08.05.2015 442
Liên quan vụ việc nhiều trẻ em bị nhiễm độc chì ở làng tái chế ắc quy Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), hôm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cùng chính quyền địa phương đã bàn giải pháp xử lý.
Các bên thống nhất phải khẩn cấp tái xét nghiệm chì cho trẻ em ở Đông Mai để xác định hiện trạng, trước mắt ưu tiên xét nghiệm cho 60 em bị nhiễm độc nặng hoặc có nguy cơ nhiễm nặng.
Lo ngại nhiễm độc chì ở người mang thai
Theo ông Khúc Chí Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Văn Lâm, bên cạnh 33 trường hợp nhiễm độc nặng đã được xét nghiệm, mới đây, xét nghiệm 150 trẻ ở Đông Mai thì 27 trẻ có tình trạng thiếu máu. Những em này cần được xét nghiệm chì khẩn cấp để xác định nguyên nhân thiếu máu. Với 33 trường hợp đã được xét nghiệm cũng cần xét nghiệm lại để xác định tình trạng nhiễm chì hiện tại do mức độ phơi nhiễm thay đổi theo thời gian. Trên cơ sở đó, nhanh chóng xây dựng kế hoạch thải độc chì khẩn cấp, hạn chế di chứng về sức khỏe, trí tuệ, tâm lý. “Sau hội nghị này phải dứt khoát làm ngay chứ không thể bàn rồi để đấy”, ông Thông nói.
Đồng thời, Đông Mai còn khoảng 300 trẻ cũng cần được xét nghiệm nồng độ chì trong máu.
Họp bàn giải pháp cho trẻ nhiễm chì ở Đông Mai sáng 7/5. Ảnh: Nguyễn Hoài
TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - đơn vị làm nhiều xét nghiệm chì cho trẻ ở Đông Mai cho rằng, cần can thiệp ngay với trẻ nhiễm chì nặng. Với 33 trẻ đã xác định nhiễm chì nặng và 27 trẻ thiếu máu, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường sẽ miễn phí xét nghiệm (mỗi mẫu xét nghiệm khoảng 800 nghìn đồng - PV). Trong tuần tới, các bác sĩ sẽ về địa phương lấy mẫu xét nghiệm chì cho các em. Dự kiến khoảng 10 ngày sau có kết quả.
Tuy nhiên, theo TS Hải, đây chỉ là biện pháp trước mắt. Sau khi xét nghiệm xong 60 em có nguy cơ cao cần mở rộng xét nghiệm cho các trẻ em khác vì về nguyên tắc tất cả trẻ em ở vùng phơi nhiễm phải được theo dõi. Ngoài ra, cũng nên mở rộng xét nghiệm sang các đối tượng khác, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Sau buổi làm việc này, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cùng Sở Y tế Hưng Yên sẽ xây dựng kế hoạch, có thể thành một đề tài nghiên cứu.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho biết, song song với giải pháp y tế, các giải pháp môi trường sẽ được thực hiện để giải quyết tận gốc vấn đề. Việc di dời 13 hộ còn tháo dỡ phế liệu trong làng ra khu tái chế tập trung, theo lãnh đạo xã Chỉ Đạo, sẽ thực hiện trong 2015. Sau khi di dời 12 hộ này, sẽ tiến hành xác định mức độ ô nhiễm trong đất, nước, không khí tại Đông Mai rồi khoanh vùng ô nhiễm, lựa chọn giải pháp, tiến hành xử lý. Công việc trên sẽ được đưa vào kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên năm 2016. Trước đó dự án “can thiệp giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm chì ở trẻ em làng Đông Mai” cũng tiến hành với 40 hộ dân và có hiệu quả bước đầu.
Ông Anh cho biết thêm, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tái chế chì tại Đông Mai - đối tượng gây ô nhiễm cũng phải có trách nhiệm trong quá trình khắc phục. Đại diện Công ty TNHH làng nghề Đông Mai, một trong hai doanh nghiệp tái chế chì trên địa bàn lại biện hộ rằng ảnh hưởng của ô nhiễm chì không như phản ánh “Tôi làm chì từ thời trẻ đến nay 70 tuổi vẫn khỏe mạnh bình thường”, vị này nói. Thực tế, ô nhiễm chì để lại di chứng nặng nề cho trẻ như chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, có em đần độn, ngờ nghệch.
Sau khi xét nghiệm xong 60 em có nguy cơ cao cần mở rộng xét nghiệm cho các trẻ em khác vì về nguyên tắc tất cả trẻ em ở vùng phơi nhiễm phải được theo dõi. Ngoài ra, cũng nên mở rộng xét nghiệm sang các đối tượng khác, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền phong)
http://khampha.vn/tin-nhanh/khan-cap-tai-xet-nghiem-chi-cho-tre-c4a329316.html
Về đầu trang