29.04.2017 1699
NHIỄM ĐỘC BENZEN VÀ CÁC ĐỒNG ĐẲNG
(TOLUEN VÀ XYLEN) NGHỀ NGHIỆP
ThS. Đinh Thục Nga
Khoa Bệnh nghề nghiệp,
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
Benzenlà chất lỏng dễ bay hơi, ít hòa tan trong nước nhưng rất dễ hòa tan trong dung môi hữu cơ, trong dầu khoáng và dầu thực vật, động vật. Việc sử dụng benzene trong công nghiệp đã được cấm từ những năm 70 của thế kỷ 20. Ở Việt Nam, theo quy phạm nhà nước số 108 LB/QĐ ngày 30/3/1977, cấm dùng benzen để làm dung môi pha chế sơn. Nếu do yêu cầu công nghệ đòi hỏi phải dung benzen thì hàm lượng của nótrong dung môi không được quá 10%. Song thực tế benzen vẫn tồn tại trong môi trường lao động mặc dù ở những nồng độ rất nhỏ do nó là sản phẩm tự nhiên có trong dầu mỏ, trong thành phần than đá không thể tách hết được.
Tiếp xúc hàng ngày với benzen ở những nồng độ thấp trong thời gian dài vẫn có nguy cơ nhiễm độc hoặc tổn thương hệ tạo máu. Theo tiêu chuẩn vệ sinh lao động số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế: nồng độ tối đa cho phép của benzen trong môi trường lao động là 5mg/m3 không khí tính trung bình 8 giờ làm việc, với toluen và xylen đều là 100 mg/ m3; với benzen từng lần tối đa là 15mg/m3, toluen và xylen đều là 300 mg/m3
Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng là bệnh nhiễm độc do tiếp xúc với benzen hoặc đồng đẳng của benzen (toluen, xylen) trong quá trình lao động.
Những ngành nghề phải tiếp xúc với benzene và các đồng đẳng như:
- Khai thác, chế biến dầu mỏ;
- Khai thác, chế biến, tinh luyện các chất benzen và đồng đẳng của benzen;
- Sử dụng benzen và các đồng đẳng của benzen để điều chế dẫn xuất;
Nghề, công việc khác có tiếp xúc với benzen và đồng đẳng của benzen.
Khi tiếp xúc nghề nghiệp với Benzen và các đồng đẳng của benzen(toluen, xylen) có thể gây bệnh nhiễm độc cấp tính và mạn tính.
Trong nhiễm độc cấp tính thường dựa vào nồng độ benzen hoặc đồng đẳng của benzen (toluen, xylen) trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ngắn cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh lao động.
Nhiễm độc benzen cấp tính:thường có các biểu hiện lâm sàng như kích ứng da, mắt và đường hô hấp với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn và thậm chí tử vong. Diễn biến thay đổi theo nồng độ benzen trong môi trường lao động và thời gian tiếp xúc
Nhiễm độc toluen và benzen cấp tính: có thể có các triệu chứng sau:
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, lẫn lộn, mất ý thức, hôn mê, mất trí nhớ;
- Giảm sức nghe;
- Viêm phổi;
- Bỏng, viêm kết mạc, giác mạc, mù màu;
- Viêm gan nhiễm độc;
- Viêm cầu thận (do toluen);
- Tổn thương tim mạch: Gây loạn nhịp tim như ngoại tâm thu, các loạn nhịp nhanh như nhanh trên thất, rung nhĩ, nhanh thất.
- Các triệu chứngkhác tùy theo nồng độ và thời gian tiếp xúc.
Nhiễm độc mạn tính:Nồng độ benzen hoặc đồng đẳng benzen (toluen, xylen) trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc theo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Bệnh vẫn có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc 1 tháng và có thể phát bệnh sau khi đã ngừng tiếp xúc sau 15 năm
Đối với Benzen có thểcó các triệu chứng sau:
- Rối loạn cơ quan tạo máu không ác tính: Tăng hoặc giảm sản tế bào máu và các triệu chứng lâm sàng kèm theo;
- Bệnh bạch cầu cấp;
- Bệnh u lympho không Hodgkin;
- Ảnh hưởng lên hệ sinh sản: gây đột biến ở tế bào mầm.
Với toluen, xylen có thể có các triệu chứng sau:
- Bệnh lý não mạn tính (do nhiễm độc dung môi hữu cơ trong đó bao gồm cả toluen và xylen):trầm cảm, dễ cáu giận, giảm sự tập trung chú ý, giảm trí nhớ, giảm tập trung, mất năng lực trí tuệ nghiêm trọng... ảnh hưởng tới hoạt động xã hội hoặc kỹ năng công việc.
- Gan to;
- Tổn thương ống thận (do toluen);
- Tổn thương tim mạch.
Trên xét nghiệm cận lâm sàng
Nhiễm độc benzen: Axit t,t-muconic niệu > 0,5 g/g creatinin, hoặc axit S-phenylmercapturic niệu > 25 mcg/g creatinin.
Nhiễm độc toluen:Toluene máu trước ca làm việc cuối cùng của tuần làm việc >0,02 mg/L hoặc toluene niệu cuối ca làm việc > 0,03 mg/L hoặc O-crezon niệu > 0,3 mg/g creatinin.
Nhiễm độc xylen: axit metyl hyppuric niệu > 1,5 g/g creatinin.
Các biện pháp dự phòng
Bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp cũng giống như những bệnh nghề nghiệp khác là rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Vì vậy, công tác dự phòng vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Biện pháp kỹ thuật:
- Lắp đặt các trang thiết bị thông hút gió hệ thống và cục bộ làm giảm nồng độ benzen trong không khí môi trường lao động. Nhà xưởng thông thoáng, đảm bảo vệ sinh.
- Sử dụng dây chuyền sản xuất kín.
Biện pháp y tế:
- Khám tuyển : lựa chọn người lao động vào các vị trí phù hợp với tình trạng sức khoẻ theo tiêu chuẩn quy định.
- Giám sát chặt chẽ nồng độ benzene trong không khí môi trường lao động định kỳ hàng năm.
- Giám sát vệ sinh an toàn lao động, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo và công nhân về ATVSLĐ- PCBNN
- Khám bệnh nghề nghiệp, giám sát sinh học định kỳ hàng năm theo quy định của Bộ Y tế.
Biện pháp cá nhân:
- Trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định đối với từng vị trí lao động.
- Chấp hành nội quy an toàn lao động và Vệ sinh lao động khi làm việc. Vệ sinh cá nhân sau khi hết ca.
- Cấm rửa tay bằng benzen hoặc các dung môi khác có chứa benzen. Không được ăn uống trong khi làm việc tiếp xúc với benzen.
Về đầu trang