02.11.2015 541
Bệnh nhiễm độc asen mạn tính do người dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen với nồng độ cao quá mức cho phép để ăn uống và sinh hoạt có tên quốc tế là "Arsenicosis" xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và mang tính dịch tễ địa phương rõ rệt. Bệnh phát sinh sau khoảng thời gian dài uống nước (phần lớn là nước ngầm từ các giếng khoan) chứa hàm lượng asen cao.
Các biểu hiện bệnh nhiễm asen xuất hiện đầu tiên là ở Đài Loan vào những năm 60 của thế kỷ XIX dưới dạng tổn thương rất ấn tượng là bệnh “Bàn chân đen”. Bản chất của bệnh là do asen gây rối loạn vận mạch ngoại vi ở bàn chân, làm các ngón chân không được nuôi dưỡng bị đen thâm rồi dẫn đến hoại tử khô, gây huỷ hoại ngón chân, bàn chân, có thể rụng dần ngón chân.
Bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân do nhiễm độc asen qua đường ăn uống
Tiếp theo, các tổn thương khác liên quan tới việc sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống như: dày sừng, biến đổi sắc tố da và tăng tỷ lệ ung thư (da, phổi, bàng quang), các bệnh về thần kinh, vận mạch, thai sản.... ngày càng xuất hiện nhiều ở các nước như: Argentina, Chile, Mexico, Mỹ, Hungary, Phần Lan, Canađa...Đặc biệt những năm gần đây, tìm thấy nhiều ở các nước châu Á như : Ấn Độ, Băngladesh, Nepal, Mông Cổ, Myanma, Lào, Campuchia, Đài Loan và Trung Quốc...
Theo các kết quả nghiên cứu tại các khu vực có nguồn nước bị nhiễm asen thì nguy cơ bị mắc bệnh tăng ngay cả khi uống nước có nồng độ asen < 50 µg/L. Số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới tác hại của asen được phát hiện ngày càng nhiều, bệnh thường phát triển sau một khoảng thời gian dài ủ bệnh (5-10 năm, có thể lâu hơn tính từ khi tiếp xúc).
Do các tác hại tiềm ẩn, đặc biệt là khả năng gây ung thư và ảnh hưởng tới gen của asen, năm 1996 Tổ chức Y tế thế giới đã đề nghị giảm Tiêu chuẩn cho phép đối với asen trong nước uống từ 50 µg/L xuống 10 µg/L. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng đề xuất này, trong đó có Việt Nam. Ở Mỹ, năm 2002, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) cũng đã đề nghị giảm mức asen trong nước ăn uống từ 50 µg/L xuống 10 µg/L và hệ thống cung cấp nước ăn uống phải tuân theo quy định này vào năm 2006.
Ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm là hiện tượng tự nhiên và mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, các kết quả phân tích đơn lẻ từ những năm 1990 cho thấy nồng độ asen trong các mẫu nước rất lớn. Nhiều mẫu khảo sát ở khu vực thượng lưu sông Mã, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hoá... có nồng độ asen vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép đối với nước sinh hoạt của Việt Nam và của Quốc tế (10 µg/L).
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên ứu điều tra về nguồn gốc asen có trong nước ngầm, mức độ ô nhiễm, chu trình vận chuyển, quy luật về mỗi hình thái động của nguyên tố rất độc hại này. Tìn h trạng ô nhiễm asen trong nước ngầm ở Việt Nam được khẳng định là hiện thực và hiện tượng này tương đối phổ biến ở các vùng đồng bằng thuộc lưu vực 2 sông: sông Hồng và sông Mê Kông. Các số liệu thu được cho thấy sự phân bố của asen trong nước giếng khoan rất khác nhau giữa các xã và kể cả trong một xã. Các giá trị đo được biến thiên rộng từ < 10 µg/L đến > 500 µg/L . Tại các khu vực phần lớn giếng có nồng độ asen thấp vẫn tìm thấy những cụm giếng có mức ô nhiễm asen cao và ngược lại.
Theo ước tính của UNICEF, năm 2006, ở Việt Nam có khoảng 17% hộ gia đình sử dụng nước ngầm cho ăn uống với 10 triệu người có nguy cơ phơi nhiễm asen, đặc biệt trong đó có 3 triệu người có phơi nhiễm asen với nồng độ cao. Nghiên cứu sơ bộ về ảnh hưởng độc hại của asen tới sức khoẻ do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện tại một số xã của Hà Nam và Hưng Yên, đã phát hiện thấy một số trường hợp có biểu hiện tổn thương da do tác hại của asen, mặc dù các giếng khoan bị nhiễm asen ở những xã này mới được sử dụng trong vòng 5-10 năm.
Về đầu trang