viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Bảo vệ sự sống - Hãy vệ sinh tay

06.09.2016 1318

Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch “Vệ sinh tay toàn cầu” và yêu cầu các nước thành viên cam kết tham gia thực hiện. Tại Việt Nam, ngay năm đầu tiên chúng ta đã ký kết tham gia chiến dịch này và liên tục tổ chức Lễ phát động “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” vào ngày 05 tháng 5 hàng năm, nhằm phát động sâu rộng phong trào này tới tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc. Vệ sinh tay đã được quy định ngay tại Điều 1, Thông tư 18/2009/TT - BYT ngày 14/10/2009 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời vệ sinh tay còn được đưa  vào nội dung đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.

Hiện nay, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và cả hệ thống y tế. Vệ sinh tay của nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh là một trong những biện pháp hữu hiệu, đơn giản và rẻ tiền nhất để bảo vệ người bệnh cững như chính các nhân viên y tế trước nhiễm khuẩn bệnh viện, đây là một vấn đề ngày càng được mọi hệ thống y tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm. 

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm một bệnh nhiễm trùng mới. Việc bội nhiễm này một phần do chính nhân viên y tế không tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có tình trạng không chú ý đến rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân

Cũng theo WHO, tay bẩn của nhân viên y tế có chứa những loại vi khuẩn làm tăng tình trạng bệnh do nhiễm khuẩn ở bệnh nhân, hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Từ thực trạng này, tổ chức Y tế thế giới kêu gọi nhân viên y tế phải chú ý đến việc rửa tay thường xuyên hơn nữa bằng dung dịch sát trùng; nếu không có những dung dịch này thì nhất thiết phải rửa bằng xà phòng thường

Hưởng ứng Cuộc vận động toàn cầu tham gia Chiến dịch “Bảo vệ sự sống: hãy rửa tay”.Vệ sinh tay là một chương trình can thiệp đơn giản và có hiệu quả cao trong phòng ngừa nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế do Tổ chức Y tế thế giới phát động. Thông qua các hoạt động chủ yếu:

-  Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của nhiễm khuẩn liên quan đến các cơ sở y tế.

- Tăng cường các điều kiện vệ sinh bàn tay, tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh bàn tay nhằm thúc đẩy và cải thiện thực hành vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế.

Đến nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác vệ sinh tay tại đơn vị, điều này giúp cho các bệnh viện chủ động trong việc triển khai các hoạt động về vệ sinh tay, đưa công tác vệ sinh tay đi vào hoạt động thường quy, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Để thực hiện tốt công tác vệ sinh tay, việc cung cấp đầy đủ và thuận tiện các phương tiện vệ sinh tay là rất quan trọng. Trong đó, dung dịch sát khuẩn tay nhanh chứa cồn luôn có sẵn tại các vị trí chăm sóc người bệnh, tại các bệnh viện việc trang bị các bình xịt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh, lavabo rửa tay trong thời gian qua đã tăng lên. Tại xe tiêm, xe thủ thuật, việc trang bị bình xịt dung dịch sát khuẩn đã được bệnh viện thực hiện.

Ngoài ra, việc huấn luyện, đào tạo tại chỗ và đào tạo liên tục về kiến thức, thực hành vệ sinh tay là rất quan trọng. Tại cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện đào tạo cho tất cả nhân viên y tế của bệnh viện về vệ sinh tay, tối thiểu 1 lần/năm. Qua hoạt động này giúp nhân viên y tế hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh tay trong việc giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bộ Y tế kêu gọi các đơn vị trong ngành Y tế nhận thức tốt hơn, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của vệ sinh tay đối với sự kiểm soát bệnh dịch; làm tốt hơn công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng cùng thực hiện tốt vệ sinh tay.

* Tổ chức Y tế Thế giới quy định 5 thời điểm cần vệ sinh tay ở mỗi lần chăm sóc bệnh nhân gồm

            - Trước khi tiếp xúc bệnh nhân;

            - Trước khi làm thủ thuật vô trùng

            - Sau khi phơi nhiễm với dịch tiết bệnh nhân

            - Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân;

            - Sau khi tiếp xúc với vật dụng xung quanh bệnh nhân

* Quy trình rửa tay thường quy của Bộ Y tế

Nên rửa tay khi nào?

Mục đích của rửa tay thường quy là làm sạch và loại bỏ vi khuẩn vãng lai trên da tay, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì vậy, nên rửa tay vào các thời điểm sau:

             -  Trước khi mang găng.  

             -  Trước và sau khi khám, chăm sóc mỗi người bệnh. 

            -  Trước khi chuẩn bị dụng cụ, thuốc.  

            -  Trước khi chế biến hoặc chia thức ăn.  

-  Trước khi di chuyển bàn tay từ vùng cơ thể nhiễm khuẩn sang vùng sạch trên cùng một bệnh nhân.   

            -  Sau khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bệnh.

            -  Sau khi tiếp xúc với đồ vật nhiễm bẩn.

            -  Sau khi tháo găng.

            -  Khi có cảm giác hoặc nhìn thấy tay bẩn.

Cần chuẩn bị?

            -  Lavabo, vòi nước có cần gạt bằng tay hoặc bằng chân;

            -  Nước sạch;

            -  Xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khử khuẩn;

            -  Hộp đựng khăn lau tay sạch dùng 1 lần;

            -  Thùng đựng khăn lau tay bẩn.

Chú ý: Dùng xà phòng bánh phải dùng loại có chất diệt khuẩn và phải giữ cho bánh xà phòng luôn khô bằng cách đựng trong hộp có lỗ thoát nước ở đáy. 

Quy trình rửa tay thường quy

(Theo công văn số 7517/BYT-ĐTr ngày 12 tháng 10 năm 2007)

-  Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

-  Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

-  Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

-  Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

-  Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

-  Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Chú ý: Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.

Tác giả

Nguyễn Thị Bích Thủy

02439714361

Về đầu trang