06.09.2016 361
ĐIỂM LẠI HIỆU QUẢ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
"Làm trong sạch bầu không khí do ô nhiễm bởi khói thuốc lá: tạo môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em" Tại Thị Xã Cẩm Phả - Quảng Ninh (2003 – 2005)
Nhân ngày thế giới không khói thuốc 31/5/2016
Sáng ngày 26/5, tại Hà Nội Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại của Thuốc lá đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế khới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ (25/5- 31/5). PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam lẫn nữ. Hơn 75% các ca tử vong ở nước ta hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính. Để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới và trong các đơn vị cần đưa ra các mục tiêu rõ ràng và có cam kết cụ thể. Đối với người không hút thuốc thì cam kết, phấn đấu không hút thuốc; người đang hút giảm hút và tiến tới bỏ thuốc lá; có khu vực hút thuốc lá dành riêng cho người hút thuốc tại các đơn vị cơ quan…
1. Tác hại của thuốc lá
Bệnh do thuốc lá gây nên trong thế kỷ 20 được coi là một trong những thảm họa y tế công cộng lớn nhất của thế kỷ, trong khi đó tỷ hệ hút thuốc giảm nhờ kiểm soát thuốc lá tốt, chắc chắn là một trong những thành công lớn nhất của y tế công cộng. Tuy nhiên, tiến độ hiện tại về kiểm soát thuốc lá vẫn chưa đủ nhanh và cần phải nỗ lực hơn nữa thì mới chấm dứt được nạn dịch thuốc lá. (Báo cáo của Tổng Cục trưởng phụ trách các vấn đề y tế công cộng. Atlanta, GA: Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ -2014). Thuốc lá khi đốt tạo ra hỗn hợp hóa chất chứa hơn 7.000 chất gây rất nhiều loại bệnh tật và tử vong sớm.
Các bệnh do hút thuốc lá chủ động
Ghi chú: Tình trạng bệnh lý màu đỏ là bệnh mới được cho là do hút thuốc gây ra, trong báo cáo này.
Các bệnh do hút thuốc lá thụ động
Ghi chú: Tình trạng bệnh lý màu đỏ là bệnh mới được cho là do hút thuốc gây ra, trong báo cáo này
2. Điểm lại hoạt động và hiệu quả của dự án "Làm trong sạch bầu không khí do ô nhiễm bởi khói thuốc lá: tạo môi trường lành mạnh an toàn cho trẻ em" giai đoạn 2003 – 2005.
2.1. Xuất xứ của dự án:
Do tính cấp thiết của việc phòng chống tác hại thuốc lá, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới tài trợ các dự án thí điểm về phòng chống hút thuốc lá thụ động ở trẻ em, tập trung vào 2 khu vực Châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Những nước được chọn là những nước có sự hợp tác vững chắc trong công tác bảo vệ môi trường và kiểm soát thuốc lá. Trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam và Trung Quốc đã được lựa chọn để thực hiện dự án.
Cơ quan chủ trì dự án: Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (nay là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường), Bộ Y tế.
Các cơ quan phối hợp: WHO tại Việt Nam, VINACOSH, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, UBND thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nơi triển khai dự án.
Các cơ quan phối hợp triển khai: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm giáo dục truyền thông tỉnh Quảng Ninh, UBND phường/xã nơi triển khai dự án, trạm y tế các phường/xã nơi triển khai dự án, trường phổ thông đóng trên địa bàn.
Các hoạt động của dự án: dự án được chia làm 2 giai đoạn
- Giai đoạn 1: điều tra thu thập số liệu hiện trạng
- Giai đoạn 2: can thiệp và đánh giá hiệu quả sau can thiệp
2.2. Chiến lược truyền thông của dự án
Dự án kế thừa các tài liệu tuyên truyền từ dự án COMBI đã được triển khai tại Hải Phòng để đưa việc truyền thông nhiều hơn cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn. Dự án sử dụng các kênh thông tin truyền thông trực tiếp và gián tiếp (Mô hình truyền thông dưới) để tiếp cận người hút thuốc, theo cách trực tiếp và nhắc đi nhắc lại.
- Kênh qua hệ thống loa phát thanh của các phường, hệ thống này đã có sẵn và các thông tin qua hệ thống này có thể đến được tất cả các hộ dân, đặc biệt là những gia đình không có đài phát thanh và vô tuyến.
- Kênh thông qua chính quyền khu phố, các hội và đoàn thể (cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên...)
- Kênh qua học sinh tiểu học đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều của hút thuốc thụ động và lời đề nghị của các em đối với người lớn không hút thuốc trong nhà rất có trọng lượng.
- Các hoạt động truyền thông trực tiếp sẽ phủ toàn bộ huyện với dân số 150.000 người, trong khi đó truyền thông gián tiếp sẽ tiếp cận đến những người dân trong cả tỉnh.
2.3. Tóm tắt một số kết quả nổi bật của dự án
· Nâng cao kiến thức về tác hại thuốc lá cho cộng đồng can thiệp
Dưới tác động của tổng hợp của các hoạt động tuyên truyền, kiến thức hiểu biết về tác hại của thuốc lá (THTL) của những người hút thuốc nói riêng và cộng đồng nói chung đã được nâng lên rõ rệt. Số người trong cộng đồng có hiểu biết về THTL tăng từ 66,31% (trước can thiệp) lên 97,69% (sau can thiệp), với p<0,001; OR=1,47 (1,45-1,50). Số người không hiểu biết về tác hại của thuốc lá giảm xuống từ 33.69% xuống chỉ còn 2.31%. Đặc biệt là kiến thức của những người hút thuốc lá - nhóm người trực tiếp chịu tác hại của thuốc lá cũng như làm ô nhiễm môi trường xung quanh đã có sự cải thiện rõ (tăng từ 50% lên 97.31%) gấp 1,95 lần so với trước khi triển khai dự án.
Mối quan tâm chính của dự án là những người hút thuốc lá thụ động. Vì thế mục tiêu của dự án đề ra là 85% số người lớn có hiểu biết về tác hại của hút thuốc thụ động. Kết quả điều tra cho thấy, số người biết được tác hại của hút thuốc lá thụ động tăng lên 32,09% so với trước can thiệp (từ 61,89% lên 93,98%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,001; OR=1,52 (1,49-1,55). Đây chính là một trong những thành công nổi bật của dự án. Kết quả này đã vượt mức dự án đề ra. Đặc biệt, số người hút thuốc có hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động tăng lên tới 39,43% (từ 55,24% lên 94,67%) với p<0,001; OR=1,66 (1,58-1,74).
· Nâng cao ý thức phòng tránh hút thuốc lá thụ động cho người xung quanh
Sau can thiệp kết quả khảo sát cho thấy những người hút thuốc cho rằng cần thiết và rất cần thiết tránh ảnh hưởng của khói thuốc tới người xung quanh tăng lên rõ rệt so với trước khi có các hoạt động tuyên truyền (từ 72,76% lên 88,39% ). Số người trước đây cho rằng không cần quan tâm giảm rõ với p < 0,001 (từ 17,78% xuống còn 1,23% khi hút thuốc ở nhà và 19,37% xuống còn 1,75% khi hút thuốc tại cơ quan). Số người cho rằng không nên hút thuốc ở nhà, trong phòng làm việc tăng gấp gần 3 lần so với trước khi các hoạt động tuyên truyền được triển khai (từ 18,10% lên 50,41% với thói quen hút thuốc ở nhà và 17,03% lên 47,88% với thói quen hút thuốc trong phòng làm việc). Số người cho rằng cần ra ngoài phòng làm việc khi hút thuốc tăng gấp 2,29 lần (từ 30,06% lên 70,36%), hút thuốc khi chỉ có một mình ở nhà tăng gấp 1,94 lần (30,63% lên 59,48%). Các hoạt động nhằm giảm thiểu các tác hại của khói thuốc tới người xung quanh đều tăng khoảng từ 2 lần trở lên so với trước khi triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền. Đặc biệt những người hút thuốc cho rằng không nên để gạt tàn thuốc ở nhà tăng gấp 4,56 lần so với trước đây (từ 9,81% lên 44,77%). Đây là một kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho việc giảm mức độ ô nhiễm không khí trong gia đình những người hút thuốc, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em.
· tỷ lệ dự định bỏ thuốc ở những người hút thuốc và khả năng thành công của họ trong tương lai.
Theo kết quả điều tra thực trạng, số người có ý định bỏ thuốc nhưng chưa thử bỏ hoặc đã thử bỏ nhưng không thành công chiếm 45,47% tổng số người hiện đang thút thuốc. Trong số những người đã từng bỏ thuốc, số bỏ thuốc thành công chỉ chiếm 46,41%. Đi sâu vào phân tích mối liên quan giữa hiểu biết về THTL với kết quả bỏ thuốc trong giai đoạn điều tra thực trạng, chúng tôi thấy rằng, hiểu biết về THTL có một vai trò đối với quyết định bỏ thuốc và hiệu quả của nó. Trong số những người đã từng bỏ thuốc có 63,16% là có hiểu biết về THTL và có tới 61,87% số này bỏ thuốc thành công. Có 36,84% số người bỏ thuốc không biết về THTL, và tỷ lệ bỏ thuốc thành công chỉ chiếm 19,91%.
Sau khi can thiệp, số người hút thuốc có ý định bỏ thuốc và đã thử bỏ chiếm 89,62% trong tổng số người hút thuốc. Số người dự định bỏ thuốc có hiểu biết về tác hại thuốc lá chiếm 98,91%. Lý do mà những người có ý định bỏ thuốc có nhiều thay đổi giữa trước và sau can thiệp. Muốn bỏ thuốc vì lý do sức khỏe tăng từ 53,70% lên 81,22% (với P<0,001; OR= 1,51(1,40-1,63)); do hiểu rõ tác hại thuốc lá tăng từ 51,58% lên 82,04% (p<0,001; OR= 1,59 (1,47-1,72)); Do tốn tiền tăng từ 20,51% lên 56,24% (p<0,001; OR= 2.74 (2,34-3,21)); do ảnh hưởng tới người xung quanh tăng từ 29,41 lên 33,36% (p=0.08). Đặc biệt, những người muốn bỏ thuốc để là gương cho con cái tăng rất nhiều, từ 10,71% lên 63,45% (p<0,001; OR= 5,92 (4,73-7,41)). Đây là quan niệm có chiều hướng tích cực giúp cho thế hệ trẻ nhìn nhận đúng hơn về tác hại của thuốc lá mà những người đáng quý như cha mẹ chúng là những tấm gương cũng quyết tâm bỏ thuốc.
Chúng tôi dự đoán, với hiểu biết và quyết tâm của những người đang hút thuốc có dự định bỏ thuốc, nếu được các cơ quan y tế và các cấp chính quyền tổ chức tư vấn tốt thì tỷ lệ bỏ thuốc thành công của họ trong tương lai sẽ rất cao.
· Tình hình hút thuốc và mức hút thuốc tại nhà, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá và việc thực hiện ký cam kết không hút thuốc trong nhà.
Mục tiêu của dự án đặt ra là giảm 70% số người hút thuốc trong nhà. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi nhận thấy rằng hoàn thành triệt để mục tiêu này không đơn giản. Nó đòi hỏi phải có thời gian để thay đổi thói quen giao tiếp của cộng đồng nói chung và thói quen hút thuốc đã tồn tại trong mỗi người hút thuốc Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi đã tiến hành triển khai từng bước. Trước tiên tiến hành tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng trong việc phòng chống THTL, tiến tới vận động các gia đình ký cam kết không hút thuốc và không để người khác hút thuốc trong nhà mình.
Tuy thời gian triển khai các hoạt động của dự án rất ngắn, chưa đủ thời gian cho việc thay đổi toàn bộ các hành vi của người hút thuốc trong cộng đồng, nhưng hiệu quả can thiệp đạt được rất khả quan. Số người bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc trong nhà tăng gấp 3,67 lần so với trước khi triển khai dự án (3,43% lên 12,60%). Đồng thời, số người có thói quen thường xuyên hút thuốc ở nhà cũng giảm hẳn (từ 47,66% xuống còn 11,37%) với p < 0,001; OR=0,24 (0,20-0,28), tỷ lệ người thường xuyên hút thuốc ở nhà đã giảm 76,14%.
Sự thay đổi mức độ hút thuốc tại nhà có ý nghĩa rất lớn, tác động tới tình trạng ô nhiễm môi trường bởi khói thuốc. Kết quả cho thấy, số trẻ em phải sống trong những gia đình còn có khói thuốc chưa giảm nhiều, nhưng mức độ tiếp xúc với khói thuốc thì đã giảm đáng kể. Trước can thiệp, số trẻ em có tiếp xúc với khói thuốc mức 2 chiếm 21,35%, sau can thiệp giảm xuống chỉ còn 13,79%. Từ mức 3 và mức 4 sau can thiệp chiếm tỷ lệ không đáng kể (0,18-0,25%) so với trước can thiệp (2,12- 1,2%). Sau khi can thiệp, không có trẻ em tiếp xúc với khói thuốc mức 5 - 6, trong khi trước can thiệp là 0,14 và 0,18%.
Các kết quả trên đây cho thấy với việc nâng cao kiến thức về tác hại của thuốc lá dự án đã đạt được thành công trong việc thay đổi thói quen và hành vi của người hút thuốc (số người không hút thuốc tại nhà tăng gấp 3,67 lần so với trước và giảm 76,14% số người thường xuyên hút thuốc tại nhà), dẫn đến giảm mức độ ô nhiễm không khí trong nhà, tạo môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em.
Giai đoạn cuối cùng của dự án là vận động các gia đình ký cam kết không hút thuốc tại nhà. Do được trang bị các kiến thức về THTL nói chung và tác hại hút thuốc lá thụ động nói riêng, cùng với sự vận động của con cái và các cán bộ tuyên truyền, 94% trong tổng số 34.456 hộ trong toàn thị xã Cẩm Phả ký cam kết. Nếu tính trên địa bàn 2 phường triển khai dự án có tới 98,35% thực hiện ký cam kết này. Đặc biệt với những hộ hiện còn có người hút thuốc, tỷ lệ ký cam kết đạt 98,44%. Có thể nói người dân đã có ý thức và quyết tâm cao trong việc tạo dựng một môi trường không khí lành mạnh trong ngôi nhà của mình. Mối thành viên trong cộng đồng (cả trẻ em và người lớn) sẽ tham gia vào việc kiểm soát, nhắc nhở người hút thuốc không hút tại nhà, thực hiện thành công mục tiêu của dự án là giảm số người hút thuốc không hút thuốc trong nhà.
· Đánh giá hiệu quả của việc phòng chống hút thuốc lá thụ động của trẻ em thông qua hàm lượng cotinine niệu.
Để đánh giá khách quan hơn về tình trạng ô nhiễm môi trường bởi khói thuốc, chúng tôi tiến hành xác định hàm lượng cotinine niệu ở các nhóm trẻ trong hộ có người hút và không hút trước và sau triển khai dự án. Hàm lượng Cotinine niệu phản ánh mức độ thâm nhiễm, hay nói cách khác là mức độ hút thuốc thụ động của trẻ em. (Glenn C. Wong, Barbara A. Berman, Tuyen Hoang, Coen Bernaards, Craig Jones, J. Thomas Bernert - 2002) Việc đánh giá về sự tiếp xúc thụ động của trẻ dựa trên hàm lượng cotinine niệu xác định được ở trẻ em, là dấu hiệu sinh học xác thực về tiếp xúc thụ động động với khói thuốc lá. (W K Al-Delaimy, J Crane and A Woodward -2002) hàm lượng nicotine trong tóc được đánh giá về mức tiếp xúc trong khoảng thời gian dài, trong khi đó hàm lượng cotinine niệu đánh giá sự tiếp xúc trong một giai đoạn ngắn; do vậy nó chịu ảnh hưởng nhiều về sự tiếp xúc biến động gần.
Kết quả cho thấy có sự giảm rõ rệt về hàm lượng cotinine niệu trung bình ở trẻ em trong toàn cộng đồng (hàm lượng trung bình từ 4,15 ± 17,28 mg/l trước can thiệp giảm xuống 1,54 ± 2,76 mg/l sau can thiệp) với p = 0,048. Hàm lượng cotinine niệu của nhóm trẻ có tiếp xúc với khói thuốc tại hộ gia đình sau triển khai dự án giảm nhiều so với trước can thiệp (từ 6,06 ± 22,45 mg/l xuống còn 1,72 ± 2,94 mg/l) với p = 0,05. Tỷ lệ trẻ em tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà có hàm lượng cotinine niệu vượt giới hạn sinh học đã giảm hẳn (từ 63,55% xuống còn 47,62%). sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p=0,0195; OR=0,75 (0,59-0,96). Với sự thay đổi về hàm lượng cotinine niệu của trẻ sau khi kết thúc dự án là một minh chứng khách quan cho việc cải thiện môi trường không khói thuốc ở trẻ cũng như tỷ lệ đạt được 98,44% số hộ có người hút thuốc ký cam kết không hút thuốc trong nhà.
· Hiệu quả gián tiếp của dự án (hiệu quả kinh tế )
Do việc giảm mức độ hút thuốc nên số tiền những người hút thuốc chi trong 1 ngày đã giảm đáng kể. Số người chi ra từ 5-10 ngàn đồng/1 ngày để hút thuốc giảm từ 12,52% xuống còn 3,04%; số người chi ra trên 10 ngàn VNĐ/ngày giảm từ 1,36% xuống còn 0,33%
Dựa vào tỷ lệ hút thuốc, số tiền chi để mua thuốc lá trong một ngày của những người hút thuốc thuộc diện điều tra trước và sau can thiệp, chúng tôi ước tính số tiền đã tiết kiệm được ở hai phường. Số tiền hút thuốc trong 1 năm trước can thiệp là 4.697,842 triệu VNĐ, sau can thiệp là 2.734,168 triệu VNĐ, số tiền đã tiết kiệm được là 1.963,67 triệu VNĐ. Số tiền này gấp 1,55 lần số tiền đầu tư của dự án (Kinh phí của dự án là 80.000 USD, tương đương 1.264.000.000 VNĐ)
Nhưng hiệu quả kinh tế của dự án không chỉ giới hạn ở 2 phường tiến hành điều tra. Các biện pháp tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện trên phạm vi toàn thị xã đã tạo ra cho mỗi người dân của thị xã Cẩm Phả có khả năng và cơ hội tiếp cận như nhau. Vì vậy tác động của nó tới tỷ lệ người hút thuốc và mức độ hút thuốc ở các phường sẽ không khác nhau nhiều. Trên cơ sở nhận định này, chúng tôi ước tính số tiền tiết kiệm được từ việc giảm tỷ lệ người hút thuốc và mức độ hút thuốc trên của toàn thị xã là 12.497,19 triệu VNĐ, gấp hơn 10 lần số tiền dự án đầu tư. Tuy nhiên, ở đây cũng có những đóng góp của các kênh truyền hình và báo chí trung ương với các chương trình tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian triển khai dự án.
3. Các kinh nghiệm rút ra từ dự án
Qua hoạt động của dự án cho thấy, để mô hình can thiệp phòng chống THTL đạt hiệu quả cao cần phải tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương, vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động của dự án. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện truyền thông như truyền hình, đài phát thanh, báo chí. Đặc biệt là tuyên truyền bằng pannô, áp phích, tờ rơi là các hình thức tuyên truyền không phức tạp, tốn kém mà hiệu quả mang lại rất cao. Số người biết được THTL qua panô, áp phích, tờ rơi tăng từ 10,22% trước can thiệp lên 74,58% sau can thiệp (p<0,001; OR= 7,30 (6,77-7,87)).
Nội dung tuyên truyền về phòng chống THTL không nên chỉ tập trung vào nâng cao hiểu biết về THTL mà cần phải tạo ra những thay đổi cơ bản trong quan niệm của người dân về người hút thuốc, coi nghiện hút thuốc thật sự là một căn bệnh, có tính nguy hại đối với cộng đồng, hành vi hút thuốc là biểu hiện không tốt về tư cách của người hút thuốc, từ đó hạn chế tỷ lệ hút mới và tăng tỷ lệ người bỏ thuốc, từng bước loại trừ triệt để những ảnh hưởng bất lợi của khói thuốc ra khỏi đời sống cộng đồng.
Đồng thời với các số liệu thu được về mức độ thấm nhiễm nicotine ở trẻ em cũng như việc chi phí tốn kém cho việc hút thuốc là những số liệu cụ thể, thực tế quý báu giúp cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn.
Qua kết quả điều tra của dự án cho thấy, nhu cầu bảo vệ môi trường trước sự ô nhiễm bởi khói thuốc lá là thiết thực và cấp bách. Đại đa số các thành viên trong cộng đồng đều ủng hộ các biện pháp nhằm phòng tránh ảnh hưởng của khói thuốc tới sức khoẻ con người, nhất là biện pháp cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Đây là cơ sở thực tiễn để ban hành và thực hiện thành công Luật cấm hút thuốc ở những nơi công cộng tại Việt Nam.
Về đầu trang