16.05.2018 473
TS Trương Hồng Sơn khẳng định việc không có tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ là nguyên nhân chính khiến thảm họa Y tế lớn nhất trong lịch sử xảy ra.
Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai sau một tuần tạm hoãn, với những băn khoăn của dư luận về việc bác sĩ Hoàng Công Lương liệu có đáng phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này?
Bs Hoàng Công Lương(đứng giữa)
Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn với báo Điện tử Trí Thức Trẻ, khẳng định việc không có một tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ là nguyên nhân chính khiến cho tai nạn này xảy ra.
PV: Cho đến thời điểm trước phiên tòa xét xử vụ án chạy thận, đang có hai góc nhìn hoàn toàn khác nhau: trong khi VKS cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương có tội, nhưng dư luận thì ủng hộ bác sĩ Lương và mong chờ phán quyết vô tội cho vị bác sĩ trẻ này. Còn ông , quan điểm của anh là gì?
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn: Vì chúng ta đều không được tiếp cận hết các hồ sơ và các bằng chứng đầy đủ. Nên việc đưa kết luận về việc ai có tội, ai không có tội lúc này là quá sớm. Nhưng có mấy điểm sau, nhìn từ góc độ chuyên môn, tôi có thể khẳng định: BS Hoàng Công Lương không có tội và không thể bị tuyên án!
Vì về nguyên tắc, pháp luật không thể xử người không có tội. Trong giai đoạn đầu sau khi vụ án xảy ra, có lúc tôi nghĩ có thể BS Lương có những sai sót về mặt hành chính, ví dụ như có thể chưa nhận bàn giao thiết bị trước khi chạy thận.
Nhưng đến thời điểm này, biên bản bàn giao giữa phòng vật tư và đơn nguyên thận nhân tạo đã được các luật sư công bố trước truyền thông, thì không còn lý do gì để tòa án có thể kết tội với bs Lương được nữa.
Bs Hoàng Công Lương không phải là người thiếu tinh thần trách nhiệm, không mắc lỗi về chuyên môn của một người bác sĩ (theo kết luận của hội đồng chuyên môn), cũng không phải là người chịu trách nhiệm cho chất lượng máy móc, thiết bị.
Thế thì không có lý do gì, không có cách nào để kiểm tra những lỗi sai trong quy trình. Nên xử BS Lương có tội trong chuyện này sẽ gây bức xúc lớn cho toàn thể cán bộ y tế.
TS Trương Hồng Sơn - Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam
Nhưng trong phiên tòa này, hầu hết chúng ta, cả người trong cuộc và ngoài cuộc chỉ đang quan tâm đến vấn đề cá nhân BS Hoàng Công Lương, quan tâm đến việc kết tội người này, không kết tội người kia, mà quên mất rằng, mấu chốt của vấn đề vẫn còn, đó là lỗi hệ thống của cả ngành Y tế trong lĩnh vực thận nhân tạo nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, đó mới là điều cần phải thẳng thắn đối diện.
PV: Ý ông là sao, khi nói về lỗi hệ thống của ngành Y tế trong sự cố này?
TS Trương Hồng Sơn: Thật ra, ở BVĐK Hòa Bình chưa bao giờ có một tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ cho đến trước thời điểm xảy ra sự cố. Nếu có cái gọi là quy trình thì đó là một quy trình rất thiếu và lỏng lẻo.
Việc này không chỉ xảy ra ở BVĐK Hòa Bình, mà còn phổ biến ở nhiều BV khác. Cũng chưa có một quy trình thận nhân tạo chính thức và hoàn thiện của Bộ Y tế phổ biến đến từng bệnh viện.
Sau khi sự cố chạy thận khiến 8 người chết xảy ra ở Hòa Bình gần một năm, Bộ Y tế mới ra hướng dẫn về quy trình chạy thận nhân tạo vào tháng 4-2018 với 52 quy trình kỹ thuật chi tiết. Trước đó, Bộ Y tế chỉ đưa ra quy trình đối với quả lọc thận, chứ chưa từng nghĩ đến những quy trình cần có để đảm bảo an toàn cho nguồn nước RO.
Nên hầu hết các bệnh viện không có, chỉ từ một vài bệnh viện lớn như BV Bạch Mai, vì Bạch Mai có đủ khả năng, có đủ chuyên môn, có các chuyên gia, có nguồn tài liệu nước ngoài để tham khảo, cũng như có cả hội đồng thẩm định. Bạch Mai xây dựng quy trình về chạy thận nhân tạo và coi đó là tài liệu lưu hành nội bộ.
Nên sau khi sự cố xảy ra, Bộ Y tế lấy quy trình của Bạch Mai xây dựng để đưa cho các tỉnh ngành, và chỉ đưa ra quy trình chính thức vào tháng 4.2018. Tất cả đến lúc đó mới giật mình vì hóa ra bao năm nay chúng ta đã chạy thận nhân tạo cho hàng triệu lượt người bệnh mà không hề có quy trình an toàn đầy đủ.
PV: Trước cuộc phỏng vấn này, theo tôi được biết thì không một ai ở Bộ Y tế chính thức phát ngôn về lỗ hổng này?
TS Trương Hồng Sơn: Mỗi khi có một sự cố xảy ra, chúng ta phải phân tích: nó xảy ra ở đâu? Trong thời gian nào? Trong giai đoạn nào của quy trình? Vì sao lại xảy ra? Có những ai tham gia?
Các sự cố trên thế giới, có đến 70% là do hệ thống, do quy trình có vấn đề, chứ lỗi cá nhân chỉ chiếm 30%.
Trong sự cố chạy thận ở Hòa Bình cũng vậy, tôi cho rằng lỗi hệ thống chính là lỗi nghiêm trọng nhất dẫn đến tai họa này: Chúng ta đã không cung cấp đủ cho các bệnh viện những quy trình chuẩn, thống nhất, chi tiết để bệnh viện áp dụng, cũng như hướng dẫn các bệnh viện, tạo ra cho họ cơ chế đã kiểm soát việc áp dụng những quy trình chuẩn đó.
Tôi khẳng định, nếu việc này được thực hiện, sự cố chạy thận ở Hòa Bình sẽ rất khó xảy ra.
Khi giảng bài cho các bác sỹ ở các tỉnh, tôi hay nói về hình ảnh mà phòng ngừa sự cố y khoa đều biết là hình ảnh của miếng phô mai Thụy Sĩ.
Trên thực tế từng khâu vận hành đều có thể có sai lầm. nhưng nếu quy trình được thực hiện với nhiều lớp bảo vệ thì 1 hàng rào bảo vệ bị chọc thủng thì sẽ có lớp hàng rào khác ngăn chặn, một cá nhân mắc lỗi, thì những khâu khác trong quy trình vẫn kịp thời xử lý lỗi đó.
Nhưng khi mà chúng ta không có một quy trình chuyên nghiệp như thế, thì chúng ta sẽ phải trả giá với mỗi sai lầm của từng cá nhân cụ thể, vì những sai lầm này không được phát hiện kịp thời, tạo ra những sai lầm khác, tạo ra lỗ hổng giống như những miếng phô mai Thụy Sĩ.
Thế là sự cố y khoa xảy ra, lọt qua tất cả các lớp bảo vệ, và chúng ta phải trả giá cho nó – trong câu chuyện ở Hòa Bình, cái giá đó là mạng sống của 8 bệnh nhân.
Tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo có 52 quy trình kỹ thuật – là một quy trình rất phức tạp và đầy đủ, lẽ ra phải có từ trước như một lẽ đương nhiên, nhưng nó chỉ thực sự ra đời sau khi chúng ta phải đối mặt với thảm họa lớn nhất ngành Y.
Tiến sĩ Sơn
Hay như năm ngoái, đoàn của Tổng hội Y học VN đi thực tế ở các địa phương, tôi nhận ra là ví dụ như ở An Giang, có tình trạng là một số bệnh viện huyện điều trị bằng phác đồ Đông y rất nhiều, vượt trội hẳn so với Tây y.
Nhưng khi chúng tôi hỏi giám đốc bệnh viện về chất lượng của phác đồ Đông y đó, ông giám đốc ấy nói phác đồ do khoa Y học cổ truyền đưa ra, mà bản thân giám đốc học về Tây y thì không thể thẩm định được về quy trình cũng như chất lượng của phác đồ đó. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu phác đồ đó gây ra những tai biến trong khám chữa bệnh?
