viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam

01.03.2019 467

Sáng ngày 27/02/2019 tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ Y tế long trọng tổ chức Lễ Phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam theo Quyết định 1092/ QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

 

 Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động

 

Tham dự Lễ Phát động tại điểm cầu Trung ương có: đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; ông Park Hang-seo, Huấn luyện viện trưởng Đội tuyển bóng đã Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương,  địa phương; đại diện các các tổ chức quốc tế.

Tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo hơn 700 điểm cầu UBND các tỉnh thành phố; các cơ quan thông tấn báo đài Trung ương, địa phương dự và đưa tin cho sự kiện.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Lễ

 

Phát biểu Khai mạc và giới thiệu tóm tắt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: để Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống; nhằm nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam kèm theo Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018 với những mục tiêu chính như sau:

- Mục tiêu 1: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, với các nhóm giải pháp: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực.

- Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng với các nhóm giải pháp: phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

- Mục tiêu 3: Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân với các nhóm giải pháp: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, sức khỏe người lao động.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam có những thuận lợi: Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy và chính quyền các cấp. Vì  vậy, mạng lưới y tế nước ta được phát triển rộng khắp, kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi; chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt gần đây đã tăng nhanh sự hài lòng của người bệnh, đổi mới cơ chế tài chính gắn với bao phủ bảo hiểm y tế (87,7%); đạt và vượt một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về lĩnh vực y tế, tuổi thọ người dân khá cao so với nhiều nước có cùng mức thu nhập, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tuy nhiên, Chương trình sức khỏe Việt Nam đang gặp phải những khó khăn và thách thức:

Thứ nhất, người dân chỉ quan tâm đến khám chữa bệnh khi đã có bệnh, chưa chú trọng đến nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh, tật khi khả năng điều trị còn có hiệu quả tốt.

Hơn thế nữa, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với  già hóa dân số, sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện là nguyên nhân của hơn 70% số tử vong do các nguyên nhân. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm thường được phát hiện muộn, ước tính có tới gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người mắc đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh. Nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối trong khi 1/3 ung thư có thể dự phòng chữa khỏi nếu phát hiện sớm, 1/3 ung thư có thể được kéo dài cuộc sóng nhờ can thiệp của các phương pháp điều trị, 1/3 ung thư có thể dự phòng nhờ phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

Để thực hiện Chương trình này nhằm chăm sóc sức khỏe cho hơn 95 triệu người dân, không để ai ở lại phía sau. Nguồn lực này chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước thông qua các chương trình có mục tiêu rất hạn hẹp vì Quỹ bảo hiểm chỉ có khả năng chi trả cho khám, điều trị khi đã mắc bệnh và đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đưa ra một số giải pháp đồng bộ, quyết liệt đó là:

- Mỗi người dân phải chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình như như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước/ngày, tập thể dục giữa giờ; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tiêm chủng đầy đủ, cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật và tử vong.

- Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và sự hợp tác quốc tế. Trước tiên và quan trọng là cần có chương trình giáo dục truyền thông sức khỏe rộng rãi để mọi người dân và toàn xã hội quan tâm đến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần cùng với sự phát triển kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

- Về tài chính, cần đổi mới cơ chế để có đủ các nguồn lực cho thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam. Trong khi ngân sách còn hạn hẹp, huy động các nguồn lực từ thuế rượu, bia, thuốc lá, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp của mỗi cá nhân để góp phần thực hiện thành công Chương trình này. Trước mắt, mỗi người dân cần được đo huyết áp, đường huyết ít nhất 2 lần/năm, thí điểm thực hiện khám sức khỏe (xét nghiệm sinh hóa, siêm âm 1 lần/năm, sàng lọc sớm một số loại bệnh ung thư, đặc biệt đối với đối tượng có yếu tố nguy cơ).

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi Lễ

 


Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi Lễ

 

Tại buổi Lễ, các đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã có bài phát biểu về “Phong trào rèn luyện thể lực, hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe”; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có bài phát biểu về nội dung “ Chương trình đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường thể lực, vệ sinh cá nhân cho trẻ em, học sinh, sinh viên”.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chương trình Sức khỏe Việt Nam một sự kiện rất có ý nghĩa nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02. Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. “Dân cường thì nước thịnh”. Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội, là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển thịnh vượng và bền vững của nước ta. Để có được sức khỏe tốt, Bác Hồ rất coi trọng đến việc rèn luyện sức khỏe và chế độ ăn uống, Bác dạy: “Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với sự nỗ lực của Ngành Y tế, các Ban Ngành, Đoàn thể và của toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng và đã đạt 75,6 tuổi, đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Singapore. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 22,1 phần ngàn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm chỉ còn 14,1%. Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập và dịch bệnh lớn xảy ra; đồng thời lĩnh vực khám chữa bệnh đã phát triển được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới góp phần cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo… Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, tôi biểu dương sự nỗ lực và chúc mừng những thành tựu to lớn mà toàn Ngành Y tế đã đạt được, nhất là những thành tích vượt trội, toàn diện trong năm 2018.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 02 tháng 9 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức cùng xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Để thực hiện Chương trình, đồng chí Thủ trướng Chính phủ đề nghị các Bộ/Ngành liên quan cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền với nội dung thiết thực, đa dạng về  hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe; đồng thời vận động, hướng dẫn người dân có kiến thức và biết tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền các hành vi lối sống thường ngày có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Hai là, cần bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở, để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật; được tư vấn, hướng dẫn về sức khỏe, đồng thời được chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, đặc biệt là với người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe theo vòng đời, ngay từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi về già.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt chú trọng đến các chính sách về thuế, quảng cáo nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh, nhất là đối với trẻ em.

 Khuyến khích sản xuất, kinh doanh cung cấp và tiêu thụ thực phẩm an toàn, sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường và phát triển thể dục, thể thao cho mọi người.

Để thực hiện tốt các nội dung nêu trên, đưa Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào cuộc sống, trở thành những việc làm thường xuyên, thiết thực hằng ngày của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư, đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu:

Các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí theo chức năng, nhiệm vụ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình này.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đưa các chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội chỉ đạo, triển khai và phối hợp để tuyên truyền, vận động, huy động toàn dân tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

 

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

 

Tại lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam đồng chí Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mỗi người chúng ta hãy bắt đầu ngay việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng xã hội. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia. Tích cực vận động thể lực thông qua các hình thức như đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, ít nhất đo huyết áp 6 tháng một lần và xét nghiệm đường máu 1 năm 1 lần…

 

Ông Park Hang-seo, Huấn luyện viện trưởng Đội tuyển bóng đã Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

 

Tại buổi Lễ, các đại biểu đã được nghe nội dung “ Vai trò rèn luyện thể lực và chế độ ăn đối với phát triển thể chất và sức khỏe nói chung và trong bóng đá nói riêng do Huấn luyện viện trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam trình bày.

Ngay sau buổi Lễ Phát động,  đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phát lênh chương trình đi bộ, đi xe đạp hưởng ứng phong trào tăng cường vận động thể lực. Tổ chức đoàn đi xe đạp diễu hành mang cờ, phướn có các thông điệp về sức khỏe, ô tô gắn loa phát thanh các thông điệp đi theo một số trục đường chính và các tuyến phố trên các trục đường quy định.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

 


Ngay sau Lễ Phát động các đồng chí Lãnh đạo cùng các đại biểu đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm đường máu để tuyên truyền cho người dân quan tâm phát hiện sớm bệnh tật./.

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang