04.05.2017 1319
NHIỄM ĐỘC MANGAN NGHỀ NGHIỆP
ThS. Đinh Thục Nga
Khoa Bệnh nghề nghiệp,
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
Các hợp chất Mangan (Mn) được sử dụng trong công nghiệp chủ yếu là các oxyt và muối Mn (MnO2, Mn3O4, MnCO3…). Mn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp dưới dạng bụi hoặc khí dung, đôi khi qua đường tiêu hoá do không đảm bảo nội quy vệ sinh.
Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là bệnh nhiễm độc do tiếp xúc với mangan và hợp chất mangan trong quá trình lao động.
Các ngành nghề phải tiếp xúc nhiều Mn: Khai thác quặng Mn, quặng sắt; luyện gang, thép (phân xưởng hợp kim sắt), sản xuất dây cáp điện, que hàn, pin khô, phẩm màu, thuỷ tinh, đồ gốm...
Mn là chất độc thần kinh điển hình gây các rối loạn hệ thần kinh trung ương và tổn thương tâm thần. Ngoài ra Mn còn gây độc hại tới gan (rối loạn chuyển hoá gluco), phổi, rối loạn nội tiết, tuyến giáp, hệ sinh dục...Tiếp xúc nghề nghiệp với Mn có thể gây bệnh nhiễm độc Mn cấp hoặc mạn tính.
Nhiễm độc cấp tính: Thường do người lao động làm việc trong môi trường có nồng độ mangan vượt quá giới hạn tiếp xúc ngắn cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Bệnh có thể xuất hiện rất nhanh sau khi tiếp xúc 2 phút và vẫn có thể phát bệnh sau khi đã ngừng tiếp xúc 48h với các biểu hiện lâm sàng:
- Kích thích niêm mạc, mắt, da khi tiếp xúc ở nồng độ cao;
- Kích thích, gây viêm đường hô hấp: ho, viêm phế quản, viêm phổi và giảm chức năng hô hấp.
Nhiễm độc mạn tính: Thường do người lao động làm việc trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Bệnh có thể xuất hiện sau 2 tháng tiếp xúc hoặc ngừng tiếp xúc 20 năm. Bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng:
- Thần kinh trung ương: Bệnh lý não là hội chứng Parkinson do nhiễm độc mangan với các biểu hiện tâm thần kinh. Triệu chứng sớm và kín đáo chủ yếu về vận động hoặc đôi khi giảm nhận thức;
Nhiễm độc mangan tiến triển qua các giai đoạn:
+ Giai đoạn I: khó chịu, suy nhược, chán ăn, nhức đầu, cảm xúc để thay đổi, vô cảm, giảm ham muốn tình dục, yếu cơ, ngủ lịm;
+ Giai đoạn II: Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng phân tích, lo lắng, đôi khi có biểu hiện loạn thần như ảo giác;
+ Giai đoạn III: Giảm vận động dần dần, rối loạn cận ngôn (nói lắp), rối loạn trương lực cơ tứ chi đối xứng, dáng đi vụng về, ngượng ngập, tư thế không ổn định, liệt, cứng cơ, nét mặt kiểu mặt tượng, run tăng khi tập trung, rối loạn phối hợp vận động.
- Hô hấp: Tương tự như nhiễm độc cấp tính.
Cận lâm sàng
- Mangan máu > 36µg/L;
- Thử nghiệm trí nhớ ngắn hạn: giảm;
- Thử nghiệm run tay: tăng;
- Thử nghiệm thời gian phản xạ đơn giản thị vận động: kéo dài.
Biện pháp dự phòng:
Bệnh nhiễm độc Mn nghề nghiệp cũng giống như những bệnh nghề nghiệp khác là rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Vì vậy, công tác dự phòng vẫn phải đặt lên hàng đầu.
* Biện pháp kỹ thuật:
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh công nghiệp ngăn ngừa bụi và hơi Mn ô nhiễm quá mức không khí môi trường lao động.
- Thay thế khoan khô bằng khoan ướt khi khai thác mỏ Mn.
- Lắp đặt hệ thống thông hút gió, hút bụi và hơi khí độc tại nguồn phát sinh cơ bản.
* Biện pháp y tế:
- Tổ chức khám tuyển để loại các cá nhân có tổn thương thực thể ở hệ thần kinh, phổi, rối loạn các cơ qua bài tiết vào làm việc ại các vị trí có tiếp xúc với mangan.
- Khám sức khỏe và giám sát sinh học định kỳ cho công nhân để phát hiện sớm các triệu chứng nhiễm độc mangan.
- Giám sát định kỳ nồng độ Mn trong không khí môi trường lao động.
- Luân chuyển các vị trí lao động có tiếp xúc Mn sang các vị trí không phải tiếp xúc để cơ thể có thời gian đào thải tránh sự tiếp xúc quá ngưỡng.
* Biện pháp cá nhân
-Tuân thủ việc sử dụng trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định,đặc biệt là trang bị bảo vệ đường hô hấp.
- Thực hiện tắm gội, vệ sinh cá nhân sau ca lao động.
- Không ăn uống tại nơi lao động, uống thuốc dự phòng tăng đào thải Mn và tăng thể trạng (các loại vitamin, canxi versenat...)
Về đầu trang