Sự cố y khoa ở các nước hiện nay cũng đang rất lớn, ví dụ tại Mỹ khoảng 44.000- 98.000 người tử vong/năm. Và nếu quy theo số dân thì Việt Nam có thể đang đối mặt với việc tử vong khoảng 35 người/ngày do các sự cố y khoa. Con số đó thật kinh khủng! 2/3 trong số đó đến tự các lỗi hệ thống bao gồm sự thiếu hụt và thiếu kiểm soát các quy trình.
Nên cũng giống như sự cố ở Hòa Bình, tôi cho rằng, chúng ta cần nghĩ và giải quyết một câu hỏi lớn hơn: Còn bao nhiêu quy trình dang dở như vậy trong ngành Y? Còn bao nhiêu hiểm họa có thể rình rập bệnh nhân về các lỗ hổng quy trình như thế? Còn bao nhiêu quy trình chúng ta cần hoàn thiện trước khi có những thảm họa như ở Hòa Bình xảy ra?
Đó là công việc mà chúng ta cần giải quyết để rút ra bài học, tránh những hiểm họa về sau. Nếu không thì không phải một BVĐK Hòa Bình mà nhiều bệnh viện lớn khác, không phải một mình bác sĩ Lương mà sẽ còn nhiều bác sĩ nữa trở thành nạn nhân của những thảm họa này.
Không chỉ có 8 nạn nhân mà có thể sẽ là 80 nạn nhân hoặc nhiều hơn nữa phải chết oan ức vì những lỗ hổng này.
Đó là lý do tôi nghĩ mình cần lên tiếng. Trên thế giới người ta có yêu cầu rất ngiêm ngặt về việc công bố các sự cố y khoa, ngoài chuyên xử lý sự cố đó, còn có mục đích để rút ra bài học cho những lần sau.
Trong sự cố y khoa ở Hòa Bình, chúng ta đã bỏ qua, chưa nói đến những lỗi hệ thống khiến cho sự cố xảy ra. không một ai, kể cả ngành Y tế lên tiếng, đối diện với lỗ hổng hệ thống này, mà tôi vốn cho rằng đây sẽ là mấu chốt vấn đề chúng ta phải rút ra được sau vụ án, sau tai nạn đau thương đó, chứ không phải chỉ đơn thuần là đổ trách nhiệm đó cho ai, kết tội đó cho ai.
PV: Nếu như những thông tin của ông về quy trình là đúng, thì bác sĩ Hoàng Công Lương chính là nạn nhân của một quy trình lỏng lẻo đã tồn tại bao năm qua trong ngành Y tế?
TS Trương Hồng Sơn: Tôi cho là vậy! Tôi phát biểu như điểm này với tư cách là 1 bác sỹ đồng thời là Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam!
Tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra phát ngôn này, vì nó có thể động chạm đến không ít người. Sở dĩ đến tận thời điểm trước phiên tòa tôi mới lên tiếng là vì tôi cố gắng tự lùi lại, để quan sát, cân nhắc mọi sự việc, mọi bằng chứng, mọi thông tin xung quanh vụ án, tránh để rơi vào tình huống thiên vị.
Nhưng dù có nhìn theo cách nào, tôi vẫn thấy không có lý do gì chúng ta kết tội BS Lương; và cũng không có lý do gì chúng ta trốn tránh những sai sót của ngành Y tế trong việc đã tạo ra những lỗ hổng để khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm và khiến những người bác sĩ trong ngành đối diện với nguy cơ nghề nghiệp.
Những sự cố y khoa nếu không chấn chỉnh để giảm thiểu sẽ ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của ngành Y. Càng sửa sớm thì hiểm họa gặp phải sẽ càng ít.
PV: Ông nghĩ gì về việc Bộ Y tế chưa một lần nào thừa nhận về trách nhiệm và xin lỗi về việc không cung cấp cho các bệnh viện một quy trình an toàn sau vụ án chạy thận?
TS Trương Hồng Sơn: Theo tôi, đó không phải là câu chuyện xin lỗi hay không xin lỗi. Câu chuyện là chúng ta biết vì sao chúng ta sai, vì sao chúng ta mắc lỗi và sửa những lỗi đó.
Việc của Bộ Y tế là phải nhìn thẳng vào những lỗi sai của mình trong vụ án này và có trách nhiệm xây dựng một quy trình đầy đủ, hoàn thiện với tất cả các chuyên ngành của mình.
Dĩ nhiên, một mình Bộ Y tế trong một thời gian ngắn không thể nào đảm đương hết việc xây dựng quy trình, vì nó đã tồn tại quá nhiều sự thiếu hụt của rất nhiều các chuyên khoa và đó là một khối lượng công việc khổng lồ.
Nhưng Bộ Y tế phải có trách nhiệm đưa ra yêu cầu xây dựng và chỉ đạo việc xây dựng hoàn thiện các quy trình. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cầm trịch, có trách nhiệm giao cho các hội chuyên ngành phối hợp với các bệnh viện Trung ương tuyến đầu của các chuyên khoa xây dựng. Vì đó sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành, giúp quy trình được xây dựng hoàn thiện, chính xác.
Đó là việc Bộ Y tế nhất định phải làm. Nếu không phải Bộ Y tế phát động thì Hội chuyên ngành không làm được. Nếu không phải Bộ Y tế làm thì các bệnh viện nhỏ không có cách nào làm được vì họ không đủ chuyên gia, khả năng tham khảo các tài liệu cập nhật….
PV: Để xây dựng một quy trình hoàn thiện như thế với từng chuyên ngành, Bộ Y tế sẽ phải mất bao nhiêu thời gian?
TS Trương Hồng Sơn: Đó chắc chắn không thể là việc đơn giản. Để ra một quy trình này, cần rất nhiều công đoạn.
Mà việc xây dựng các quy trình trong ngành Y, từ lâu chúng ta đã không có sự quan tâm đúng đắn, nhất là trong hoàn cảnh các thiết bị y tế bùng nổ như hiện nay, các quy trình có sẵn của Bộ Y tế càng ngày càng trở nên lạc hậu so với tốc độ hiện đại của các thiết bị y tế.
Nên nếu Bộ y tế không thay đổi cách làm, nếu tự nhận hết tất cả các phần việc đó, tự tổ chức xây dựng quy trình và mời các chuyên gia phản biện, thì Bộ Y tế thực sự không có cách nào để làm và tiến độ sẽ rất chậm chễ. Cách làm sẽ là Bộ giao cho từng Hội chuyên ngành, và mỗi hội chuyên ngành đó sẽ có trách nhiệm hoàn thiện quy trình của ngành mình.
Nhưng Bộ Y tế phải đặt hàng cho từng Hội Chuyên ngành đó, phải giao việc cho họ. Sau đó việc của Bộ Y tế sẽ là tổ chức thẩm định, thông qua rồi những quy trình hoàn thiện đó cho các bệnh viện, coi đó là quy trình thống nhất trong toàn quốc, và sau mỗi thời gian vẫn phải cập nhật lại trong điều kiện khoa học kỹ thuật thay đổi liên tục.
Hiện nay Tổng hội Y học Việt Nam đang có 48 hội chuyên khoa, nghĩa là hàng ngàn chuyên gia hàng đầu của các chuyên ngành. Chúng ta phải huy động lực lượng chuyên gia này tham gia tích cực trong một vài năm tới thì mới mong bít được lỗ hổng về hệ thống.
Quy trình cần được xây dựng trong cả một quá trình. Nên trong thời điểm này, không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục mạo hiểm, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ phải giảm thiểu các sai sót cá nhân và chờ đợi quy trình đó hoàn thiện.
Mỗi ngày chúng ta hoàn thiện hơn về quy trình, thì hiểm họa cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ càng ít. Nhưng nếu không làm gì, thì hôm nay là BVĐK Hòa Bình, ngày mai có thể là một bệnh viện khác. Điều đó còn khủng khiếp hơn nhiều.
Thà muộn còn hơn không làm gì. Đối diện với vấn đề là cách duy nhất mà ngành Y có thể lựa chọn. Đó là quan điểm của tôi với câu chuyện này.
PV: Xin cảm ơn ông với những chia sẻ thẳng thắn của mình!
Nguồn: Cao đẳng y dược HCM
Về đầu trang