17.10.2018 386
Sáng 12.10, tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, góp phần giải quyết ô nhiêm nhựa và túi ni lông, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm khởi động cho Chiến dịch có quy mô toàn quốc với sự tham gia của toàn xã hội nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.
Tại lễ phát động, đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Các sản phẩm nhựa ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho đời sống con người nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều năm nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loại sinh vật biển.
Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến 2050 ở các địa phương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7-8%.
Đáng chú ý là lượng túi ni lông tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động cơ quan đơn vị; hoạt động mỗi cán bộ, công chức…
Phát động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định, hãy phân loại rác thải (hữu cơ, vô cơ...).
Đối với hệ thống các siêu thị áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại mọi sự kiện, mọi hoạt động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa….
Cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi ni lông, tiến tới bỏ việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Nguồn: laodong.vn
Về đầu trang