viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho trường học

17.03.2015 385

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có tới 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn, trong đó thường gặp nhất và có thể gây thành dịch là tiêu chảy cấp, dịch tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, cúm A(H5N1)... Ô nhiễm hóa chất có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc các bệnh tật trong dài hạn như ung thư. Ở Việt Nam, trong thời gian qua đã có không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở sản xuất, tại cộng đồng, nghiêm trọng hơn là trẻ em, học sinh trong trường học. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn đang rình rập các trường do việc cung ứng thực phẩm không an toàn như vụ việc được các cơ quan truyên thông phản ánh gần đây. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học cần phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

 Bữa ăn học đường (Ảnh báo Lao động)

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các trường cần củng cố, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh. Phân công nhiệm vụ cho thành viên (là cán bộ Y tế trường học) chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật, tập trung vào các nội dung sau:

1. Nguồn cung thực phẩm nhập vào

-      Nguồn cung cấp thực phẩm đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, có chứng từ, tên, địa chỉ cụ thể của người cung cấp và phải bảo đảm về chất lượng.

-      Các tổ chức, cá nhân được ký Hợp đồng cung cấp thực phẩm phải có địa chỉ, có tư cách pháp nhân, có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực.

-      Phải có sổ nhập xuất thực phẩm và được ghi chép đầy đủ: ngày giờ nhập, loại thực phẩm, đơn vị cung cấp, số lượng, các chỉ số cảm quan như màu, mùi, vị, trạng thái đạt hay không đạt và có chữ ký của người nhập.

-      Đối với thực phẩm đóng bao gói sẵn, phải có đủ thông tin về tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì.

2. An toàn vệ sinh thực phẩm nơi chế biến

-      Quy trình chế biến được bố trí theo nguyên tắc một chiều: khu vực tập kết, bảo quản, xử lý thực phẩm tươi sống, nguyên liệu - khu vực chế biến - khu vực phân phối thức ăn đã chế biến.

-      Dụng cụ sử dụng để chế biến, chứa thức ăn và phải được rửa sạch sẽ, để nơi khô ráo, cất giữ ở tủ kín tránh chuột, gián và các côn trùng có hại khác xâm nhập.

-      Có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

-      Có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải và bảo đảm phải kín, có nắp đậy; chất thải, rác thải phải được thu dọn, xử lý hàng ngày theo quy định; nước thải được thu gom trong hệ thống kín, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

-      Người chế biến thực phẩm, chia thức ăn có giấy chứng nhận đã được tập huấn về an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ, không bị các tổn thương ngoài da, bệnh ngoài da hoặc bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ lây nhiễm, thực hành tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay sau khi đi vệ sinh, chạm tay vào rác, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống, sau mỗi lần nghỉ…rửa tay trước khi chế biến, chia thức ăn; mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, găng tay; không để móng tay dài; không ăn uống, hút thuốc trong khi làm việc; không khạc, nhổ trong khu vực nấu nướng.

3. An toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, sử dụng thức ăn

-      Có sổ theo dõi thực phẩm chế biến. Sổ được ghi chép đầy đủ ngày/tháng, tên nguyên liệu đưa vào chế biến, cơ sở cung cấp, khối lượng, đánh giá bằng cảm quan nguyên liệu thực phẩm trước khi đưa vào chế biến, các món ăn được chế biến, đánh giá cảm quan từng món ăn trước khi cấp phát cho học sinh.

-      Chỉ sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.

-      Thực phẩm phải được làm sạch trước khi chế biến.

-      Thức ăn, thực phẩm, đồ uống phải được che chắn tránh ruồi, nhặng, gián, chuột và sự xâm nhập của các động vật khác.

-      Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến.

-      Chỉ sử dụng thức ăn, thực phẩm trong ngày, không sử dụng thức ăn, thực phẩm thừa; thức ăn sau chế biến nếu không được bảo quản mát (<5 độ C) sau 2 giờ phải nấu lại trước khi sử dụng.

-      Học sinh rửa tay bằng nước sạch (sử dụng vòi nước, không xả nước ra chậu để học sinh rửa chung) với xà phòng trước khi ăn.

-      Khay, bát đũa, dụng cụ chứa thức ăn phải được rửa sạch ngay sau khi ăn, bảo quản nơi sạch sẽ, khô ráo.

4. Lưu mẫu thức ăn

-      Có tủ lưu mẫu thức ăn hàng ngày.

-      Có sổ lưu mẫu thức ăn và được ghi chép đầy đủ: số suất ăn, dụng cụ lưu, ngày giờ lưu, người lưu, ngày giờ hủy, người hủy.

-      Khối lượng mẫu lưu:

     Các mẫu thức ăn dạng rắn (cơm, rau, xào, kho, trái cây, bánh ……) ≥ 150g.

     Các mẫu thức ăn dạng lỏng (canh, súp…), đồ uống ≥ 250ml .

Đối với các trường có hợp đồng cung cấp suất ăn chế biến sẵn cũng phải lưu mẫu, đảm bảo đủ khối lượng đối với mỗi món ăn.

-      Thời gian lưu: ít nhất là 24 giờ.

-      Điều kiện lưu: Mẫu lưu phải được đựng trong hộp kín, niêm phong, có nhãn ghi tên món ăn, ngày giờ lưu. Mẫu được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (0 độ C đến 5 độ C).

Bên cạnh đó nhà trường cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm đối với học sinh, thầy cô giáo và nhân viên trong nhà trường, đưa nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm vào các giờ hoạt động chung nhằm giúp học sinh tích cực tham gia giữ vệ sinh, rèn thói quen vệ sinh cá nhân để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học. Đồng thời các trường cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

02439714361

Về đầu trang