viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361

Nhà tiêu hai ngăn sinh thái VinaSanres

25.04.2015 1650

1. Khái niệm

Nhà tiêu sinh thái VinaSanres (Vinasanres Eco-San Toilet) là kiểu nhà vệ sinh được nhóm nghiên cứu trong dự án VinaSanres của Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang thiết kế dựa trên hoại hình nhà tiêu 2 ngăn sinh thái. Loại hình nhà tiêu với cải tiến đặc biệt đó là bệ tiêu được đúc sẵn bằng sứ tráng men hoặc nhựa composit.

2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động

Nhà tiêu sinh thái VinaSanres bao gồm:

- Hố chứ phân dạng 2 ngăn được xây và trát kín bằng xi măng.

- Cửa lấy làm kín hoàn toàn.

- Ống thông hơi là bộ phận quan trọng của nhà tiêu, có tác dụng làm giảm mùi hôi bên trong nhà tiêu, góp phần làm thoát nhanh hơi nước trong hố chứa phân và khống chế ruồi nhặng.

- Bệ tiêu đúc sẵn bằng sứ hoặc vật liệu composit.

- Thân nhà tiêu có thể được làm bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tranh tre, nứa, lá (lá dừa, lá dứa…). Hoặc xây nhà bao tre bằng gạch và tô trát.

3. Nguyên lý hoạt động

Nhà tiêu hai ngăn sinh thái vinasanres có hai ngăn, một ngăn sử dụng, một ngăn ủ phân, thay đổi nhau khi đầy, phân và nước tiểu được dẫn đi theo 2 đường phân biệt. Máng dẫn nước tiểu sẽ được nối với một ống nhựa PVC chuyển ra ngoài và được hứng bằng một cái thùng hoặc xô. Nước tiểu sẽ được đem "ủ hoai" dùng để bón cây trồng. Có nắp đậy lỗ tiêu để tránh ruồi muỗi, vật nuôi chui vào ngăn chứa phân; có ống thông hơi để tránh mùi hôi thối khi đang sử dụng. Chỉ đi tiêu vào 1 lỗ, lỗ kia đậy kín (có thể trét xi-măng non cho kín). Đậy kín lỗ tiêu sau khi đi tiêu để giảm mùi hôi và ngăn không cho ruồi vào. Khi phân trong ngăn thứ nhất đầy cách miệng hố phân khoảng 50mm thì dừng sử dụng, đổ thêm chất độn và đóng kín nắp lỗ tiêu để ủ. Đồng thời, chuyển sang dùng ngăn thứ hai.

4. Ưu nhược điểm và điều kiện áp dụng

Ưu điểm

- Tiêu diệt được mầm bệnh một cách hiệu quả nếu sử dụng và bảo quản đúng quy cách, khô ráo, sạch sẽ, không phải dùng nước để dội

- Chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật xây dựng và vận hành đơn giản

- Có khả năng ứng dụng khi cải tạo các nhà vệ sinh đã có

- Phù hợp với tập quán sử dụng phân trong nông nghiệp.

- Bệ tiêu thiết kế bằng vật liệu composit, rất đơn giản, gọn nhẹ giá thành thấp.

- Bệ tiêu với bề mặt trơn láng, độ dốc nước cao nên nước tiểu chảy ra ngoài được hết, không đọng nước tiểu ở máng.

Nhược điểm

- Nhược điểm của loại hình nhà tiêu này là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước và đất, tuổi thọ công trình ngắn, luôn phải đảm bảo đủ chất độn, chỉ áp dụng được chủ yếu ở các vùng nông thôn, đặc biệt ở những nơi người dân có nhu cầu sử dụng phân.

Điều kiện áp dụng

Địa điểm xây dựng nhà tiêu hai ngăn sinh thái vinasanres phải đảm bảo:

- Nền đất cao, không bị ngập lụt khi mưa to.

- Phải cách nguồn nước ít nhất 10m.

- Cách mực nước ngầm không dưới 1,5m.

5. Hướng dẫn xây dựng

Ngăn chứa phân: Kích thước ngoài (bao gồm cả tường): dài 1930mm, rộng 1220mm, cao 840mm. Nền ngăn chứa phân phải đảm bảo chắc chắn, không nứt, lún để giữ cho khô ráo, giòi bọ không thể đục khoét hoặc chui vào được. Có thể dùng gạch vỡ, đá dăm nhỏ 50-70mm trộn đều với cát, đầm kỹ. Nền ngăn chứa cao hơn mặt đất tối thiểu 70mm để tránh nước mưa tràn vào và dễ lấy phân ra. Thành ngăn chứa phân là kết cấu chịu lực chủ yếu của nhà tiêu nên phải đạt yêu cầu vững chắc, không nứt, không thấm nước. Thành ngăn chứa xây bằng gạch nung tốt (loại 1), dùng vữa xi măng cát mác 75 và trát phẳng dày 10mm. Khi xây tường ngăn giữa hai ngăn chứa, hàng gạch trên cùng có chừa lại một lỗ (khoảng ½ viên gạch) để hai ngăn thông nhau và chỉ cần một ống thông hơi chung cho cả hai ngăn.

Cửa lấy phân: Một ngăn chứa phân có cửa lấy phân ở phía sau hoặc hai bên hông nhà vệ sinh, kích thước 250x300mm. Cửa lấy phân phải có gờ để đậy nắp được dễ dàng. Gờ được tạo bằng cách dùng ½ viên gạch lỗ, đặt đứng theo tường bể chứa, chừa lại khe bằng độ dày tấm cửa. Đổ tấm cửa lấy phân bằng xi măng lưới thép, dày khoảng 30mm, đầu trên có móc sắt để rút ra, đưa vào cho dễ. Bậc lên xuống nhà tiêu cao không quá 210mm, kích thước trước và sau tối thiểu 250mm.

Ống thông hơi: Có thể dùng ống nứa, bương hoặc ống nhựa uPVC có đường kính tối thiểu 90mm, cao hơn mái nhà tiêu tối thiểu 400mm để thoát được hơi nóng và mùi hôi ở hố chứa phân khi sử dụng. Đối với ống nứa, ống bương phải chọc thủng mắt và không làm vỡ, dập ống. Một đầu ống được đặt ngay dưới sàn nhà tiêu, đưa sâu vào không gian hố chứa phân khoảng 50-70mm; đầu trên đưa cao lên trên mái nhà, đầu ống được lắp cút hình chữ T hoặc hình chóp nón để chắn nước mưa và có lưới chắn ruồi để chặn ruồi bay ra từ hố chứa.

Thân nhà tiêu: Tường của thân nhà tiêu dày 110cm được xây bằng gạch, trát 2 mặt trong và ngoài bằng vữa mác 75. Chiều cao tối thiểu 2200mm. Trên đầu tường, sát mái, chừa những ô thông gió 220x220mm để không gian bên trong được thoáng mát.

Cửa nhà tiêu: là cửa 1 cánh có hướng mở sao cho thuận tiện cho người sử dụng, kích thước 1800x600mm; có thể tận dụng bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tấm phên, gỗ, cót ép hoặc tôn, nhựa có chốt cài bên trong và bên ngoài.

Bậc bước lên nhà tiêu: gồm nhiều bậc, mỗi bậc có kích thước 250x700, cao không quá 210mm được xây bằng gạch, tô trát bên ngoài. Không nên xây cao, khó khăn cho người già và trẻ em.

Mái nhà tiêu: có thể là một hoặc hai mái nhưng phải đảm bảo che được mưa nắng. Mái nhà tiêu có thể được làm bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tranh, lá dứa, lá dừa, rạ, giấy dầu, tôn, fibro xi măng… và có độ dốc đảm bảo cho việc thoát nước mưa. Chú ý phần mái trước nhô ra khỏi thân nhà tiêu ít nhất 400mm để che mưa hắt, phần mái sau và hai bên nhô ra ít nhất 200mm.

Bệ tiêu: Lỗ đi tiêu cần đủ rộng để phân không dính vào miệng lỗ. Đường kính lỗ khoảng 140 mm là phù hợp với người Việt. Không nên làm lỗ tiêu quá lớn khiến cho tư thế ngồi xổm không thoải mái, nhất là trẻ em và người lớn tuổi do khoảng cách hai bàn chân quá rộng

6. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản

Không được dùng đồng thời hai ngăn một lúc, mà chỉ được sử dụng một ngăn, ngăn còn lại để ủ phân. Nhà tiêu phải đảm bảo luôn luôn kín, khô, sạch. Phải vệ sinh thùng đựng nước tiểu thường xuyên.

Trước khi sử dụng nhà tiêu, đổ xuống đáy một lớp tro hay vôi bột dày 5-7cm đều khắp mặt đáy của ngăn sẽ sử dụng để hút ẩm và tránh phân bị dính xuống nền khi lấy ra. Trát kín hai cửa lấy phân và lỗ tiêu không sử dụng bằng đất sét hoặc vữa vôi, cát.

Trong khi sử dụng:

- Đổ chất độn phủ kín bãi phân sau mỗi lần đi tiêu. Chất độn có thể sử dụng là đất bột khô, tro bếp, mùn cưa...

- Giấy chùi nên bỏ riêng vào một thùng có nắp đậy, sau đó đem đi thiêu đốt.

- Không cho nước tiêu chảy vào lỗ tiêu.

- Lỗ tiêu luôn được đậy nắp kín.

- Cửa lấy phân luôn được trát kín.

- Không sử dụng đồng thời hai ngăn.

- Khi một ngăn đầy, đổ thêm tro cho đầy, lèn chặt, đậy nắp và trát kín lỗ tiêu; ghi rõ ngày bắt đầu ủ và chuyển sang dùng ngăn thứ hai.

- Dụng cụ chứa nước tiểu phải có nắp đậy để tránh nước mưa và hạn chế thu hút ruồi nhặng, tránh là nơi muỗi đẻ trứng...

- Nắp ngăn ủ luôn luôn được đậy kín.

- Thường xuyên làm vệ sinh sàn nhà tiêu.

- Tuyệt đối không lấy phân ra dùng khi chưa đủ thời gian ủ tối thiểu (6 tháng).

6. Bản chi tiết bệ tiêu

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế - Cục Quản lý môi trường Y tế. QCVN 01 : 2011/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu- Điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh. Hà Nội 2010.

2. Bộ Y tế - Cục quản lý môi trường y tế. Tài liệu hướng dẫn xây dựng, xây dựng, sử dụng bảo quản nhà tiêu hộ gia đình.  Hà Nội 2012.

3. Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thuỵ Điển SIDA. Nhà tiêu sinh thái. Hà Nội 2010.

4. Thiết kế định hình các mẫu nhà vệ sinh nông thôn ThS. Lê Anh Tuấn

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang