viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

BỆNH BỤI PHỔI THAN

24.04.2017 1508

BỆNH BỤI PHỔI  THAN

(Anthracosis; Coalworker's pneumoconiosis)

 Ths.BS. Nguyễn Đình Trung

Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp

             Ngành khai thác than hiện nay ở Việt Nam đang là một trong những ngành đóng góp cao đối với ngân sách nhà nước và thu hút được nhiều lao động tham gia, sản lượng than khai thác được trong năm 2004 là 25 triệu tấn, tổng doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng và thu hút hơn 90.000 lao động, trong đó có hơn 40.000 lao động trực tiếp tại các mỏ.

          Đối với công nhân làm việc tại các hầm mỏ đã được chứng minh có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi than từ những năm 1831 với tên gọi “bệnh phổi đen ở công nhân than”. Kể từ đó đến nay ở các nước trên thế giới đã ghi nhận bệnh bụi phổi – than làm một bệnh mắc phải ở những công nhân khai thác than và một số nghiên cứu được công bố tại Anh, Mỹ ... đã chứng minh rõ ràng mối liên quan giữa sự tiếp xúc của công nhân khai thác than với bụi than và gây nên bệnh bụi phổi-than.

          Bệnh bụi phổi - than là bệnh nghề nghiệp của các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc và tại Mỹ qua thời gian lâu dài từ 1865 đến năm 1977 bệnh bụi phổi - than đã chính thức được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bồi thường và năm 1981 luật thuế thu nhập đã chấp nhận đánh thuế sức khỏe vào than để lấy kinh phí bồi thường cho những người mắc bệnh bụi phổi - than trong quá trình làm việc.

          Bệnh bụi phổi- than đã được mô tả chi tiết tại các tài liệu Y học lao động, có thể tóm tắt các đặc điểm riêng biệt của bụi phổi than như sau:

- Dịch tễ: Bệnh bụi phổi-than được phát hiện ở các công nhân có tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với bụi than ở các hầm mỏ khai thác than, nơi sàng tuyển và chế biến than...

- Giải phẫu: Đại thể: hạt than khác hẳn hạt silico, hạt mầu đen, rắn, kích thước 1-3mm, có những hạt có kích thước lớn đến 7 mm hoặc lớn hơn và các hạt than thông thường là hình tròn, các hạt nằm rải rác ở phần trên của phổi và sờ thấy ngay khi giải phẫu có thể sở thấy được ở mặt cắt ngang của phổi; Vi thể, các đám bụi than gồm các hạt bụi ở trong và ngoài tế bào, tập trung chủ yếu ở xung quanh và gần phế quản nhỏ, và ống Lambert. Các sợi lưới tăng sinh và làm lòng thòng các hạt bụi và tế bào. Các chất tạo keo không bị xơ hóa, có nhiều đại thực bào trong phế nang. Một số phế nang dày, chặt và rắn lại.

Hình ảnh cắt ngang phổi của người bị bệnh bụi phổi- than với các hạt than mầu đen

Hình ảnh vi thể các hạt bụi than xen kẽ trong và ngoài tế bào xung quanh phế nang

Hình ảnh tinh thể mầu đen trong dịch rửa phổi ở công nhân than.

Lâm sàng: bệnh nhân thường ít có triệu chứng lâm sàng và cung tương tự như bệnh bụi phổi – silíc là tức ngực, khó thở, nhưng ở bệnh bụi phổi than người bệnh thường xuyên khạc ra đờm đen.

- Cận lâm sàng: Chức năng hô hấp thường có biều hiện hạn chế hoặc phối hợp hạn chế – tắc nghẽn; X-quang phổi thường có các nốt mờ tròn đều đôi khi có các đám mờ lớn

          Ở Việt Nam, những năm 60 bệnh Bụi phổi - Silic đã được xác định ở thợ mỏ và một số ngành nghề tiếp xúc với bụi silic như thợ đúc, gạch chịu lửa, xay khoáng sản…Năm 1976, bệnh này mới được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, ước tính trong cả nước có trên nửa triệu công nhân tiếp xúc với bụi và đã có hơn 20.000 người mắc bệnh, trong số những bệnh nhân này có nhiều người mắc bệnh bụi phổi - than nhưng chưa được công nhận mà chủ yếu các công nhân được giám định bệnh bụi phổi-silíc.

 

          Có một thực tế trong công tác giám định bệnh nghề nghiệp hiện nay, một số lượng khá lớn công nhân làm việc tại ngành than được phát hiện mắc bệnh bụi phổi (tính đến tháng 9 năm 2002 toàn ngành than đã có 1852 công nhân được hưởng chế độ BHXH do bệnh bụi phổi-silíc) những công nhân được giám định này rất khó khăn khi tiến hành giám định vì đa số các kết quả đo môi trường tại các mỏ than có tỷ lệ silíc tự do trong bụi rất thấp và cơ quan Bảo hiểm xã hội không chấp nhận để tiến hành cấp sổ bảo hiểm cho những công nhân này. Trong năm 1998 Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường đã có các buổi làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh để làm sao đảm bảo được quyền lợi cho người công nhân ngành than và một thời gian dài chúng ta đã chấp nhận bệnh bụi phổi - than là bệnh bụi phổi - silíc.

          Việc xác định công nhân tiếp xúc với môi trường lao động bị ô nhiễm bụi than và mắc bệnh bụi phổi - than đã được chứng minh ở các nước khác từ rất sớm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân tiếp xúc với bụi than tại Việt Nam bệnh bụi phổi than đã được công nhận từ năm 2014.

           

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN BỆNH BỤI PHỔI THAN

Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5  năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế

 1. Yếu tố gây bệnh

Bụi than trong không khí môi trường lao động.

2. Nghềcông việc thường gặp và nguồn tiếp xúc

- Khai thác mỏ than;

- Chế biến, nghiền, sàng tuyển, vận chuyển than;

- Khai thác graphit, sản xuất điện cực than;

- Sử dụng than trong các lò nung, lò luyện, lò hơi;

- Nghề, công việc khác có tiếp xúc với bụi than.

3. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu

Nồng độ bụi than trong không khí môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc cho phép và nồng độ dioxyt silic (SiO2) trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

4. Thời gian tiếp xúc tối thiểu5 năm.

5. Thời gian bảo đảm: 35 năm

6Chẩn đoán

6.1. Lâm sàng

Có thể có những triệu chứng sau:

- Ho;

- Khạc đờm nhiều và kéo dài;

- Đờm mầu đen;

- Tức ngực;

- Khó thở, bắt đầu bằng khó thở khi gắng sức.

6.2. Cận lâm sàng

- Hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang phổi (theo bộ phim mẫu ILO 2000 hoặc phim mẫu kỹ thuật số ILO 2011).

+ Hình ảnh tổn thương nốt mờ nhỏ tròn đều có ký hiệu p, q, r;

+ Có thể gặp tổn thương nốt mờ nhỏ không tròn đều ký hiệu s, t, u;

+ Có thể có đám mờ lớn A, B, C;

+ Hoặc kèm theo hình ảnh khí phế thũng: vùng sáng trong phổi, thường ở đáy phổi hay xung quanh đám mờ lớn.

- Biến đổi chức năng hô hấp (có thể có): rối loạn thông khí tắc nghẽn hoặc hạn chế hoặc hỗn hợp.

- Cận lâm sàng khác (nếu cần):

+ Chụp phim cắt lớp vi tính phổi trong các trường hợp cần khẳng định rõ các tổn thương phổi;

+ Xét nghiệm đờm tìm tinh thể than trong đờm.

7. Tiến triển, biến chứng

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);

- Tâm phế mạn (suy tim do bệnh phổi mạn tính);

- Tràn khí màng phổi tự phát.

8. Bệnh kết hợp

Lao phổi

9. Chẩn đoán phân biệt

- Bệnh bụi phổi silic;

- Bệnh bụi phổi amiăng;

- Bệnh Sarcoidosis;

- Bệnh Collagen (hệ thống tạo keo);

- Bệnh phổi nhiễm nấm (Histoplasma);

- Viêm phổi quá mẫn;

- Bệnh lao phổi đơn thuần;

- Ung thư phổi thứ phát;

- Bệnh viêm phế nang xơ hóa.

- Các bệnh phổi kẽ khác.





















Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang