viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT THẢI Y TẾ ĐẾN SỨC KHỎE CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ CỘNG ĐỒNG

03.05.2017 1032

Chất thải y tế (CTYT) là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế (CSYT), bao gồm CTYT nguy hại, CTYT thông thường và nước thải y tế. Khoảng 75 - 90% lượng CTYT là chất thải thông thường, số còn lại từ 10 – 25% là chất thải nguy hại có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người nếu không được quản lý và tiêu huỷ an toàn.

 Các đối tượng chịu ảnh hưởng sức khỏe do chất thải y tế   

Tất cả các cá nhân tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất thải y tế nguy hại ở bên trong hay bên ngoài khuôn viên bệnh viện, tại tất cả các công đoạn từ phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý đều chịu tác động xấu đến sức khoẻ, nếu CTYT không được quản lý đúng cách an toàn và không được quan tâm đúng mức.

Các đối tượng chịu ảnh hưởng chính

  • Cán bộ, nhân viên y tế: bác sĩ, y sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý, sinh viên thực tập công nhân vận hành các công trình xử lý chất thải,…
  • Nhân viên của các đơn vị hoạt động trong CSYT: nhân viên công ty vệ sinh công nghiệp; nhân viên giặt là, nhân viên làm việc ở khu vực nhà tang lễ, trung tâm khám nghiệm tử thi,…

Ngoài ra còn có các đối tượng khác:

  • Người tham gia vận chuyển, xử lý CTYT ngoài khuôn viên CSYT; người liên quan đến bãi chôn lấp rác và người nhặt rác;
  • Bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú;
  • Người nhà bệnh nhân và khách thăm;
  • Cộng đồng và môi trường xung quanh cơ sở y tế;
  • Cộng đồng sống ở vùng hạ lưu các con sông tiếp nhận các nguồn chất thải của các cơ sở y tế chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.

Ảnh hưởng của chất thải y tế tới sức khỏe con người

Ảnh hưởng của chất thải lây nhiễm  

Trong thành phần của chất thải lây nhiễm có thể chứa đựng một lượng rất lớn các tác nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B,….Các tác nhân truyền nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua các hình thức:

  • Qua da (vết trầy xước, vết đâm xuyên hoặc vết cắt trên da);
  • Qua các niêm mạc (màng nhầy);
  • Qua đường hô hấp (do xông, hít phải);
  • Qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).

Chất thải sắc nhọn được coi là loại chất thải rất nguy hiểm, gây tổn thương kép tới sức khỏe con người: vừa gây chấn thương: vết cắt, vết đâm,.., vừa gây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV,... 

Nước thải bệnh viện nếu bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho con người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống,…

Ảnh hưởng của nguy hại không lây nhiễm

Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng chất thải hóa học và dược phẩm có thể gây ra các nhiễm độc cấp, mãn tính, chấn thương và bỏng,... Hóa chất độc hại và dược phẩm ở các dạng dung dịch, sương mù, hơi,… có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường da, hô hấp và tiêu hóa,... gây bỏng, tổn thương da, mắt, màng nhầy đường hô hấp và các cơ quan trong cơ thể như: gan, thận,… 

Các chất khử trùng, thuốc tẩy như clo, các hợp chất natri hypoclorua có tính ăn mòn cao. Thủy ngân khi xâm nhập vào cơ thể có thể liên kết với những phân tử như axit nucleic, protein,… làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Nhiễm độc thủy ngân có thể gây thương tổn thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó diễn đạt, giảm sút trí nhớ,… và nặng hơn nữa có thể gây liệt, nghễnh ngãng, với liều lượng cao có thể gây tử vong.

Chất gây độc tế bào có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường: tiếp xúc trực tiếp, hít phải bụi và các sol khí, qua da, qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với chất thải dính thuốc gây độc tế bào, tiếp xúc với các chất tiết ra từ người bệnh đang được điều trị  bằng hóa trị liệu.

Tuy nhiên, mức độ gây nguy hiểm của các chất thải này còn phụ thuộc nhiều vào hình thức phơi nhiễm. Một số chất gây độc tế bào gây tác hại trực tiếp tại nơi tiếp xúc đặc biệt là da và mắt với các triệu chứng thường gặp như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu và viêm da. Đây là loại CTYTcần được xử lý đặc biệt để tránh ảnh hưởng xấu của chúng tới môi trường và con người.

Ảnh hưởng của chất thải phóng xạ tùy thuộc vào loại phóng xạ, cường độ và thời gian tiếp xúc. Các triệu chứng hay gặp là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều bất thường,… ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư và các vấn đề về di truyền.

Các chất thải phóng xạ cần được quản lý đúng qui trình, tuân thủ đúng thời gian lưu giữ để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm có nguy cơ cao là nhân viên y tế hoặc những người làm nhiệm vụ vận chuyển và thu gom rác phải tiếp xúc với chất thải phóng xạ trong điều kiện thụ động.

Kết luận

Như vậy CTYT nếu không được quản lý an toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó đối tượng có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế vì đây là những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với CTYT. Để hạn chế những ảnh hưởng của CTYT đối với sức khỏe của nhân viên y tế cũng như sức khỏe cộng đồng, CTYT cần phải được quản lý an toàn từ khâu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển cho đến khi tiêu hủy cuối cùng theo đúng các quy định hiện hành.

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang