viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Nhiễm độc chì từ đồ chơi

25.10.2016 653

NHIỄM ĐỘC CHÌ TỪ ĐỒ CHƠI
Mối nguy hiểm tới sức khỏe trẻ em do phơi nhiễm với chì từ đồ chơi đã được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra. Chì - có trong đồ chơi trẻ em là do sử dụng sơn màu để sơn đồ chơi hoặc trong chất liệu nhựa làm đồ chơi. Nhựa càng có màu sặc sỡ thì nguy cơ càng chứa nhiều chì.
Sơn: Chì có thể được tìm thấy trong sơn trên đồ chơi. Tại Hòa Kỳ, từ năm 1978 chì đã bị cấm trong sơn nhà, trên các sản phẩm bán trên thị trường cho trẻ em, bao gồm cả các món ăn hoặc đồ nấu nướng. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở các nước khác và do đó vẫn có thể được tìm thấy trên đồ chơi nhập khẩu.
Nhựa: Chì có tác dụng làm mềm nhựa và làm cho nhựa mềm dẻo hơn để có thể trở lại hình dạng ban đầu của nó. Chì cũng có thể được sử dụng trong đồ chơi bằng nhựa để ổn định các phân tử từ nhiệt. Khi nhựa được tiếp xúc với các chất như ánh sáng mặt trời, không khí, chất tẩy rửa thì các liên kết hóa học giữa chì và nhựa bị phá vỡ và hình thành bụi chì.
Đồ chơi bằng kim loại chứa chì
Ảnh hưởng của chì đến sức khỏe:
Trẻ em là lứa tuổi đang phát triển, cơ thể non nớt, sức đề kháng yếu nên dễ bị tác động bởi các chất độc trong môi trường. Đối với trẻ em, mức hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3-4 lần người lớn. Chì tích tụ ở xương, kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D gây cản trở chuyển hóa canxi, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngộ độc chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em. Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong.
Các dấu hiệu của nhiễm độc chì:
Dấu hiệu của nhiễm độc chì thường rất âm thầm, khó phát hiện sớm. Chỉ khi nào chì tích tụ tới mức độ cao, bệnh mới rõ rệt nhưng các triệu chứng cũng không có gì đặc biệt nên cha mẹ thường bỏ qua, không chú ý, phát hiện ra. Trẻ bị nhiễm độc cấp tính thường có biểu hiện cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn co giật. Ở các trường hợp mãn tính, trẻ có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, đôi khi có thể dẫn đến tử vong.
Vì sao con bạn lại bị nhiễm chì?
Chì là trong nhựa và sơn không nhận biết được  bằng mắt thường và không có mùi. Trẻ em có thể phơi nhiễm với chì do trẻ có thói quen đưa đồ chơi, ngón tay, và các vật thể khác vào miệng, làm cho bản thân bị phơi nhiễm với sơn hoặc bụi có nhiễm chì.
Làm thế nào để kiểm tra một món đồ chơi chì?
Chỉ các phòng thí nghiệm đạt chuẩn mới có thể kiểm tra chính xác một món đồ chơi có nhiễm chì hay không. Mặc dù các bộ dụng cụ thử nhanh có sẵn, các thiết bị này không hiển thị bao nhiêu chì hiện diện và độ tin cậy của chúng trong việc phát hiện chì ở nồng độ thấp chưa được xác định.
Phải làm gì nếu bạn đang quan tâm về việc phơi nhiễm chì của con bạn?
Nếu bạn nghĩ rằng con bạn đã tiếp xúc với một món đồ chơi có chứa chì, nên loại bỏ đồ chơi đó ngay lập tức. Nhiễm độc chì ở liều lượng thấp đều không có triệu chứng. Cách duy nhất để biết là làm xét nghiệm nồng độ chì trong máu. Các cơ quan y tế chuyên ngành có thể giúp bạn quyết định nếu cần thiết làm xét nghiệm nồng độ chì máu và cũng có thể tư vấn điều trị cho con bạn nếu cần thiết.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tư vấn về nhiễm độc chì:
Với vai trò là Viện đầu ngành trong lĩnh vực Sức khỏe nghề nghiệp, Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã tiến hành các nghiên cứu trong nhiều năm về ảnh hưởng của chì đến sức khỏe của trẻ em và người lao động. Viện đã thực hiện thành công Chương trình thử nghiệm can thiệp phòng chống nhiễm độc chì ở trẻ em và người lao động tại làng nghề. Viện cũng đang chủ trì Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về Nghiên cứu thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em và hiệu quả một số giải pháp can thiệp với các mục tiêu chính: Xác định được các nguồn phơi nhiễm chì chính đối với trẻ em Việt Nam; Đánh giá thực trạng nhiễm độc chì và mối liên quan với biến đổi vật chất di truyền, tình trạng ô xy hóa – chống ô xy hóa ở trẻ em Việt Nam; và Xây dựng mô hình dự phòng, điều trị và đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Hành động Phòng chống nhiễm độc chì (23-29/10/2016) do Tổ chức Y tế Thế giới phát động, Viện tổ chức chương trình xét nghiệm nồng độ chì máu miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.
Mọi thông tin cần tìm hiểu thêm và tư vấn về phòng chống nhiễm độc chì, xin gọi số: (04) 9714261 ( Số máy lẻ: 444) để được tư vấn chi tiết.

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang