viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Phương pháp xử lý và tiêu hủy đối với từng loại chất thải rắn y tế

12.05.2015 1925

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ VÀ TIÊU HUỶ ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI CHẤT THẢI RẮN Y T

1. Xử lý chất thải sắc nhọn

-         Sử dụng máy cắt bơm kim cơ khí hoặc máy phá hủy bơm kim tiêm

-         Chôn lấp phần kim loại sắc nhọn trong hố chôn lấp (Không khuyến khích)

hố chôn bê tông (bể đóng kén) thích hợp để xử lý chất thải sắc nhọn. Thông thường, hố chôn có kích thước 1m x 1m x 1,8m (chiều sâu phụ thuộc vào mực nước ngầm). Thành và đáy hố sử dụng vật liệu chống thấm: HDPE, bê tông xi măng,… mỗi lớp chất thải sắc nhọn đưa xuống được ngăn cách nhau bằng một lớp đất với chiều dày tối thiểu 10cm cho đến khi đầy hố. Sau khi đầy, đắp lớp đất phủ trên cùng với độ dốc khoảng 1%. Vị trí hố chôn đặt cách li nguồn cung cấp nước và khu vực công cộng, bố trí hàng rào ngăng cách và biển báo.

2. Chất thải giải phẫu, nhau thai

Việc xử lý chất thải giải phẫu, nhau thai ở nhiều địa phương đôi khi thực hiện theo tập quán văn hóa, theo phong tục địa phương. Có hai phương pháp xử lý truyền thống là:

-         Mai táng (chôn cất) trong nghĩa trang.

-         Thiêu đốt trong lò thiêu đốt.

3. Chất thải dược phẩm

Trước khi xử lý, chất thải dược phẩm phải được phân loại và dán nhãn. Chất thải dược phẩm có thể được phân loại theo dạng bào chế (chất rắn, bột, chất lỏng, bình xịt) hoặc theo thành phần hoạt chất, phụ thuộc vào các phương pháp xử lý.

Một số phương pháp xử lý với một lượng nhỏ chất thải dược phẩm:

-         Đóng gói và chôn cất trong một bãi chôn lấp hợp vệ sinh;

-         Xử lý theo khuyến nghị của nhà sản xuất.

Thuốc kháng sinh hoặc thuốc độc tế bào không được xả thải ra hệ thống thoát nước hoặc kênh rạch.

Một số phương pháp xử lý với một lượng lớn chất thải dược phẩm:

-         Đóng gói và chôn cất trong một bãi chôn lấp hợp vệ sinh;

-         Đốt trong lò thiết kế để đốt chất thải công nghiệp vận hành ở nhiệt độ cao.

4. Chất thải gây độc tế bào

Chất thải gây độc tế bào rất nguy hiểm và không được phép chôn lấp. Các biện pháp xử lý bao gồm:

-         Đốt ở nhiệt độ cao

-         Tiêu hủy hóa học theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để phá hủy hoàn toàn các chất gây độc tế bào nhiệt độ đốt yêu cầu lên đến 1200°C và thời gian lưu khí tối thiểu trong buồng thứ cấp là 2 giây. Các lò đốt phải được trang bị thiết bị xử lý khí thải. Không được phép đốt các chất thải gây độc tế bào trong các lò đốt chất thải đô thị, lò đốt một buồng đốt hoặc đốt ngoài trời.

Trường hợp không thể đốt ở nhiệt độ cao thì có thể sử dụng biện pháp đóng gói hoặc trơ hóa các chất độc hại tế bào. Thủy phân kiềm và một số công nghệ mới có thể có những ứng dụng phá hủy các chất thải gây độc tế bào.

5. Chất thải hóa chất

Các biện pháp lưu trữ và xử lý an toàn như sau:

-         Chất thải hóa học nguy hại có các thành phần khác nhau nên được lưu giữ riêng để tránh phản ứng hóa học không mong muốn.

-         Với một lượng lớn, chất thải hóa học không được phép chôn lấp, bởi vì chúng có thể bị rò rỉ từ các thùng chứa, do thùng chứa sẽ bị ăn mòn phá hủy theo thời gian, gây ô nhiễm nguồn nước.

-         Với một lượng lớn hóa chất khử trùng không được phép đóng rắn, bởi vì chúng có thể ăn mòn bê tông và tạo ra khí dễ cháy.

Tốt nhất, các chất thải phải được xử lý trong các cơ sở có chức năng và năng lực xử lý.

6. Chất thải có chứa kim loại nặng

Một số chất thải y tế chứa kim loại nặng hàm lượng cao như cadmium từ pin, và thủy ngân từ nhiệt kế, v.v. Chất thải có chứa thủy ngân hoặc cadmium không được phép đốt. Cadmium và thủy ngân bay hơi ở nhiệt độ tương đối thấp và có thể gây ô nhiễm môi trường không khí.

Chất thải chứa kim loại nặng được xử lý bằng cách chôn trong các bãi chôn lấp được thiết kế cho chất thải công nghiệp nguy hại.

7. Chất thải phóng xạ

Bơm kim tiêm dùng một lần chứa chất phóng xạ phải được làm sạch hết chất thải tại một địa điểm được chỉ định cho việc xử lý chất thải lỏng phóng xạ. Bơm kim tiêm sau đó phải được lưu giữ trong một hộp chứa chất thải sắc nhọn, để cho chất thải còn sót lại phân rã, trước khi xử lý tiếp theo.

Chất thải rắn y tế có chứa phóng xạ không được phép khử trùng bằng quá trình nhiệt ướt hoặc lò vi sóng.

Chất thải có mức phóng xạ cao, chu kỳ bán rã ngắn (ví dụ như iodine 131) và các chất lỏng có không thể hòa tan trong nước (như dung dịch kiểm đếm phóng xạ beta), cần được lưu giữ phân rã trong các thùng chứa được lót chì cho đến khi cường độ phóng xạ phát ra giảm đến mức cho phép.

8. Chôn lấp chất thải y tế

8.1. Chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải đô thị

a. Chất thải y tế chưa qua xử lý

-         Nếu cơ sở y tế thiếu các phương tiện để xử lý chất thải trước khi chôn lấp, việc sử dụng bãi chôn lấp là một lựa chọn thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trước hết phải có sẵn bãi chôn lấp thải đô thị được vận hành có kiểm soát. Nếu có bãi chôn lấp chất thải đô thị, chất thải y tế có thể được tiếp nhận xử lý an toàn bằng một trong hai cách:

-         Đào một hố nông phía trên lớp chất thải dưới cùng trong bãi đã chôn lấp chất thải đô thị (tốt nhất là đã chôn được 3 tháng), đổ chất thải y tế vào hố, phủ chất thải đô thị xung quanh (tốt nhất chiều dày phủ là 2m) để ngăn không cho các loại động vật ăn xác thối chất moi thải y tế đã chôn lên.

-         Đào hố sâu từ 1- 2m trong bãi đã chôn lấp chất thải đô thị (tốt nhất là đã chôn được 3 tháng), sau khi đổ chất thải y tế vào, lấp lại bằng chất thải vừa được đào lên, sau đó phủ thêm lớp đất ngăn cách trung gian dày khoảng 30cm, hoặc phủ lớp đất mặt dày khoảng 1m. Ngăn không cho thu nhặt phế liệu trong bãi chôn lấp này.

b. Chất thải y tế đã qua xử lý

Trong trường hợp chất thải y tế đã được xử lý, phần còn lại thường được tiêu hủy tại các bãi chôn lấp như chôn lấp chất thải đô thị.

Một số loại chất thải y tế, như chất thải giải phẫu không được phép chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải đô thị. Các chất thải này phải được chôn trong các nghĩa trang quy định hoặc hỏa táng.

Tro xỉ từ quá trình đốt chất thải y tế được coi là chất thải nguy hại do có chứa kim loại nặng và có thể chứa cả dioxin và furan. Tốt nhất tro xỉ được xử lý trong các bãi chôn lấp chất thải nguy hại.

8.2. Chôn lấp an toàn tại cơ sở y tế

Các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa không có các điều kiện xử lý, thì chôn lấp an toàn chất thải tại cơ sở y tế là giải pháp được lựa chọn để thực hiện. Yêu cầu về chôn lấp an toàn tại cơ sở y tế như sau:

-         Chỉ có người có trách nhiệm mới được ra vào khu vực chôn lấp chất thải.

-         Đáy hố chôn lấp phải được lót bằng vật liệu ít thẩm thấu như đất sét để ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm và giếng nước gần đó.

-         Giếng nước không được đào gần hố xử lý.

-         Chỉ chất thải y tế lây nhiễm mới được chôn.

-         Với lượng lớn chất thải hóa học (<1 kg) không được chôn cất tại cùng một lần, chôn với số lượng nhỏ ít có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

-         Các hố chôn lấp phải được quản lý như một bãi chôn lấp, mỗi lớp chất thải phải được phủ một lớp đất để ngăn chặn mùi hôi, động vật và côn trùng tiếp xúc với chất thải.

Chôn lấp tại chỗ an toàn là có thể thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn (1-2 năm), và với lượng chất thải tương đối nhỏ (5-10 tấn). Khi mà những vượt quá điều kiện này, giải pháp lâu dài phải xử lý tại bãi chôn lấp ngoài cơ sở y tế.

Nguyễn Thị Bích Thủy

(Khoa Vệ sinh và Sức khỏe môi trường)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bộ Y tế, Hướng dẫn áp dụng công nghệ không đốt xử lý chất thải rắn y tế, 2103.

2.      Bộ Y tế, Hướng dẫn vận hành lò đốt chất thải y tế;

3.      Bộ Y tế, Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện (dự thảo), 2013;

4.      Bộ y tế, Tài liệu đào tạo liên tục kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế tuyến y tế cơ sở;

5.      Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế Quản lý chất thải y tế;

6.      Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09 tháng 8 năm 2013 của Bộ Y tế về Hướng dẫn công tác đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế;

7.      Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về Quản lý chất thải nguy hại;

8.      QCVN 55:2013/BTNMT ngày 31/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm

9.      Health Care Waste Management Manual - Philipinne

10. Medical Waste Management in Developing countries. World Health Organization, 1994.

11. Medical Waste Management. ERS, WHO/EUROPE.1997.

12. WHO, Safe management of wastes from health-care activities, 2nd edition (2013).

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang