viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Tin - Cán bộ y tế tại nơi làm việc Người trực tiếp bảo vệ quyền lợi đối với lao động

23.03.2017 376

Cán bộ y tế hoặc tổ chức y tế tại nơi làm việc là người trực tiếp đầu tiên bảo vệ và thực hiện các quyền lợi về chăm sóc và quản lý sức khỏe của người lao động. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật ATVSLĐ 2015 (cùng với các quy định chi tiết cho khoản này sau khi Chính phủ ban hành).

     Từ góc độ trách nhiệm, theo Điều 73, người làm công tác y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe người lao động với những nội dung rất cụ thể. Đó là việc xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cấp cứu cho người lao động tại cơ sở. Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động. Cán bộ y tế còn có trách nhiệm tổ chức khám, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cấp cứu người bị tai nạn, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn vệ sinh lao động. Có trách nhiệm tuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định. Lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động, tổ chức quan trắc môi trường lao động, quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp nếu có. Người làm công tác y tế còn có trách nhiệm phối hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động thực hiện những nhiệm vụ có liên quan quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật ATVSLĐ.


     Cùng với các trách nhiệm nêu trên, cán bộ y tế có 3 quyền, trong đó có hai quyền liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Một là quyền yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, ốm đau cho người lao động; đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về tình trạng này; quản lý trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ sơ, cấp cứu tại nơi làm việc; hướng dẫn sơ cấp cứu cho người lao động tại cơ sở. Quyền thứ hai là đình chỉ việc sử dụng các chất không đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh lao động. Riêng quyền thứ 3 liên quan đến hoạt động của cán bộ y tế, đó là quyền được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.


     Để thực hiện được các trách nhiệm và quyền hạn trên, người sử dụng lao động phải bộ trí người làm công tác y tế có trình độ chuyên môn về y tế và chứng chỉ nhận chuyên môn về y tế lao động.


     Bên cạnh đó, người làm công tác y tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là thành phần của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động cơ sở.


     Với những quy định trên, người làm công tác y tế lao động vừa chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chăm sóc sức khỏe cụ thể cho từng người lao động, vừa giúp người lao động biết cách phòng ngừa, bảo vệ mình trong quá trình lao động. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động trước các nguy cơ gây tác hại đến sức khỏe cũng như quyền lợi của họ khi bị bệnh nghề nghiệp. Có thể thấy đây là một nhiệm vụ nặng nề, bởi người làm công tác y tế lao động phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, đòi hỏi nhiều thời gian, bám sát cơ sở, tận tâm hàng ngày. Trên thực tế, các bác sĩ làm công tác y tế lao động chủ yếu dành thời gian cho công tác đo môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, ít có thời gian thực hiện khám bệnh nghề nghiệp. Hơn thế hầu hết cán bộ y tế lao động phải làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tùy thuộc vào các loại hình, vị trí công việc, họ có thể bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường máu, dịch cơ thể, không khí, qua đường tiêu hóa hoặc có thể mắc những bệnh nghề nghiệp như HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, SARS, lao. Bên cạnh những tác hại lây nhiễm, nhân viên y tế phải tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm, bao gồm các hóa chất, những tác hại của yếu tố vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm. Đó là chưa kể bác sĩ y tế lao động hoạt động trong môi trường ít có điều kiện cải thiện thu nhập, khiến cho phần đông các bác sĩ không lựa chọn chuyên ngành lao động ngay khi chưa rời ghế nhà trường.


     Điều rất đáng lo ngại là mặc dù Thông tư Liên tịch số 01/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế quy định rõ nơi có nhiều yếu tố độc hại thì dưới 150 lao động phải có 1 y tá, từ 150 đến dưới 300 lao động phải có 1 y sĩ; trên 500 lao động phải có 1 bác sĩ đa khoa và 1 y tá. Còn trên 1.000 lao động thì dù nhiều hay ít độc hại phải có 1 trạm y tế hoặc phòng, ban riêng. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài mới thực hiện các quy định này. Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa do chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người lao động, do gặp những khó khăn về vốn, công nghệ, tiền lương, thuế… cộng với ý thức chấp hành pháp luật còn thấp, nên chưa chủ động phòng ngừa rủi ro tai nạn, bệnh nghề nghiệp, chỉ khi xảy ra mới tìm cách đối phó, các quy định về an toàn vệ sinh lao động chỉ là hình thức đối phó với các đoàn kiểm tra, thanh tra. Thậm chí tình trạng “trắng” cán bộ y tế lao động ở các doanh nghiệp cũng chưa được quan tâm điều chỉnh. Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện mới có 5.614 cán bộ y tế lao động tại các doanh nghiệp, chưa được 1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Ngay trên các địa bàn phát triển công nghiệp lâu năm và lớn mạnh như tỉnh Đồng Nai, đến năm 2014, chỉ có 406 doanh nghiệp trên tổng số 1.138 doanh nghiệp có bộ phận y tế, còn 732 doanh nghiệp không có cán bộ y tế. Chỉ khi nào người sử dụng lao động “buộc” phải tuân thủ việc bố trí cán bộ y tế lao động thì người lao động tại nơi làm việc mới có cơ hội được hưởng những quyền lợi hợp pháp theo pháp luật.

Theo http://nioeh.org.vn

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang