viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Bệnh điếc nghề nghiệp

23.03.2017 1863

Bệnh điếc nghề nghiệp ( ĐNN) do tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trong thời gian dài tại nơi sản xuất, gây tổn thương không phục hồi ở cơ quan Corti tai trong.

1. Bệnh ĐNN do tiếng ồn tiến triển qua 3 giai đoạn

a. Giai đoạn thích nghi thính giác:

- Sau một thời gian tiếp xúc với tiếng ồn có hiện tượng thích nghi thính giác để tránh cho cơ quan thính giác khỏi bị tổn thương. Ở giai đoạn này ngưỡng nghe thường tăng lên (10-15dB) khi tiếp xúc với tiếng ồn. Khi ngừng tiếp xúc ngưỡng nghe lại nhanh chóng trở lại bình thường (sau 2-3 phút). Giai đoạn này khó phát hiện.

- Cơ chế của hiện tượng trên là do hệ thống xương ở tai giữa như xương búa, xương đe, xương bàn đạp co lại để giảm độ rung của xương hoặc giảm tác dụng truyền vào tai trong.

b. Giai đoạn mệt mỏi thính giác

- Giai đoạn này ngưỡng nghe tăng hơn giai đoạn trên (15-30dB). Thời gian hồi phục chậm .

- Cơ quan thính giác bắt đầu giảm cảm thụ với âm thanh (giảm sức nghe) nhất là các âm ở tần số 4000Hz. Nếu phát hiện được ở giai đoan này thì có thể can thiệp không cho hiện tượng phát triển đến giai đoạn điếc.

c. Giai đoạn điếc nghề nghiệp

Ở giai đoạn này có những tổn thương không phục hồi ở cơ quan Corti và dây thần kinh thính giác ở tai trong.

2. Triệu chứng lâm sàng:

ĐNN diễn biến rất chậm, thường là hàng chục năm mới phát hiện ra, được chia làm 3 giai đoạn như sau:

a. Giai đoạn mệt mỏi thính lực (mức nhẹ): 

 Chỉ giảm sức nghe với các âm có tần số cao, nhất là ở 4000Hz. Nếu do thính lực âm, chữ V thính lực chưa rõ tổn thương, khả năng nghe bình thường, nghe được tiếng nói thầm.

Các biểu hiện: ù tai, mệt mỏi. Giai đoạn này nếu ngừng tiếp xúc với tiếng ồn thì hồi phục được.

b. Giai đoạn tiềm tàng (mức trung bình): 

Giảm tính lực ở cả tần số cao 4000Hz và tần số trung bình 500-1000Hz. Đo thính lực âm thể hiện rõ điếc tiếp âm thể đáy. chữ V thính lực lõm xuống từ 40-50dB ở giai đoạn tần số từ 300-50000Hz, đỉnh là tần số 4000Hz

Khả năng nghe nói thầm giảm: Chỉ nghe được ở khoảng 2-3m trở lại

c. Giai đoạn điếc rõ rệt ( mức điếc nặng)

Biểu hiện điếc tiếp âm trên toàn thể loa đạo, ngưỡng nghe tăng cao ở tần số cao, tần số trung bình và cả ở tần số thấp. Khả năng nghe nói thầm chỉ còn từ 1m trở lại.

3. Cận lâm sàng

Đó là phát hiện sớm và có hệ thống sự giám thính lực để có cách xử lý thích đáng, dự phòng ĐNN.

a. Nghiệm pháp mệt mỏi tính giác:

Nghiệm pháp này cho phép xác định sự mệt mỏi thính giác hoặc khả năng phục hồi thính lực bằng cách xác định ngưỡng nghe ở 1024Hz, theo dẫn truyền đường khí và đường xương. Kết quả: bình thường tăng ngưỡng nghe <5dB; nghi ngờ: tăng 5-10dB; không bình thường: tăng >10dB.

b. Đo thính lực sơ bộ:

Dùng máy đo thính lực âm, đo ở tần số 1000Hz, đường khí. Đo định kỳ, nếu đối tượng giảm thính lực >50-60dB ở  4000Hz cần được đo thính lực hoàn chỉnh để phát hiện ĐNN.

c. Đo thính lực âm hoàn chỉnh:

Dùng máy đo thính lực âm hoàn chỉnh đã được chuẩn hóa, xác định ngưỡng nghe ở các tần số đối với các trường hợp nghi ngờ. Kết quả: có tổn thương cả đường xương và đường khí, đường biểu diễn trùng nhau.

Thính lực đồ huyết chữ V, đỉnh ở 4000Hz, hoặc trong khoảng 3000-6000Hz, điếc cả hai tai đối xứng.

Tính toán thiếu hụt thính lực (theo %) theo đường xương và theo bảng Fowler- Sabine.

4. Chẩn đoán ĐNN

a. Chẩn đoán xác định:

- Yếu tố tiếp xúc: Nơi lao động có tiếng ồn ≥84dBA. Nếu tiếng ồn có xung thì >80dBA, thời gian lao động được 3 tháng, mỗi ngày 6 giờ trở lên.

b. Triệu chứng lâm sàng:

- Mức nghe giảm cả hai tai

- Không nghe được các âm tần cao, tiếng nói nhỏ

- Không có tổn thương tiền đình như mất thăng bằng, chóng mặt

c. Đo thính lực hoàn chỉnh

* Chuẩn đoán phân biệt

+ Điếc tuổi già: Trên 40 tuổi, mỗi năm thính lực giảm 1/2dB. Đến 70 tuổi, giảm 20dB ở 4000Hz và 10dB ở 2000Hz. Điếc tuổi già vẫn tiến triển khi ngừng tiếp xúc với tiếng ồn công nghiệp.

+ Điếc do chấn thương sọ não, do hóa chất độc, do nhiễm khuẩn, do dược phẩm: Căn cứ vào tiền sử bệnh tật

+ Điếc do chấn thương âm: Chấn thương kèm theo áp lực bao giờ cũng có tổn thương tiền đình. Điếc do chấn thương âm không tăng lên như ĐNN

+ Viêm tai: Viêm tai giữa, Viêm tai xương, chũm là điếc truyền âm, có tổn thương màng nhĩ; Viêm tai trong: khó phân biệt, chỉ căn cứ hay kèm theo tổn thương tiền đình.

+ Xốp xơ tai: Cửa sổ bàn đạp bị xơ cứng, là điếc hỗn hợp cả truyền âm và tiếp âm

5 .Biện pháp chữa bệnh ĐNN

Đối với những người mệt mỏi tính giác do thường phải lao động ở nơi có tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép, có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi xen kẽ tại nơi làm việc, có phòng nghỉ yên tĩnh- hoặc có thể nghỉ ngơi dài ngày để phục hồi thính lực. Khi tiếp xúc với tiếng ồn phải có phương tiện bảo vệ cơ quan tính giác hữu hiệu.

Trong trường hợp giảm thính lực, cần đo thính lực để phát hiện ĐNN, đồng thời nếu chưa bị ĐNN thì cần được bố trí lao động ở nơi ít tiếng ồn để bệnh không tiến triển.


(Nguồn tin: Theo cuốn "Vệ sinh Lao động" NXB Khoa học & Kỹ thuật- năm 2010)

02439714361

Về đầu trang