viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Ảnh hưởng của dung môi hữu cơ tới sức khỏe

03.05.2017 3455

Dung môi là chất dùng để hoà tan các chất khác nhau nhằm tổng hợp các sản phẩm mong muốn. Dung môi hữu cơ là loại dung môi chứa nguyên tố Cacbon hữu cơ được sử dụng chủ yếu trong trong công nghiệp sản xuất các chất hữu cơ, dùng làm dung môi hoà tan mỡ, cao su, vecni, tẩy da, vải sợi, lau khô, tẩy dầu mỡ bám trên các dụng cụ, vật liệu, phương tiện…

Đặc trưng chung của dung môi hữu cơ là tính dễ bay hơi, nên có nhiều khả năng gây tác động có hại đến con người qua đường hô hấp. Một số chất dung môi hữu cơ phổ biến có tác động ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người gồm các chất VOCs, Benzen, Toluen…

Nhiễm độc các chất VOCs: VOCs là tên gọi chung các chất lỏng hay chất rắn có chứa các bon hữu cơ rất dễ bay hơi. Một số chất thông dụng như axeton, ethylacetate, buthylacetate .v.v. Nguồn ô nhiễm VOCs phát sinh do đốt không triệt để xăng dầu, các dung môi hữu cơ tự bay hơi, bay hơi của xăng dầu, sự bay hơi của các  hoá chất rơi vãi. Cây xanh khi trao đổi khí ban đêm cũng phát xả VOCs. Thực tế, xăng và sơn là hai thứ  phát xả VOCs nhiều nhất. Chúng ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng mặt, say nôn, sưng mắt, co giật, ngạt viêm phổi. Chỉ một số ít chất có khả năng gây độc mãn tính. Hạn chế sử dụng xăng, sơn trong không gian khép kín. Khi buộc phải tiếp xúc thường xuyên với  các chất VOCs phải sử dụng khẩu trang đúng cách.

Nhiễm độc Benzen: Benzen là một chất lỏng dễ bay hơi khi hỗn hợp với không khí có thể gây nổ. Benzen khi xâm nhập vào cơ thể qua da (tiếp xúc trực tiếp) và qua phổi. Khi xâm nhập, chừng 75% - 90% được cơ thể thải ra trong vòng nửa giờ. Phần còn lại tích luỹ trong mỡ và tuỷ xương, não sau đó được bài tiết chậm ra ngoài. Phần benzen tích luỹ này có thể gây các biểu hiện bệnh lý: Gây ra sự tăng tạm thời của bạch cầu; gây ra sự rối loạn oxy hoá - khử của tế bào dẫn đến tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể; nếu hấp thu nhiều benzen cơ thể sẽ bị nhiễm độc với các hội chứng khó chịu, đau đầu, chóng mặt, nôn, có thể dẫn đến tử vong vì suy hô hấp. Nếu thường xuyên tiếp xúc với ben zen có thể gây nhiễm độc mãn tính. Lúc đầu là  rối loạn tiêu hoá, ăn kém ngon, xung huyết niêm mạc miệng, rối loạn thần kinh, đau đầu, bị chuột rút, cảm giác kiến bò, thiếu máu nhẹ, xuất huyết trong, phụ nữ hay bị rong kinh, khó thở do thiếu máu. Phụ nữ  bị nhiễm độc nặng có thể bị đẻ non hoặc sẩy thai.

Nhiễm độc Toluen: Toluen là chất dễ bay hơi, cháy nổ. Chỉ cần một nồng độ nhỏ (1/1000) Toluen đã gây cảm giác mất thăng bằng, đau đầu, nếu nồng độ cao hơn có thể gây ảo giác, choáng ngất. Toluen có trong sơn, nhựa, keo dán công nghiệp và là chất xúc tác trong công nghệ in ảnh. Khi sử dụng sơn, nhựa, keo dán cần tạo không gian thông thoáng.

Các tác động đến sức khỏe

Các mối nguy hiểm đối với sức khoẻ nói chung liên quan đến dung môi bao gồm nhiễm độc hệ thần kinh, tổn hại khả năng sinh sản, tổn hại gan và thận, suy hô hấp, ung thư và viêm da.

Nhiều dung môi có thể gây ra bất tỉnh đột ngột nếu hít phải một lượng lớn.Các dung môi như diethyl ether và chloroform đã được sử dụng trong lĩnh vực y tế dưới dạng chất gây mê, thuốc giảm đau và thuốc ngủ trong một thời gian dài. Ethanol (rượu ngũ cốc) là dược phẩm an thần được sử dụng và lạm dụng một cách rộng rãi. Diethyl ether, chloroform và nhiều loại dung môi khác (ví dụ: có nguồn gốc từ xăng hoặc keo dán) được sử dụng để tiêu khiển được biết đến như trò "hít keo", thường dẫn đến những tác động nguy hiểm và lâu dài đến sức khỏe như nhiễm độc thần kinh hoặc ung thư. Methanol có thể gây mù vĩnh viễn và tử vong; nó cũng rất nguy hiểm bởi khi cháy với ngọn lửa không nhìn thấy. Một số dung môi trong đó có chloroform và benzene (một thành phần của xăng) là chất gây ung thư. Một số khác có thể gây tổn hại đến các cơ quan nội tạng như gan, thận hoặc não bộ. Việc thường xuyên tiếp xúc với các dung môi hữu cơ trong môi trường làm việc có thể gây ra một số các phản ứng thần kinh.  

Các biện pháp phòng tránh

  • Tránh tiếp xúc với hơi dung môi bằng cách sử dụng bảo hộ an toàn làm việc trong điều kiện có thiết bị thông khí tại chỗ hoặc tại khu vực thông thoáng;
  • Giữ các bình chứa dung môi ở tình trạng đóng kín;
  • Không được sử dụng ngọn lửa gần các dung môi dễ cháy;
  • Không được xả trực tiếp các dung môi vào hệ thống thu gom nước thải;
  • Tránh để dung môi tiếp xúc với da – nhiều dung môi rất dễ hấp thụ qua da. Chúng có xu hướng làm khô da và có thể gây ra lở loét và các vết thương trên da…

 

Khoa Sức khỏe và Vệ sinh môi trường

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang