lê hay những từ ngữ đặc biệt dành cho những người thân yêu khi nâng ly chúc tụng. Khi bạn không thể nghe một cách bình thường, năng suất làm việc của bạn cũng sẽ giảm, và khiếm khuyết này thậm chí có thể dẫn tới nhiều tai nạn và tổn thương hơn nữa tại nơi làm việc. Vì vậy, hãy bảo vệ cơ quan thính giác mỗi ngày với phương tiện bảo vệ thính lực, không phải chỉ do các yêu cầu ATVSLĐ và yêu cầu pháp luật. Hãy làm điều đó bởi đó là điều đúng đắn nên làm. Làm việc chăm chỉ. Đảm bảo an toàn.

Biên dịch: Hoàng Phương

(Nguồn tin: ohsonline.com)
02439714361

Về đầu trang