viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

An toàn lao động trong công tác lắp ghép

11.10.2016 1386

Các cấu kiện được sản xuất sẵn có thể là các cấu kiện gỗ, thép hình hay bê tông cốt thép, bao gồm móng, cột, dầm, các tấm panen hoặc sàn ứng lực trước,... Biện pháp thi công lắp ghép các cấu kiện là sử dụng cần trục để cẩu chúng vào vị trí thiết kế.  Sau đó, mối nối của các cấu kiện này được cố định bằng cách sử dụng bu lông, hàn hoặc đổ bê tông. Thông thường, trừ các kết cấu móng, công việc lắp ghép các cấu kiện chủ yếu phải thực hiện ở trên cao so với mặt đất hoặc mặt sàn các tầng nhà.

1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động trong công tác lắp ghép

Hình 1. Cần trục bị gãy trong khi cẩu lắp các cấu kiện do bị quá tải.

- Sử dụng cần trục để cẩu lắp không đáp ứng với các thông số yêu cầu về trọng lượng, khoảng cách và chiều cao lắp đặt các cấu kiện nên có thể dẫn tới cần trục bị quá tải, tay cần bị với, cấu kiện bị kéo lê hoặc va chạm vào các kết cấu đã lắp đặt trước, gây sập đổ công trình hay gãy đổ cần trục.

- Cấu kiện cẩu lắp bị rơi do sử dụng các dụng cụ và phương pháp treo buộc không đúng kỹ thuật: nút buộc không chắc chắn; dây treo,  móc cẩu không đủ chịu lực nên bị đứt hoặc gãy; xác định vị trí treo buộc cấu kiện không đúng làm cấu kiện mất cân bằng, chao đảo, nghiêng lật hoặc làm thay đổi khả năng chịu lực của các bộ phận kết cấu dẫn đến bị gãy, vỡ hoặc biến dạng; tai hoặc móc treo bị bật ra khỏi cấu kiện,…v.v.

- Cấu kiện bị rơi, đổ khi điều chỉnh và cố định vào vị trí thiết kế (khi mà các cấu kiện đã tháo khỏi móc cẩu của cần trục). Cố định tạm không vững chắc cũng làm cấu kiện bị lật đổ.

- Người ngã từ trên cao xuống do không đứng làm việc trên sàn thao tác lại không đeo dây an toàn.

- Lắp ghép không theo đúng theo trình tự thiết kế, không đảm bảo sự ổn định của từng cấu kiện hay của bộ phận công trình đã lắp ghép dẫn đến sập đổ hệ cấu kiện.

- Liên kết hàn, đinh tán, bulông hay đổ bê tông mối nối giữa các cấu kiện với nhau không  đảm bảo chất lượng làm cho chúng bị rơi hoặc đổ trong hoặc sau khi liên kết.

- Công nhân phục vụ công  tác lắp ghép (lái cẩu, thợ treo buộc, thợ lắp ghép hoặc thợ  hàn,…) vi phạm nội quy kỷ luật lao động và nội quy an toàn lao  động: đi lại, lên xuống không  theo  thang mà leo trèo trên đỉnh các cấu kiện đang cẩu lắp; bám hoặc đứng ngồi trên cấu kiện;  ném hoặc bắt vật liệu. dụng cụ làm việc ở trên  cao,...

2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động trong công tác lắp ghép

a) Các biện pháp đề phòng chung

- Để phòng ngừa tai nạn lao động trong công tác lắp ghép, những biện pháp cơ bản về kỹ thuật an toàn phải được nghiên cứu, đề xuất trong thiết kế và những thành viên trong đội lắp ghép phải được học tập để nắm vững và thực hiện đúng khi thi công.

- Trong phần thuyết minh và các bản vẽ thiết kế thi công lắp ghép phải chỉ rõ:

+ Loại cần trục sử dụng để lắp ghép.

+ Vị trí và phương pháp xếp đặt các cấu kiện trên mặt bằng cẩu lắp.

+ Cách bố trí và khu vực hoạt động của cần trục cẩu lắp.

+ Các dụng cụ, phụ tùng và phương pháp treo buộc các cấu kiện; phương pháp khuếch đại và gia cường cấu kiện trước khi cẩu lắp trong trường hợp cần thiết.

+ Trình tự lắp ghép các cấu kiện của công trình.

+  Phương pháp lắp ghép từng loại cấu kiện vào vị trí thiết kế: cẩu chuyển, lắp đặt, điều chỉnh cấu kiện vào vị trí theo đúng thiết kế, cố định tạm hoặc cố định vĩnh viễn.

+  Bố trí phương tiện làm việc trên cao (giàn giáo, giáo ghế, giáo treo, thang hoặc sàn thao tác,…).

b) Bố trí và sắp xếp các cấu kiện trên mặt bằng cẩu lắp

- Các cấu kiện phải được bố trí trong tầm hoạt động của cần  trục và được xếp đặt theo đúng chiều cao và khoảng cách giữa các chồng cấu kiện.

- Chiều cao các chồng cấu kiện bê tông và cốt thép quy định như sau:

+ Panen sàn xếp từ 10 đến 12 lớp với chiều cao không quá 2,5m.

+ Khối móng và tường xếp bốn lớp, không quá 2,25m.

+ Dầm và cột không cao quá 2m.

+ Giữa các lớp phải có gỗ kê với tiết diện 60 x 60mm hoặc 100 x 100mm.

+ Panen tường phải xếp trong các khung giá chữ A.

+ Giữa các chồng cấu kiện phải chừa khoảng cách tối thiểu là 1m.

c) Đề phòng sự cố hoặc tai nạn lao động khi sử dụng cần trục lắp ghép

- Các cần trục để cẩu lắp phải đáp ứng với các thông số yêu cầu  lắp ghép cấu kiện về trọng lượng, kích thước (chiều dài, chiều rộng và  chiều cao), vị trí lắp đặt chúng trên công trình (cao trình, mốc lắp đặt và khoảng cách từ vị trí lắp đặt của cấu kiện đến cần trục).

- Trong mọi trường hợp, không được cẩu lắp cấu kiện có trọng lượng lớn hơn trọng tải (sức cẩu) của cần trục ở tầm với tương ứng.

- Không được cẩu cấu kiện bị vùi lấp dưới đất hoặc bị vật nặng khác đè lên.

- Không được cẩu cấu kiện đặt ở ngoài tầm với lớn nhất để tránh phải cẩu với, cẩu kéo lê cấu kiện hoặc công nhân phải kéo hay đẩy cấu kiện khi còn treo lơ lửng trên không.

d) Đề phòng cấu kiện bị rơi khi treo buộc

Treo buộc các cấu kiện cẩu lắp là một thao tác rất quan trọng để ngăn ngừa chúng bị tuột, gãy hoặc rơi, gây tai nạn lao động.

- Dây treo buộc thường là cáp bằng thép với đường kính và khả năng chịu lực đã tính toán phù hợp với trọng lượng vật cẩu.

- Các nút buộc phải chặt, chỗ treo móc phải chắc chắn, không để tuột rơi cấu kiện khi cẩu lắp.

- Dây treo buộc phải được kiểm tra thường xuyên. Nếu số sợi thép của cáp bị đứt hoặc đường kính cáp bị mài mòn quá quy định theo tiêu chuẩn hoặc khi các tao cáp đã bị tách rời hoặc không bện chặt vào nhau nữa thì phải loại bỏ.

- Vị trí treo buộc phải chọn sao cho khi cẩu lên cấu kiện ở trạng thái cân bằng, không bị nghiêng hoặc lật. Nếu cấu kiện có cạnh sắc, chỗ buộc dây treo phải có đệm lót bằng gỗ hay cao su để dây không bị mài mòn hoặc đứt. Miếng đệm phải được gắn chặt vào cấu kiện hoặc dây  treo để tránh rơi xuống lúc dây bị chùng hay lúc đã đặt cấu kiện vào vị trí. 

- Móc cẩu của cần trục cũng như móc treo ở các đầu dây treo phải có khóa an toàn để cáp không tuột khỏi móc cẩu, làm rơi cấu kiện.

Hình 2. Sử dụng các đệm lót trong quá trình cẩu lắp cấu kiện.

e) Đề phòng tai nạn lao động khi cẩu chuyển cấu kiện

- Khi cẩu chuyển cấu kiện theo phương ngang, phải nâng cấu kiện lên cao hơn các vật khác tối thiểu là 0,5m.

- Khi cẩu chuyển những cấu kiện dài trên 6m, để giữ cho cấu kiện khỏi quay, có thể dùng dây chão đường kính không nhỏ hơn 25mm hay cáp thép nhỏ để giằng giữ và điều chỉnh.

- Nếu trọng lượng của cấu kiện xấp xỉ bằng trọng tải ở tầm với tương ứng của cần trục, phải kiểm tra sự ổn định của cần trục và độ an toàn của phanh bằng cách cẩu thử trước cấu kiện đó lên độ cao khoảng 10 ÷ 20 cm. Nếu tải treo hoặc cần trục chưa cân thì phải cho hạ tải xuống mặt bằng để hiệu chỉnh lại. Cấm hiệu chỉnh tải khi tải đang ở trạng thái treo lơ lửng.

- Khi cẩu chuyển,  cấm  tuyệt  đối  người bám vào hoặc ngồi, đứng trên cấu kiện cũng như cấm gá đặt bất kỳ vật gì ở trên đó nếu không được buộc giữ chắc chắn.

- Trong thời gian cẩu lắp cấu kiện, khu vực nguy hiểm phải được rào ngăn và có tín hiệu và biển báo đề phòng. Cấm người đứng ở dưới mà ở trên đang tiến hành lắp ghép, cũng như ở trong khu vực di chuyển cấu kiện bằng cần trục.

- Cấm để cấu kiện lắp ghép treo lơ lửng trên không lúc nghỉ việc.

f) Đề phòng cấu kiện đổ hoặc rơi trong lúc hạ, đặt và điều chỉnh

- Khi lắp đặt cấu kiện vào vị trí, chỉ khi nào cấu kiện đó đã hạ xuống thấp cách mốc đặt không quá 30cm, công nhân mới được đến gần để đón, đặt và điều chỉnh vào vị trí thiết kế.

- Để đề phòng bị đổ, rơi trong lúc điều chỉnh và cố định (tạm thời hay vĩnh viễn) cấu kiện vào vị trí thiết kế, chỉ được tháo móc cẩu của cần trục ra khỏi cấu kiện khi đã lắp đặt xong, sau khi chúng đã được cố định chắc chắn.

- Sau khi cấu kiện đã được tháo khỏi móc cẩu, cấm tiến hành bất kỳ một sự dịch chuyển nào nữa. Nếu cần xê dịch vị trí của cấu kiện đã lắp đặt thì phải treo lại vào móc cẩu của cần trục, cẩu nhấc lên và điều chỉnh khi cấu kiện đang treo trên móc cẩu.

- Để cố định tạm thời các cấu kiện đã đặt vào vị trí thiết kế phải dùng các dụng cụ cố định tạm thời phù hợp cho mỗi loại.

g) Đề phòng công nhân lắp ghép bị ngã từ trên cao

- Để phòng ngừa công nhân bị ngã khi lắp ghép, trong thiết kế thi công phải quy định vị trí lắp đặt các phương tiện làm việc trên cao (giáo cao, giáo ghế, thang treo hoặc nôi treo,…) để công nhân có vị trí thao tác chắc chắn. 

- Khi lên cao hay xuống thấp, công nhân phải sử dụng thang treo gắn vào kết cấu vững chắc. Cấm leo trèo theo các bộ phận của kết cấu.

- Cấm công nhân đi lại dọc trên đỉnh các tấm tường, đỉnh dầm, xà gồ hoặc dàn mái,…

- Khi lắp ghép ở những vị trí không có phương tiện bảo vệ khi làm việc trên cao, nhất thiết công nhân phải đeo dây an toàn và dây này phải buộc vào các vị trí vững chắc.

- Công nhân lắp ghép phải là người có kinh nghiệm và nắm vững các biện pháp an toàn về lắp ghép, phải được trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân: dây an toàn, giày và mũ bảo hộ lao động.

- Trong quá trình lắp ghép, phải có cán bộ kỹ thuật thi công hoặc đội trưởng hướng dẫn và giám sát.

- Phải ngừng cẩu lắp khi có gió từ cấp 5 trở lên hoặc khi trời tối.

Hình 3. Sử dụng nôi treo cho công nhân khi lắp ghép kết cấu thép

h) Đề phòng tai nạn lao động khi lắp ghép các cấu kiện thép

Ngoài các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động như đã nêu trên, khi lắp ghép các cấu kiện thép cần chú ý thêm các biện pháp sau:

- Đối với các cấu kiện thép có kích thước lớn, trước khi cẩu lắp, phải được gia cường bằng các thiết bị giằng chống tạm để đảm bảo ổn  định, chống bị biến dạng, cong vênh, thậm chí bị biến dạng hoặc gãy cục bộ.

- Để đảm bảo ổn định của nhà hay công trình lắp ghép, cần đặt các thanh giằng vĩnh viễn hay tạm thời cùng lúc với việc lắp ghép các cấu kiện chính.

- Khi lắp mái, cấm công nhân đi lại trên các thanh giằng, xà gồ và trên thanh cánh thượng của dàn vì kèo. Chỉ được đi lại trên thanh cánh hạ của dàn khi có dây cáp căng dọc theo dàn để móc dây an toàn.

- Muốn đi lại trên thanh cánh thượng của dàn thép phải làm sàn rộng ít nhất là 0,5 m và có lan can bảo vệ cao 1m.

- Chỉ được tháo móc cẩu ra khỏi các cấu kiện sau khi đã được cố định tạm vững chắc:

+ Đối với cột phải có ít nhất bốn bulông neo giữ ở các phía hoặc sau khi đã có các dây giằng neo tạm.

+ Đối với dàn vì kèo, sau khi đã lắp xong các thanh giằng tạm hoặc các xà gồ với các dàn đã lắp đặt và cố định trước.

+ Đối với dầm cầu trục và dàn đỡ vì kèo, sau khi đã bắt chặt ít nhất 50% số bulông hoặc đinh tán theo thiết kế.

+ Đối với các kết cấu hàn, dùng bulông tạm thời bắt vào tất cả các lỗ bulông.

+ Đối với các kết cấu tấm mỏng tán đinh, sau khi đã bắt bulông với số lượng ít nhất bằng 20% số lỗ theo chu vi. Khi không dùng bulông hay đồ gá siết chặt thì tiến hành hàn đính với độ dài ít nhất bằng 10% đường hàn theo thiết kế và không ngắn hơn 50mm.

i) Đề phòng tai nạn lao động khi lắp ghép các cấu kiện bê tông cốt thép

Trước khi cẩu lắp phải đánh dấu các đường trục và độ cao vào các cấu kiện.

- Sau khi lắp cột vào móng chậu (móng cốc), nếu cột có chiều dài dưới 10m, có thể cố định tạm thời chân cột bằng các chêm gỗ hay chêm bê tông.

- Đối với các cột có chiều dài trên 10m, ngoài chêm ra cần phải sử dụng thêm dây giằng neo xuống đất hay khung dẫn đặt trên mặt móng.

- Cột nhà nhiều tầng có thể cố định tạm bằng dây giằng neo hay thanh chống xiên xuống sàn, tốt nhất là dùng khung dẫn vừa đảm bảo ổn định vừa tạo điều kiện dễ dàng cho việc điều chỉnh đoạn cột phía trên.

- Đối với các kết cấu như: rầm cầu trục, rầm sàn, rầm và dàn mái, sau khi đặt vào vị trí thiết kế, có thể cố định bằng dây giằng neo ở hai  phía xuống đất hay sàn; hoặc dùng thanh giằng ngang móc vào dầm hay dàn đã lắp đặt và cố định trước.

- Đối với các tấm tường, khi cẩu lắp phải để theo phương thẳng đứng, không được để nằm ngang.

- Đối với các tấm sàn hoặc tấm mái, chỉ được lắp ghép sau khi đã cố định chắc chắn các dầm hoặc dàn đỡ chúng.

- Khi lắp các tấm ban công hoặc ô văng, phải có thanh chống trước khi cố định vĩnh viễn.

- Các công việc hàn và đổ bê tông các mối nối liên kết giữa các cấu kiện phải được tiến hành từ sàn thao tác trên giáo, ghế di động hoặc sàn treo có lan can an toàn. Không được dùng thang tựa để thực hiện các công việc trên.

- Chỉ được lắp ghép các kết cấu của tầng trên sau khi đã lắp xong hoàn toàn tầng dưới.

(Nguồn tin: Theo cuốn "ATVSLĐ trong Xây dựng")









02439714361

Về đầu trang