viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

NHIỄM HIV/AIDS DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP

24.04.2017 779

NHIỄM HIV/AIDS DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP

Ths.BS. Nguyễn Đình Trung

Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp

       Trải qua hơn 30 năm đấu tranh phòng chống HIV/AIDS, thế giới đang phải đương đầu với đại dịch có tính chất hết sức nguy hiểm. HIV/AIDS không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tới an ninh, tới sự phát triển nòi giống con người, và ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới. Hàng năm trên thế giới phải chi hàng tỷ đôla cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS nhưng những thiệt hại về mặt kinh tế chưa có thể tính nổi khi HIV/AIDS đã ngày một ảnh hưởng rõ rệt tới bộ phận cán bộ hàng ngày phải chăm sóc, phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS. Tính đến cuối năm 2002, có khoảng 42 triệu trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS. Những người trực tiếp sống chung với bệnh nhân HIV/AIDS không ai khác là chính những người thân của họ và một bộ phận không nhỏ những người làm công tác xã hội: các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhân viên của những trung tâm giáo dục xã hội ( trung tâm 05, 06), nhân viên các trại tạm giam, trại giam... những người trực tiếp phát hiện, điều trị, chăm sóc và giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS.

Sơ đồ cấu trúc HIV

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 50% các mũi tiêm sử dụng ở các nước đang phát triển là không an toàn và nguy hiểm đối với bệnh nhân mà còn cả với nhân viên y tế. Nguy cơ của một nhiễm trùng mắc phải sau một tổn thương dưới da rõ ràng do kim đâm từ một bệnh nhân dương tính là 0,3% với HIV, 10% đối với bệnh viêm gan C (HCV) và 22-40% đối với viêm gan B (HBV).

     Trên thế giới trường hợp nhiễm HIV nghề nghiệp đầu tiên được công nhận năm 1984 tại châu Phi (chỉ sau 3 năm phát hiện ra bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên). Cho đến nay, có khoảng 104 trường hợp được chính thức công nhận là nhiễm HIV nghề nghiệp (Mỹ là 57 trường hợp, các nước thuộc EU là 35 trường hợp, các nước khác 12 trường hợp) và 217 trường hợp được ghi nhận có thể nhiễm HIV nghề nghiệp (Mỹ là 136 trường hợp, các nước thuộc EU là 68 trường hợp, các nước khác 13 trường hợp).

      Theo tổng hợp nghiên cứu về những trường hợp nhiễm HIV nghề nghiệp và nghi ngờ do nghề nghiệp tại Mỹ và một số nước khác thấy tỷ lệ nhiễm HIV nghề nghiệp ở các công việc: y tá và kỹ thuật viên lâm sàng 72%, bác sĩ ngoại khoa và nha sĩ 1%, bác sĩ và sinh viên thực tập 14%. Tỷ lệ này ở những người có thể bị nhiễm HIV nghề nghiệp là: y tá và kỹ thuật viên lâm sàng 39%, bác sĩ ngoại khoa và nha sĩ 11%, bác sĩ và sinh viên thực tập 11%. Theo nghiên cứu này, tỷ lệ mắc HIV nghề nghiệp sau 1 lần tiếp xúc là: lây nhiễm do chọc kim vào tay, da là 0,31%, cũng so sanh với nghiên cứu về sự truyền nhiễm bệnh viêm gan virus B ở những nhân viên y tế không được tiêm vắc xin vào khoảng 1/3 và nguy cơ 1/30 ở những người tiếp xúc với virus viêm gan C, tỷ lệ khi dây dính máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV lên da bị trầy xước là 0,003%. Tỷ lệ này thay đổi khi tổn thương nông sâu do kim đâm và lệ thuộc vào số lượng HIV trong máu bệnh nhân, 66%  trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân AIDS.

      Tính đến tháng 6 năm 2016cả nước hiện có 227.225 trường hợp nhiễm HIV còn sống, có 85.735 người chuyển sang giai đoạn AIDS, số bệnh nhân AIDS đã tử vong tính đến tháng 6 năm 2016 là 89.210 trường hợp và trên thực tế số người nhiễm HIV trong cộng đồng còn cao hơn gấp nhiều lần. Tại các bệnh viện và phòng khám hiện nay phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm HIV nhập viện thường do các thể bệnh khác, bản thân họ không hề biết mình bị nhiễm HIV. Họ chỉ được phát hiện khi vào các bệnh viện, hoặc các cơ sở y tế với tỷ lệ: bệnh nhân lao 4 %, người cho máu 1%, bệnh nhân hoa liễu 2% và nhóm phụ nữ mang thai 0,2%. Một số cố ý dấu bệnh không khai báo và cơ sở cũng không thể làm xét nghiệm phát hiện HIV cho tất cả các bệnh nhân khi vào viện khám và điều trị, nên nguy cơ lây nhiễm sang các nhân viên y tế phục vụ họ là rất lớn.

      Ở Việt Nam đã có một số trường hợp cán bộ được ghi nhận là nhiễm HIV/AIDS trong qua trình làm việc, có người đã chết do lây nhiễm HIV trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, các trường hợp này chỉ được công nhân là nhiễm HIV/AIDS trong làm việc, việc theo dõi và các chế độ đối với người lao động bị nhiễm chưa được quy định cụ thể như là một bệnh nghề nghiệp và nhiễm HIV/AIDS nghề nghiệp vẫn chưa có trong danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Mặc dù đã có những nghiên cứu chứng minh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS nghề nghiệp là rất cao ở nhóm nhân viên y tế và những người tiếp xúc trực tiếp với những người bệnh nhiễm HIV/AIDS.

      Qua kết quả nghiên cứu của Lê Trung, Nguyễn Đình Trung trong 710 nhân viên y tế công tác tại các khoa: điều trị HIV/AIDS, ngoại, truyền nhiễm, xét nghiệm sinh hoá - huyết học, cấp cứu, gây mê hồi sức, khoa sản của các bệnh viện, nhân viên trực tiếp chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại các trung tâm 05, 06, tại 11 cơ sở: 1 bệnh viện đa khoa trung ương, 5 bệnh viện đa khoa tỉnh, 2 bệnh viên lao và 3 trung tâm 05, 06. Tại các cơ sở này, một số có khoa điều trị bệnh nhân HIV/AIDS riêng nhưng đa số vẫn điều trị chung với khoa Truyền nhiễm, nhưng đã có buồng điều trị riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS, tại các trung tâm 05, 06, phòng điều trị bệnh nhân nhiễm HIV chung với bệnh nhân bình thường.

      Đặc điểm bệnh nhân vào điều trị tại các cơ sở nghiên cứu đều là bệnh nhân nhiễm HIV có nhiễm trùng cơ hội hoặc đã chuyển sang giai đoạn AIDS, số bệnh  nhân này đa số không có người nhà chăm sóc, việc phục vụ chủ yếu do nhân viên y tế. Tại các cơ sở này số lượng bệnh nhân nhiễm HIV đến khám và điều trị tăng dần theo các năm, điều này dẫn đến số lượng nhân viên y tế tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tăng dần.

      Qua nghiên cứu này cho thấy, tình trạng chọc kim vào tay khi phục vụ bệnh nhân ở nhân viên y tá là 69,3%, bác sĩ 51,9%, nhóm y sĩ 15,7% và tỷ lệ chung chọc kim vào tay là 58,5%. Dây bắn dịch sinh học lên vùng da bị trầy xước 81,8% và niêm mạc quá cao ở nhóm nữ hộ sinh 90,9%, nhóm kỹ thuật viên tỷ lệ dây bắn dịch lên da là 58,4% và lên niêm mạc là 38,2%. Số lần chọc kim vào tay khi làm thủ thuật và thăm khám cho bệnh nhân trong 1 năm ở đối tượng nghiên cứu: 1 đến 2 lần trong 1 năm chiếm đa số 85,3%, từ 3 đến 5 lần 6,5%, trên 5 lần 8,2%.

      Đặc biệt đối với nhân viên y tế tại nghiên cứu này, tai nạn khi điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS là khá cao: chọc kim vào tay là 10,4 %: ở nhóm y tá 13,5% và 12,2 % ở nhóm bác sĩ , 9,0% ở nhóm kỹ thuật viên và hộ lý 1,2% nữ hộ sinh 5,5% đặc biệt nhóm y sĩ  không có trường hợp nào. Tai nạn do bắn dịch sinh học bệnh nhân lên da là 19,7%, cao nhất ở nhóm nữ hộ sinh 25,5% , y tá 21,7% bác sĩ 19% hộ lý 18,8%, thấp nhất là kỹ thuật viên 12,4%. Bắn dịch sinh học lên niêm mạc là 16,1%, cao ở nhóm nữ hộ sinh 40%, bác sĩ 18%, 14,2% ở nhóm y tá và ở nhóm kỹ thuật viên và hộ lý, tỷ lệ 9% và 9,4%.

 

CHẨN ĐOÁN NHIỄM HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP

(Ban hành kèm theo Thông tư 15/ 2016/TT-BYT ngày 15tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 1. Định nghĩa bệnh

Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp là tình trạng nhiễm vi rút HIV trong quá trình lao động.

2. Yếu tố gây bệnh

Vi rút HIV (Human Insuffisance Virus) trong quá trình lao động. 

3. Nghềcông việc thường gặp và nguồn tiếp xúc

- Nhân viên y tế;

- Quản giáo, giám thị trại giam;

- Công an;

- Nghề,  công việc khác tiếp xúc với vi rút HIV.

4. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu

Xác định bằng Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

5. Thời gian tiếp xúc tối thiểu

1 lần.

6. Thời gian bảo đảm

6 tháng.

7. Chẩn đoán (*)

7.1. Lâm sàng

Có hoặc chưa có các biểu hiện hội chứng suy giảm miễn dịch và nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm phổi, sốt kéo dài, rối loạn tiêu hoá.

7.2. Cận lâm sàng          

- Có kết quả xét nghiệm HIV theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;

- Xét nghiệm ELISA xác định anti – HCV, kết quả xét nghiệm HIV trong vòng 72 giờ sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Âm tính (-);

- Kết quả xét nghiệm HIV của người bị phơi nhiễm với HIV tại một trong các thời điểm 01 tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp là dương tính (+);

(*) Trong trường hợp người lao động có Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với  HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì không cần có Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp và kết quả xét nghiệm HIV trong vòng 72 giờ sau tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Trong trường hợp người lao động có Giấy chứng nhận bị nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì không cần có Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp và kết quả xét nghiệm HIV trong vòng 72 giờ sau tai nạn rủi ro nghề nghiệp và các thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

8Phân loại giai đoạn bệnh

8.1. Phân loại giai đoạn lâm sàng nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Giai đoạn lâm sàng 1: Không triệu chứng

        - Không có triệu chứng;

- Hạch to toàn thân dai dẳng.

Giai đoạn lâm sàng 2: Triệu chứng nhẹ

- Sút cân mức độ vừa không rõ nguyên nhân (< 10% trọng lượng cơ thể);

Nhiễm trùng hô hấp tái diễn (viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm hầu họng);

Zona (Herpes zoster);

Viêm khoé miệng;

Loét miệng tái diễn;

Phát ban dát sẩn, ngứa;

Viêm da bã nhờn;

- Nhiễm nấm móng.

Giai đoạn lâm sàng 3: Triệu chứng tiến triển

- Sút cân nặng không rõ nguyên nhân (> 10% trọng lượng cơ thể);

- Tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng;

- Sốt không rõ nguyên nhân từng đợt hoặc liên tục kéo dài hơn 1 tháng;

- Nhiễm nấm Candida miệng tái diễn;

- Bạch sản dạng lông ở miệng;

- Lao phổi;

- Nhiễm trùng nặng do vi khuẩn (viêm phổi, viêm mủ màng phổi, viêm đa cơ mủ, nhiễm trùng xương khớp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết);

- Viêm loét miệng hoại tử cấp, viêm lợi hoặc viêm quanh răng;

- Thiếu máu (Hb< 80g/L), giảm bạch cầu trung tính (< 0.5x109/L), và/hoặc giảm tiểu cầu mạn tính (< 50x109/L) không rõ nguyên nhân.

Giai đoạn lâm sàng 4: Triệu chứng nặng

- Hội chứng suy mòn do HIV (sút cân >10% trọng lượng cơ thể, kèm theo sốt kéo dài trên 1 tháng hoặc tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân);

- Viêm phổi do Pneumocystis jiroveci (PCP);

- Nhiễm Herpes simplex mạn tính (ở môi miệng, cơ quan sinh dục, quanh hậu môn, kéo dài hơn 1 tháng, hoặc bất cứ đâu trong nội tạng);

- Nhiễm Candida thực quản (hoặc nhiễm candida ở khí quản, phế quản hoặc phổi);

- Lao ngoài phổi;

- Sarcoma Kaposi;

- Bệnh do Cytomegalovirus (CMV) ở võng mạc hoặc ở các cơ quan khác;

- Bệnh do Toxoplasma ở hệ thần kinh trung ương;

- Bệnh não do HIV;

- Bệnh do Cryptococcus ngoài phổi bao gồm viêm màng não;

- Bệnh do Mycobacteria avium complex (MAC) lan toả;

- Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (Progessive multifocal leukoencephalopathy -PML);

- Tiêu chảy mạn tính do Cryptosporidia;

- Tiêu chảy mạn tính do Isospora;

- Bệnh do nấm lan toả (bệnh nấm Penicillium, bệnh nấm Histoplasma ngoài phổi);

- Nhiễm trùng huyết tái diễn (bao gồm nhiễm Sallmonella không phải thương hàn);

- U lympho ở não hoặc u lympho non-Hodgkin tế bào B;

- Ung thư cổ tử cung xâm nhập (ung thư biểu mô);

- Bệnh do Leishmania lan toả không điển hình;

- Bệnh lý thận do HIV;

- Viêm cơ tim do HIV.















Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang