viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

ẢNH HƯỞNG CỦA CHÌ ĐẾN TỔN THƯƠNG DI TRUYỀN Ở NGƯỜI TIẾP XÚC

03.05.2017 1915

HƯỞNG ỨNG THÁNG AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

 

ẢNH HƯỞNG CỦA CHÌ ĐẾN TỔN THƯƠNG DI TRUYỀN Ở NGƯỜI TIẾP XÚC

Chì là một trong những kim loại nặng thường gặp trong môi trường và được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng là một chất độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng.

          Ở Việt Nam, chì được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, khai khoáng, luyện kim, đúc, chất dẻo, sản xuất ắc quy chì, hàn điện cực, pha chế sơn vecni, mực in, đồ gốm, sản xuất vũ khí và các vật liệu tấm lợp....Gần đây, ô nhiễm chì xảy ra ở nhiều làng nghề tái chế chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe công nhân, cộng đồng dân cư đặc biệt là trẻ em. Theo WHO, khi nồng độ chì tăng lên 1mg/m3 trong môi trường thì hàm lượng chì tăng 1,6µg/dL trong máu. Sau khi vào máu 95% chì liên kết với hồng cầu. Vì vậy, phơi nhiễm với chì gây ra nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến nhiều quá trình sinh học và sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chì gây ra tổn thương ADN, xuất hiện vi nhân và tăng một cách có ý nghĩa những biến đổi nhiễm sắc thể và trao đổi chéo nhiếm sắc tử chị em. Những tổn thương vật chất di truyền này đã trở thành những chỉ điểm sinh học tiềm năng trong việc đánh giá các nguy cơ, chẩn đoán rút ngắn khoảng thời gian giữa thời điểm phơi nhiễm và thời điểm phát hiện ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

photo-3-1464830627638.jpg

Độc tính của chì đã được biết đến từ rất lâu như là tác nhân có thể dẫn đến tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư như ung thư dạ dày, phổi hay bàng quang đồng thời chì cũng có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe bao gồm cả các tổn hại cho hệ thần kinh, thận, tim mạch, miễn dịch, hệ sinh sản hay như các tác hại cho xương và răng. Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) đã phân loại một chất có thể gây nên ung thư (Nhóm 2B) và các hợp chất vô cơ của nó cũng được xếp loại những tác nhân có thể gây nên bệnh ung thư cho con người [Nhóm 2A]. Trong những năm gần đây nhờ sự phát triển theo cấp số nhân của các nghiên cứu dịch tễ học về các chỉ thị sinh học ở cấp độ phân tử và cấp độ tế bào giúp hiểu rõ hơn về cơ chế tác động và mối liên quan giữa các nguy cơ gây bệnh trong môi trường hoặc do nghề nghiệp và tác động của chúng tới sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chì có thể gây ra các tổn thương ADN, xuất hiện vi nhân, gây tăng một cách có ý nghĩa những biến đổi nhiễm sắc thể, giảm chiều dài telome, xuất hiện nhiễm sắc thể hai tâm động và trao đổi chéo nhiếm sắc tử chị em. Mặc dù các kết quả nghiên cứu dịch tễ học cũng như hiểu biết về cơ chế phân tử và sinh hóa về độc tính của chì còn gây nhiều tranh cãi nhưng theo nhiều nghiên cứu chì có thể gây ra tổn thương di truyền thông qua một số cơ chế gián tiếp như ức chế sinh tổng hợp ADN, can thiệp vào quá trình oxi hóa khử của tế bào, stress oxy hóa gây nên các thiệt hại ADN và ức chế quá trình sửa chữa ADN do đó, dẫn đến sự mất ổn định hệ gen và làm tích lũy các đột biến quan trọng. Dưới ảnh hưởng của chì, sự hình thành các chất stress oxy hóa theo 2 con đường khác nhau diễn ra đồng thời, đầu tiên là sự sản sinh ra các gốc tự do ROS, như các chất oxy hóa mạnh như H2O2, thứ hai là làm giảm các chất chống oxy hóa. Sự sản sinh các gốc tự do bắt đầu một chuỗi phản ứng dẫn đến quá trình peroxit hóa lipid, phá hủy màng tế bào, oxi hóa protein và acid nucleic. Kết quả là tế bào đi vào trạng thái bị tổn thương khó phục hồi. Đồng thời khi liên kết với các tác nhân có khả năng gây tổn thương ADN khác như tia UV, X-rays hoặc các chất hóa học chì được cho là gây ra ức chế việc sửa chữa ADN và tăng cường gây độc cho gen bằng việc thay thế canxi và hoặc kẽm ở trong một số enzyme cần thiết cho quá trình tái bản, sao chép và sửa chữa ADN.

          Trong tiếp xúc với chì, đa hình di truyền trên gen mã hóa axit aminolevulinic dehydratase (ALAD) có thể làm thay đổi động dược học của chì dẫn đến sự thay đổi tính nhạy cảm của con người khi tiếp xúc với chì. Nhiều nghiên cứu đã điều tra về mối liên quan giữa đa hình gen ALAD với tính độc của chì. Các nghiên cứu đã cho thấy, kiểu gen đồng hợp tử ALAD1 liên quan đến hàm lượng ZP và ALA cao hơn so với kiểu gen ALAD2 khi phơi nhiễm chì ở nồng độ cao. Điều này gợi ý rằng kiểu gen đồng hợp tử ALAD1 có thể nhạy cảm trong quá trình chuyển hóa sinh học tổng hợp hem hơn là ALAD2. Thụ thể vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các kênh canxi có chức năng trong quá trình chuyển hóa xương và nó cũng tham quà quá trình apoptosis và một số quá trình ức chế miễn dịch. Đa hình của gen thụ thể vitamin D (VDR) cũng nhạy cảm đối với nồng độ chì trong máu của đối tượng chịu ảnh hưởng tiếp xúc với chì.

Phơi nhiễm với chì gây ảnh hưởng tiềm tàng đến sức khỏe người lao động cũng như cộng đồng. Việc giám sát sinh học và phát hiện sớm các tổn thương di truyền là rất cần thiết từ đó đưa ra các cảnh báo sớm, dự phòng sự phát sinh các bệnh tật sau này.

  Các nghiên cứu trước đây của các tác giả Việt Nam phần lớn mới chỉ tập trung khảo sát ô nhiễm chì ở môi trường lao động, khảo sát tình trạng sức khỏe, mô hình bệnh tật và các chỉ số tiếp xúc chưa có nghiên cứu nào của tác giả trong nước đề cập đến đánh giá tổn thương di truyền do ô nhiễm chì. Việc nghiên cứu các tổn thương vật chất di truyền sẽ đánh giá được nguy cơ tiềm tàng là nguyên nhân của các bệnh tật, ung thư... làm cơ sở đưa ra các khuyến cáo di truyền.

02439714361

Về đầu trang