viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tham gia công tác kiểm tra chất luợng nước sạch tại Hà Nội.

21.04.2015 299

Thực hiện chỉ đạo của Bộ y tế về việc tăng cường giám sát công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã cùng với đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ Y tế tiến hành kiểm tra chất lượng nước tại Hà Nội.

   Tham gia đoàn kiểm tra của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường có TS. Doãn Ngọc Hải-Viện trưởng, BS. Nguyễn Hữu Hạnh-Phó trưởng khoa Vệ sinh sức khỏe môi truờng, Th.s Lê Thái Hà-Phó trưởng khoa XN&PTKTC cùng các chuyên gia khác trong Viện.

   Theo phân công, đoàn đã tới kiểm tra và lấy mẫu nước tại 7 nhà máy nước (NMN) (NMN Tương Mai, Gia Lâm, Lương Yên, Pháp Vân, Nam Dư, Hạ Đình, Hà Đông) và 3 trạm cấp nước (TCN) (TCN Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân) trên địa bàn Hà Nội.

 

Đoàn kiểm tra lấy mẫu tại nhà máy nước Hà Đông.


Lấy mẫu nước tại trường tiểu học Tương Mai.

   Ngoài ra đoàn kiểm tra còn tiến hành kiểm tra tình hình vệ sinh nơi lưu giữ nước và lấy mẫu nước tại một số hộ gia đình thuộc 3 quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm và quận Hoàng Mai.

   Mỗi mẫu nước được phân tích 107 chỉ tiêu theo qui chuẩn Việt Nam (QCVN 01:2009/BYT) tại khoa Xét nghiệm và PTKTC của Viện.

   Kết quả cho thấy tất cả các mẫu nước đều đạt tiêu chuẩn về mặt vi sinh. Tuy nhiên, về mặt hóa lý, mẫu nước lấy tại NMN và TCN không đạt chỉ tiêu pecmanganat (75% mẫu nước tại NMN, 100% mẫu nước tại TCN), hàm lượng amoni (75% mẫu NMN,  33,3% mẫu TCN) và hàm lượng clo dư thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 01:2009/BYT (100% mẫu NMN và TCN).

   Tương tự, đối với mẫu nước hộ gia đình lấy tại 3 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai có khoảng 32,8% mẫu nước không đạt về chỉ số pecmanganat, 19,7% mẫu không đạt chỉ tiêu amoni và 100% mẫu nước có hàm lượng clo dư dưới ngưỡng cho phép theo QCVN 01:2009/BYT.

   Điều này có thể giải thích như sau: do đặc điểm địa chất, nước ngầm Hà Nội có hàm lượng amoni và hàm lượng chất hữu cơ khá cao (chỉ số pecmanganat), lượng clo dư trong nước sẽ kết hợp/phản ứng với amoni tạo thành cloramin có tính khử trùng yếu hơn hoặc kết hợp với một số chất hữu cơ có trong nước tạo thành hợp chất clo hóa nên có thể nhà máy đưa một lượng clo lớn vào để khử trùng nước nhưng lượng clo chưa đủ kết hợp và xử lý đối với amoni và các chất hữu cơ trong nước dẫn đến hàm lượng clo dư bị giảm xuống trong khi hàm lượng một số chỉ tiêu khác vẫn cao hơn tiêu chuẩn.

   Nhìn chung, nước cấp cho hộ gia đình an toàn cho mục đích sinh hoạt. Các hộ gia đình có thể sử dụng thiết bị lọc nước than hoạt tính, RO để xử lý nước từ bể chứa của mình để phục vụ cho mục đích ăn uống. Khuyến cáo các hộ gia đình nên uống nước đã được đun sôi.

   Trong đợt kiểm tra – giám sát chất lượng nước vừa qua, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã đáp ứng kịp thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ Y tế phân công, cung cấp kịp thời kết quả phân tích chất lượng nước và tổng quan tình hình xử lý – vệ sinh nguồn nước tại các cơ sở cung cấp nước và tại hộ gia đình cho Bộ Y tế.

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang