24.11.2014 2914
Tiếng ồn được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Ở đây ta định nghĩa chung nhất về tiếng ồn là những âm thanh mà người ta không mong muốn. Chủ yếu những âm thanh trở nên kích thích và không mong muốn khi nó có cường độ lớn và kéo dài. Đơn vị tính thường dùng là dexibell (dB).
Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm các chất độc, nhưng nó tác động vào con người, tác động có thể để lại lâu dài, không biến đi nhanh như bản thân tiếng ồn. Tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể làm tăng giới hạn nghe, giảm dẫn truyền đường xương và dẫn truyền đường khí.
Tiếng ồn trường học phát sinh do nguồn tiếng ồn từ bên ngoài trường và trong chính trường học. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới thì cường độ tiếng ồn ở các phòng học dao động từ 40 đến 110 dBA vào các giờ học, trung bình tiếng ồn trong trường học dao động trong khoảng 50 - 80 dBA, ở mức tần số từ 500 - 2000 Hz.
Cơ thể trẻ em rất nhạy cảm với tiếng ồn. Dưới tác động của cường độ và tần số ở mức thấp đã gây ra những thay đổi trạng thái chức năng của cơ quan thính giác và một số cơ quan giác quan khác. Tiếng ồn quá lớn làm cho học sinh không nghe được lời giảng của giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu bài. Bên cạnh đó, giáo viên có thể bị rối loạn giọng nói do phải cố gắng nói to trong khi giảng bài. Tiếng ồn dưới 40 dBA không tác động có hại lên trạng thái chức năng của hệ thần kinh trung ương. Những biến đổi của hệ thần kinh xuất hiện khi có tác động của tiếng ồn từ 50 - 60 dBA. Tiếng ồn ở 50 dBA làm tăng ngưỡng cảm thụ thính giác ở các âm thanh có tần số 500, 1000, 2000, 4000, 8000 Hz, và đồng thời giảm khả năng lao động. So với trước buổi học, giới hạn cảm nhận thính giác sau buổi học ở học sinh tăng lên từ 10 - 15 dBA và thậm chí đến 25 dBA. Theo quy định hiện nay tiếng ồn không được vượt quá 50 dbA.
Theo tính toán của Hội Phòng chống tiếng ồn và điếc Thế giới, các hoạt động sinh hoạt tập thể như tiếng hò hét, cười đùa quá to, tiếng xô xát đẩy bàn ghế, quát gọi nhau trong giờ nghỉ và nhất là giờ tan học tiếng ồn có thể lên tới 90 dB. Trong khi đó tiếng ồn trên 80 dB đã gây nghe kém, điếc nếu tiếp xúc hàng ngày.
- Tiếng ồn dưới 50 dB (nói thầm cách xa 1m còn nghe được rõ) đảm bảo cho học tập, tiếp thu tốt.
- Tiếng ồn 70 dB ảnh hưởng đến tư duy, học tập.
- Tiếng ồn trên 80 dB (nghe tiếng nói thường cách xa 1m không rõ) sẽ gây nghe kém, điếc nếu tiếp xúc hàng ngày.
Các loại tiếng ồn nguy hiểm
Tiếng ồn ở các trường học tǎng cao do các nguồn gây ồn:
- Tiếng ồn môi trường tǎng cao thường thấy ở các trường gần các phố buôn bán tấp nập, sát các đường giao thông luôn có xe cộ hay gần chợ, bến xe... Tiếng ồn môi trường các khu vực này thường trên 80 db lúc cao điểm trong khi đó những trường này thiếu tường đủ cao và dải cây xanh ngǎn cách, các lớp học không có hay không đóng cửa vì quá nóng.
- Người ta cũng đặc biệt lưu ý đến tác hại do chính các học sinh thiếu hiểu biết gây ra như quát, hét to vào tai bạn để dọa, đùa mà không biết là tiếng hét thật to có thể lên tới trên 100 db.
- Thường xuyên đứng gần trống lúc đánh, loa khi phát thanh có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh nghe.
- Thói quen nghe ca nhạc qua núm tai mở thật to khi đi đường hay lúc rỗi kéo dài hàng tiếng liên tục trong nhiều ngày cũng là nguyên nhân gây điếc, nghe kém.
Bảo vệ đôi tai học sinh
Để bảo vệ sức nghe, phòng tránh điếc và nghe kém, đảm bảo cho học tập, sinh hoạt và lao động của học sinh sau này, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh cần giải thích, hướng dẫn cho các em thấy rõ tác hại của tiếng ồn.
Bản thân các học sinh, các tổ chức đoàn, đội trong nhà trường nhắc nhở nhau không nên gây ồn ào giữ gìn tai nghe của bản thân và bạn bè, lưu ý phát hiện khi tai có vấn đề cần đi kiểm tra cẩn thận.
Về đầu trang