viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Hỗ trợ chuyên môn và đánh giá năng lực xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên (23/05/2017)

26.05.2017 831

Ngày 23/5/2017 vừa qua, căn cứ nhu cầu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã cử đoàn cán bộ đến hỗ trợ chuyên môn và đánh giá năng lực xét nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên - một trong ba Trung tâm đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế công nhận Chuẩn quốc gia về Y tế dự phòng tuyến tỉnh/thành phố năm 2010.


Trao đổi và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Khoa Sức khỏe nghề nghiệp và lãnh đạo Khoa Sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học, đoàn công tác đánh giá Trung tâm đã thực hiện tương đối đầy đủ các hoạt động được giao trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học. Năm 2015, Phòng khám đa khoa của Trung tâm đã được cấp phép hoạt động tại quyết định số 41/QĐ-SYT ngày 05/6/2015 của Giám đốc Sở Y tế đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, tư vấn một số bệnh nội tiết, bệnh không lây nhiễm phổ biến trong cộng đồng và đặc biệt là triển khai các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.  

      Trung tâm đã tham mưu hiệu quả cho Sở Y tế ban hành hướng dẫn số 392/HD-SYT ngày 15/3/2017 hướng dẫn về việc phân cấp quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bản tỉnh Thái Nguyên. Trong tháng 4 năm 2017, Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ về y tế lao động cho 68 học viên làm công tác y tế trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong hoạt động quan trắc môi trường lao động, Trung tâm được trang bị tương đối đầy đủ các máy móc, thiết bị chuyên dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn. Trung tâm thực hiện tương đối tốt công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước của 41 cơ sở cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm khoảng 67,2% và sẽ gia tăng trong thời gian tới do Trung tâm đang tích cực thực hiện dự án về vệ sinh môi trường nông thôn với nguồn tài trợ từ World Bank. Công tác kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh trường học và các hoạt động y tế trường học khác được Trung tâm thực hiện tương đối tốt do có sự phối hợp của ngành Giáo dục. Việc duy trì thực hiện Chuẩn Quốc gia Y tế dự phòng tỉnh/ thành phố đã được Trung tâm thực hiện tương đối tốt.

      Mặc dù vậy trong quá trình duy trì Chuẩn và thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành, Trung tâm còn gặp một số những khó khăn về cơ chế và sự cạnh tranh thị trường trong phát triển cung ứng dịch vụ chuyên ngành; hạn chế trong thực hiện một số kỹ thuật chuyên môn sâu như kỹ thuật đếm sợi amiăng, xác định các dung môi hữu cơ trong không khí, phân tích các dung môi hữu cơ trong các mẫu sinh học, đọc phim kỹ thuật số, đánh giá các yếu tố tâm sinh lý lao động và ec-gô-nô-mi phục vụ chẩn đoán bệnh nghề nghiệp; trong công tác kiểm tra chất lượng nước, Trung tâm còn 07 chỉ tiêu nhóm B và hầu hết các chỉ tiêu nhóm C chưa thực hiện được; vai trò của Trung tâm trong công tác tác quản lý chất thải y tế còn chưa được thể hiện do hoạt động này hiện vẫn do Sở Y tế quản lý; kinh phí cho các hoạt động còn eo hẹp…


Trước thực trạng trên, Đoàn cán bộ của Viện đã tư vấn, chia sẻ các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại của Trung tâm liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành do Viện phụ trách. Trong đó, giải pháp ưu tiên giai đoạn tới là nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ của Trung tâm đặc biệt về chẩn đoán bệnh nghề nghiệp, và quan trắc môi trường lao động và các kỹ thuật xét nghiệm thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn tại Viện. Với một số kỹ thuật xét nghiệm chuyên ngành Trung tâm chưa thực hiện được, Trung tâm có thể gửi mẫu đến Viện để được hỗ trợ phân tích. Đoàn cán bộ của Viện cũng đưa ra kiến nghị Trung tâm cần có kế hoạch cụ thể, chủ động đề xuất nhu cầu hỗ trợ trình UBND tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan liên quan để duy trì tốt Chuẩn Quốc gia Y tế dự phòng.

Tại Khoa Xét nghiệm, các cán bộ chuyên môn của Viện đã kiểm tra, đánh giá năng lực xét nghiệm của Trung tâm YTDP tỉnh Thái Nguyên đối với 22 chỉ tiêu xét nghiệm gồm 12 chỉ tiêu hóa lý nước (xác định độ đục, độ cứng toàn phần, pH, chỉ số pecmanganat, chất rắn toàn phần, hàm lượng Amoniac, Nitrit, Nitrat, Sắt tổng số, Sulfat, Clo dư); 05 chỉ tiêu xét nghiệm về hóa không khí MTLĐ (NO2; NH3; O2; CO và CO2); 04 chỉ tiêu xét nghiệm vi sinh trong nước (xác định tổng số vi khuẩn Coliform bằng phương pháp màng lọc và MPN; xác định tổng số vi khuẩn E.coli bằng phương pháp màng lọc; xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí) và 01 chỉ tiêu xét nghiệm vi sinh trong không khí (Xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí). Kết quả đánh giá cho thấy: Khoa Xét nghiệm của Trung tâm đã có tư tương đối đầy đủ các thiết bị, hóa chất, chất chuẩn,... phục vụ cho hoạt động xét nghiệm. Hoạt động ngoại kiểm được Trung tâm thực hiện tường đối tốt. Tuy nhiên, Trung tâm cần hoàn thiện hơn nữa về hồ sơ quản lý chất lượng xét nghiệm, các quy trình hướng dẫn, các SOPs và cần tiến hành thường xuyên hơn công tác nội kiểm. Về nhân lực các cán bộ xét nghiệm đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong thực hiện kỹ thuật xét nghiệm đối với các chỉ tiêu đã đăng ký. Căn cứ kết quả đánh giá, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên đủ năng lực thực hiện và đạt tiêu chuẩn kiểm tra cho 22 chỉ tiêu xét nghiệm nêu trên./.



Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang