23.12.2014 339
Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề với tổng số 1350 làng nghề. Các làng nghề đã và đang thu hút hàng vạn lao động thời vụ cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.
Song, đi cùng với sự phát triển làng nghề là vấn đề bệnh nghề nghiệp và an toàn vệ sinh trong lao động, sản xuất. Cụ thể, hơn 90% người lao động làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng; bụi: 65,89%; tiếng ồn: 48,8%; hóa chất: 59,5%; hơn 50% số người lao động tại các làng nghề bị nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp; nhiều nguy cơ dẫn đến bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh ngoài da, tiêu hóa…
An toàn vệ sinh lao động gắn liền với sự phát triển của mỗi làng nghề
Môi trường lao động luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro một phần do chủ các cơ sở không đầu tư máy móc, thiết bị có độ an toàn cao; người lao động chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ; bản thân một bộ phận người lao động còn chủ quan, thiếu kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện an toàn lao động. Khi tai nạn lao động xảy ra, thiệt thòi nhất chính là người lao động, đặc biệt là các đối tượng không có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, phải tự lo mọi khoản chi phí.
Để làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương tại làng nghề cần quy hoạch vùng tập trung, đưa sản xuất ra ngoài khu dân cư; xác định công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Mỗi cơ sở sản xuất phải có phương án xử lý nguồn rác thải, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái làng nghề. Mỗi người lao động cần trang bị kiến thức để hạn chế ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp đến sức khỏe và tuổi thọ cũng như xử trí kịp thời khi tai nạn lao động xảy ra.
Về đầu trang