viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Hãy nghĩ về môi trường để cùng tiêu dùng có trách nhiệm

02.06.2015 345

Chủ đề ngày môi trường Thế giới năm 2015 là “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một Trái đất bền vững”. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau.

 

Ngày nay sự phát triển của thị trường hàng hóa cùng với sự gia tăng của các siêu thị, sự đa dạng của các loại sản phẩm, sự phong phú của các hình thức khuyến mại đã đưa đến kết quả người tiêu dùng thường mua sắm quá mức nhu cầu và phần thừa cuối cùng bị vứt vào sọt rác. Người Việt Nam đa số vẫn còn nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng lại lãng phí đủ mọi thứ từ đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng trong gia đình đến tiêu dùng các loại. Tổ chức Ademe (về môi trường và kiềm chế năng lượng) đã ghi nhận, hàng năm có 7kg thức ăn còn đóng gói/người đã biến thành rác thải.

Theo một cuộc khảo sát ở Anh thì 25% lương thực, thực phẩm đã mua (560 euro/mỗi hộ/năm) đã bị vứt đi. Việc lãng phí như thế là quá lớn, đồng thời còn chứa ẩn những phung phí khác nữa. Đó là lãng phí tài nguyên thiên nhiên để làm ra các sản phẩm hay như việc các hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu và năng lượng thì lượng chất thải thải vào môi trường là rất lớn.

Các sọt rác đầy rẫy chất thải

Các sọt rác không chi đầy rẫy chất thải mà còn tràn ngập các đồ đóng gói, chiếm 20% khối lượng và giá cả sản phẩm. Tại các khu vực khác, lãng phí cũng không kém, Chẳng hạn, mỗi năm chúng ta mua sắm 11kg/người các quần áo, khăn màn và giày dép. Nhưng các hội từ thiện và các nhân viên nghành công nghiệp chỉ thu lại được 1,7kg trên mỗi người dân. Về phía các nhà sản xuất thì khó mà biết được các món hàng không bán được sẽ ra sao.

Thức ăn vứt đi không khác gì một loại rác thải. Khi vứt đi một loại thực phẩm, cũng có nghĩa bạn đã lãng phí tất cả năng lượng và công sức tạo ra chúng. Việc sản xuất lương thực toàn cầu cần tới 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Qua đó “góp phần” đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Có thể tiêu dùng mà không lãng phí?

Ý kiến của Alain Lipietz, nhà kinh tế học, cựu đại biểu Quốc hội Châu Âu cho rằng có thể tiêu dùng mà không lãng phí bằng cách thay đổi các tập quán của chúng ta. Từ năm 1950, người ta dạy chúng ta: “Hãy tăng trưởng, cuối cùng rồi cũng được cái gì đó và tạo được những việc làm”. Sự tăng trưởng khinh suất này dẫn đến tàn phá tài nguyên thiên nhiên, làm rối loạn khí hậu, tổn hại sức khỏe với những tai ương ngày càng bi đát. Chúng ta không thay thế kinh tế thị trường nhưng chúng ta có thể loại trừ lãng phí bằng các luật và nhất là bằng hành động của chính mình. Nếu nửa số dân Châu Âu thôi dùng xe riêng để đi làm thì ônhiễm sẽ giảm đi 30%. Đành rằng khu vực ngành ô tô sẽ mất 4,5 triệu chỗ làm nhưng sẽ có 8 triệu chỗ làm trong ngành vận tải công cộng. Việc trồng trọt theo sinh học sẽ cần thêm 40% lao động nông nghiệp. Vậy, để bớt áp lực lên thiên nhiên thì cần thêm quyết tâm và trí tuệ của con người.

Trước tình trạng khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên như hiện nay và nguy cơ khủng hoảng năng lượng là có thực thì việc cùng tiêu dùng có trách nhiệm sẽ tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên và năng lượng tạo mục tiêu phát triển bền vững. Để giảm sự mất cân bằng quá lớn trong lối sống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của lãng phí trong tiêu dùng tới môi trường, mỗi cá nhân cần ý thức trách nhiệm hơn trong tiêu dùng để tránh lãng phí tài nguyên, năng lượng và cùng nhau tiêu dùng bền vững bảo vệ môi trường.

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang