16.03.2015 574
Điện có thể giết chết hoặc gây chấn thương nghiêm trọng cho con người và gây thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện những biện pháp phòng ngừa đơn giản khi làm việc cùng hoặc gần điện và thiết bị điện để làm giảm đáng kể nguy cơ gây tai nạn cho bạn, hoặc làm ảnh hưởng những người xung quanh bạn. |
Trước khi làm việc với các thiết bị điện, hãy xác định mối nguy hiểm từ điện trong công việc mà bạn đang dự định phải thực hiện, nhận diện dây điện trên cao hay chôn dưới đất, tìm kiếm sơ đồ nếu có, kiểm tra những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm từ điện… và xác định vị trí an toàn đề làm việc. Làm việc xa dây điện ở bất cứ nơi nào có thể. Nếu bạn phải làm việc gần dây điện hoặc dụng cụ điện, hãy yêu cầu tắt nguồn điện. Hãy đảm bảo điện được tắt và không thể bật lên nếu không có sự đồng ý của bạn và hãy nhớ:
Cắt điện để làm việc
1. Khi thực hiện thao tác đóng hoặc cắt mạch điện cấp điện cho thiết bị, người thực hiện phải sử dụng các trang bị an toàn phù hợp.
2. Cắt điện để làm việc phải thực hiện sao cho sau khi cắt điện phải nhìn thấy phần thiết bị dự định tiến hành công việc đã được cách ly khỏi các phần có điện từ mọi phía (trừ thiết bị GIS).
Làm việc với máy phát, trạm biến áp
1. Khi công việc được thực hiện ở thiết bị đang ngừng như máy phát điện, thiết bị bù đồng bộ và máy biến áp phải cắt tất cả các thiết bị đóng cắt nối với đường dây và thiết bị điện nhằm ngăn ngừa có điện bất ngờ ở thiết bị.
2. Cho phép tiến hành các công việc thí nghiệm máy phát điện khi máy phát đang quay không có kích từ và phải thực hiện theo quy trình thí nghiệm được phê duyệt.
Vật liệu dễ cháy
1. Nếu tại vùng làm việc hoặc gần vùng làm việc có chất dễ cháy, nổ như xăng, dầu, khí gas, Hydro, Axetylen thì đơn vị quản lý vận hành và đơn vị công tác phải phối hợp để thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ phù hợp.
2. Khi máy phát điện, máy bù đồng bộ làm việc với hệ thống làm mát bằng Hydro không được để tạo thành hỗn hợp nổ của Hydro. Hỗn hợp này dễ nổ khi thành phần Hydro trong không khí chiếm từ 3,3% đến 81,5%.
3. Khi vận hành thiết bị điện phân, không được để tạo thành hỗn hợp nổ Hydro và Oxy. Hỗn hợp này dễ nổ khi thành phần Hydro trong Oxy chiếm từ 2,63% đến 95%.
4. Công việc sửa chữa trong hệ thống dầu chèn và hệ thống khí của máy phát điện, máy bù làm mát bằng Hydro, máy điện phân đã ngừng làm việc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ như thông thổi hệ thống khí, thông gió khu vực làm việc, tách hệ thống ra khỏi các hệ thống đang vận hành.
5. Cấm làm công việc có lửa hoặc phát sinh tia lửa trực tiếp trên vỏ máy phát, máy bù, máy điện phân hoặc trên ống dẫn của hệ thống dầu khí có chứa Hydro.
6. Các công việc có lửa như hàn điện, hàn hơi .v.v… ở cách xa hệ thống dầu khí có Hydro trên 15m có thể thực hiện. Khi ở dưới 15m thì phải có các biện pháp an toàn đặc biệt như: đặt tấm chắn, kiểm tra không có Hydro trong không khí ở chỗ làm việc .v.v...
7. Các công việc có lửa trong phòng đặt thiết trí điện phân có thể tiến hành khi ngừng thiết bị, phân tích không khí thấy không chứa Hydro và hệ thống thông gió hoạt động liên tục. Nếu cần tiến hành các công việc có lửa trên máy móc của một thiết bị điện phân khác đang làm việc không thể ngừng thì ngoài các biện pháp nói trên, phải tháo tất cả các ống nối giữa thiết bị đang làm việc với đường ống của thiết bị sửa chữa và nút lại. Nơi làm việc có lửa phải che chắn để tia lửa khỏi bắn ra xung quanh.
Làm việc với động cơ điện
1. Khi tiến hành làm việc trên động cơ mà không tháo dỡ động cơ ra khỏi mạch điện thì phải khóa cơ cấu truyền động cấp điện cho động cơ, khóa nguồn điều khiển động cơ và treo biển báo để tránh đóng nhầm điện trở lại.
2. Khi tiến hành làm việc trên động cơ mà phải tháo các cực của động cơ ra khỏi mạch cung cấp điện, phải nối ngắn mạch 3 pha và đặt nối đất di động ba đầu cực cấp điện cho động cơ tại phía nguồn cung cấp.
3. Các đầu ra và phễu cáp của động cơ đều phải có che chắn, bắt chặt bằng bu lông. Cấm tháo các che chắn này trong khi động cơ đang làm việc. Các phần quay của động cơ như vòng tiếp điện, bánh đà, khớp nối trục, quạt gió đều phải che chắn.
4. Trước khi tiến hành công việc ở các động cơ bơm hoặc quạt gió phải thực hiện các biện pháp chống động cơ quay ngược.
Làm việc với thiết bị đóng cắt
1. Trước khi làm việc với thiết bị đóng cắt có cơ cấu khởi động tự động và điều khiển từ xa cần thực hiện các biện pháp sau:
a) Tách mạch điện nguồn điều khiển;
b) Đóng van dẫn khí nén đến khoang máy cắt hoặc cơ cấu khởi động và xả toàn bộ khí ra ngoài;
c) Treo biển báo an toàn;
d) Khoá van dẫn khí nén đến khoang máy cắt hoặc tháo rời tay van trong trường hợp phải làm việc ở bên trong khoang.
2. Để đóng cắt thử phục vụ hiệu chỉnh thiết bị đóng cắt cho phép tạm thời đóng điện vào mạch thao tác, mạch động lực của bộ truyền động, mạch tín hiệu mà chưa phải làm thủ tục bàn giao.
Trong thời gian thử, việc cấp điện mạch điều khiển, mở van khí, tháo biển báo do nhân viên vận hành hoặc người chỉ huy trực tiếp (khi được nhân viên vận hành đồng ý) thực hiện.
Sau khi thử xong, nếu cần tiếp tục công việc ở thiết bị đóng cắt thì nhân viên vận hành hoặc người chỉ huy trực tiếp (khi được nhân viên vận hành đồng ý) phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cho phép đơn vị công tác vào làm việc.
3. Trước khi làm việc trong bình chứa khí, công nhân phải thực hiện các biện pháp sau:
a) Đóng tất cả các van của đường ống dẫn khí, khoá van hoặc tháo rời tay van, treo biển báo cấm thao tác;
b) Xả toàn bộ khí ra khỏi bình chứa và mở van thoát khí.
4. Trong vận hành mọi thao tác đóng cắt máy cắt phải điều khiển từ xa. Cấm ấn nút thao tác ở ngay hộp điều khiển tại máy cắt. Chỉ cho phép cắt máy cắt bằng nút thao tác này trong trường hợp cần ngăn ngừa sự cố hoặc cứu người bị tai nạn điện.
5. Cấm cắt máy cắt bằng nút thao tác tại chỗ trong trường hợp đã cắt từ xa nhưng máy cắt không cắt hoặc không cắt hết các cực.
Khoảng cách khi đào đất
1. Khi đào đất, các phương tiện thi công như xe ôtô, máy xúc .v.v… phải cách đường cáp điện ít nhất 1,0m; các phương tiện đào đất bằng phương pháp rung phải cách đường cáp ít nhất 5,0m.
2. Khi đào đất ngay trên đường cáp điện thì đầu tiên phải đào thử đường cáp để xác định vị trí đặt, độ sâu của cáp dưới sự giám sát của nhân viên vận hành. Khi đào tới độ sâu còn cách đường cáp 0,40m không được dùng xà beng, cuốc mà phải dùng xẻng để tiếp tục đào.
Cuộn cáp
Trước khi lăn cuộn cáp trên đường phải sửa chữa những gồ ghề lồi lõm để khi lăn cuộn cáp khỏi bị đổ. Phải nhổ hết đinh nhô ra trên mặt cuộn cáp và bắt chặt các đầu cáp.
Bóc cáp
Khi bóc cả vỏ cáp và lớp cách điện của cáp thì nhân viên đơn vị công tác phải cẩn thận để tránh bị thương do công cụ và tránh làm bị thương người khác. Nhân viên đơn vị công tác phải cẩn thận để tránh hư hỏng cho phần khác của cáp.
Máy biến áp đo lường
Khi làm việc với mạch đo lường bảo vệ, nhân viên đơn vị công tác phải chú ý không làm ảnh hưởng đến bộ phận nối đất phía thứ cấp của các máy biến điện áp, biến dòng điện. Riêng máy biến dòng điện không để hở mạch phía thứ cấp.
Làm việc với hệ thống Ắc quy
1. Phải chuẩn bị chất trung hoà phù hợp với hệ thống Ắc quy.
2. Khi làm việc với Axit và Kiềm phải thực hiện các biện pháp thích hợp như mặc quần áo chuyên dụng, đeo kính bảo vệ mắt và găng tay cao su để bảo vệ cơ thể khỏi bị ảnh hưởng do Axit và Kiềm.
3. Cấm hút thuốc hoặc đem lửa vào phòng Ắc quy. Ngoài cửa phòng Ắc quy phải đề rõ “Phòng Ắc quy - cấm lửa - cấm hút thuốc”.
4. Phòng Ắc quy phải được thông gió để phòng ngừa bị ngộ độc hoặc cháy nổ do khí phát sinh từ hệ thống Ắc quy.
-------------
Tài liệu tham khảo: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2008
Khoa Vệ sinh và An toàn lao động
Về đầu trang