10.12.2014 540
Để đánh giá ảnh hưởng của chì đối với trẻ em, các bác sỹ phải tiến hành xét nghiệm nồng độ chì trong máu. Kết quả xét nghiệm thường được ghi là micro gam trong 1 đề xi lít máu (viết tắt là µg/dL)
Các ảnh hưởng của chì lên trẻ em thường xuất hiện khi mức chì máu thấp hơn so với người lớn do trẻ em nhạy cảm với độc tính của chì hơn. Ảnh hưởng của chì có thể dẫn đến những rối loạn về phát triển trí tuệ và thể lực, các rối loạn về thần kinh tâm lý, giảm tổng hợp hem và thiếu máu, tăng ngưỡng tiếp nhận âm thanh và giảm mức vitamin D trong máu. Các tác động thần kinh của chì lên đối với trẻ em được đặc biệt chú ý vì rối loạn về trí tuệ ở trẻ vẫn tiếp tục diễn ra sau khi mức chì trong máu đã giảm.
Ảnh hưởng đối với hệ thần kinh
Ở trẻ em, ảnh hưởng thần kinh do chì có thể xuất hiện khi mức chì máu từ 80-100µg/dL với biểu hiện bệnh lý não, bao gồm tăng kích thích, giảm khả năng tập trung, đau đầu, hay quên, buồn ngủ, co giật và hôn mê.
Ở nồng độ thấp, chì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ như giảm chỉ số thông minh (IQ), giảm khả năng chú ý, chậm nói, thay đổi hành vi, kết quả học tập giảm sút. Mức chì máu thấp nhất là 2µg/dL đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh trẻ em.
Trẻ em bị nhiễm độc chì có thể bị giảm thính lực, ngưỡng nghe của những em có mức chì máu là 20μg/dl tăng từ 10 – 20% so với những em có mức chì máu là 4 μg/dl.
Ảnh hưởng đến hệ thống tạo máu
Thiếu máu do hậu quả của việc giảm hemoglobin và thời gian sống của hồng cầu. Giảm tổng hợp hemoglobin có thể xảy ra khi mức chì máu là 40µg/dL đối với trẻ em (50µg/dL đối với người lớn). Trẻ em bị thiếu máu khi nồng độ chì máu 70mg/dL (người lớn là 80mg/dL).
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Trẻ em bị nhiễm chì có thể bị rối loạn tiêu hóa, với các biểu hiện như đau bụng, táo bón, buồn nôn, nôn, chán ăn và giảm cân khi mức chì máu trong khoảng 60-100µg/dL. Các triệu chứng cũng có khả năng xuất hiện ở 50% trẻ em có mức chì máu 20-45mg/dl.
Nhiễm độc chì còn làm cho trẻ em có nguy cơ bị sâu răng cao. Nếu mức chì máu tăng lên 5mg /dl thì nguy cơ sâu răng cao gấp gần 2 lần.
Tổn thương gan trong nhiễm độc chì cấp tính đã được báo cáo, nhưng ở nồng độ chì máu cụ thể ở mức nào thì chưa rõ.
Ảnh hưởng đến phát triển thể lực
Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ chậm lớn, chiều cao, vòng ngực, vòng đầu đều thấp hơn so với trẻ em không bị nhiễm độc chì.
Ngoài ra, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nếu như người mẹ bị nhiễm chì. Người mẹ có tiếp xúc nghề nghiệp với nồng độ chì máu ≥ 10 µg/dL có nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
2. Hướng điều trị nhiễm độc chì cho trẻ em
Đối với những trẻ em bị nhiễm độc mức trung bình và mức nặng (tức là có nồng độ chì máu ≥ 45µg/dL) cần phải được điều trị bằng các thuốc thải chì.
Trước khi điều trị, trẻ em được xét nghiệm lại mức chì máu, có thể kèm theo các xét nghiệm thăm dò thông thường như công thức máu (xác định thiếu máu), huyết đồ (xác định hồng cầu hạt ưa kiềm), một số xét nghiệm sinh hóa như u rê, đường, creatine, điện giải, AST, ALT, canxi, sắt, ferritin, tổng phân tích nước tiểu. Ngoài ra có thể khám đánh giá phát triển thể chất, trí tuệ.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xét nghiệm chì máu ở trẻ em làng Đông Mai |
Sử dụng các thuốc giải độc chì
Việc chỉ định thuốc gắp chì phải dựa trên nồng độ chì máu, tuổi và triệu chứng của bệnh nhân với mục tiêu giảm chì máu xuống dưới 20µg/dL.
Các thuốc gắp chì thường được sử dụng là dimercaprol (British anti-Lewisite, BAL), calcium disodium edetate (CaNa2EDTA) dùng cho trường hợp nhiễm độc nặng.
Ngộ độc chì trung bình, nhẹ ưu tiên dùng succimer (2,3-dimercaptosuccinic acid, DMSA). Khi không có hoặc không dùng được các thuốc trên thì dùng D-penicillamin.
Ngoài ra cần truyền dịch hoặc uống nước, thuốc lợi tiểu nếu cần để tăng lưu lượng nước tiểu. Bổ sung thêm khoáng chất như can xi, kẽm, sắt … (nhưng không bù sắt khi đang dùng BAL).
Trong quá trình điều trị, cần phải theo dõi liên tục các triệu chứng lâm sàng, tác dụng không mong muốn của thuốc, xét nghiệm chì máu, chì niệu trong và sau mỗi đợt điều trị. Ngoài ra, cần kiểm tra công thức máu, chức năng gan, thận, đường máu, điện giair, canxi, sắt, ferritin.
Sau khi điều trị, trẻ em cần phải tránh tiếp xúc với chì để không bị tái nhiễm.
Về đầu trang