viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Chì (Pb)

31.03.2017 1450

 1. Tồn tại trong nước tự nhiên

      Trong thạch quyển (lớp rắn vỏ trái đất sâu 16 km), chì có hàm lượng 1,6.10-4% khối lượng. Như vậy, chì có nguồn gốc tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nói chung và nước tự nhiên nói riêng không đáng kể. Trong nước tự nhiên người ta chỉ tìm thấy nồng độ chì ở dạng vết, thông thường dưới 5ppb.

      Ô nhiễm chì trong nước ăn uống, sinh hoạt chỉ xuất hiện khi có tác động của con người từ bên ngoài vào nguồn nước. Do những đặc tính tiện ích mà chì và hợp chất của nó được dùng nhiều trong các ngành công nghiệp khác nhau. Trong các kim loại màu, chì có số lượng khai thác chỉ kém Nhôm, Đồng và Kẽm. Theo Unesco, riêng ở Mỹ hàng năm thải vào khí quyển 190.000 tấn chì. Theo đó chì có thể thấm sâu vào lòng đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

     Ngoài ra nguồn nước có thể bị ô nhiễm chì do hoạt động phân phối nước từ nhà máy nước tới các hộ dân sử dụng nước nếu các đường ống dẫn nước bằng hợp kim có chứa chì, việc gia tăng nồng độ Pb hòa tan vào nguồn nước trong quá trình phân phối phụ thuộc vào pH, nhiệt độ, độ cứng, clo dư,… của nguồn nước. Người ta đã ghi nhận được trong nguồn nước máy nồng độ Chì có lúc lên tới 0,1 mg/L.  

      2. Ảnh hưởng tới sức khỏe

      Chì là một kim loại nặng có độc tính cao và rất nguy hiểm với cơ thể con người. Chì có thể bị hấp thụ qua đường tiêu hóa, hô hấp và qua da. Tại phổi, chì được hấp thu hoàn toàn qua các màng phôi nang để đi trực tiếp vào máu. Sau khi chì vào cơ thể qua đường tiêu hóa, một phần nhỏ chì được hấp thu vào máu, phần lớn được đào thải ra ngoài qua phân. Chì được đào thải chủ yếu qua đường niệu, khoảng 70% đến 80% lượng chì hấp thu vào máu sẽ được đào thải theo đường này.

     Chì ức chế sinh tổng hợp Hemoglobin bằng cách ức chế hoạt tính của các enzym -ALA dehydratase, coproprorphyrin decarboxylase, ferrochelatase nên  – ALA, coproprorphyrin tăng nhiều trong máu và nước tiểu.

     Nhiễm độc chì gây ra thiếu máu, chất lượng máu kém, quá trình sản xuất hồng cầu ở tủy xương theo thời gian trở nên sai lệch.

     Chì làm tăng Angiotensin II nên làm huyết áp tăng, phì tâm thất và thành mạch máu.

     Chì bắt chước canxi trong việc hoạt hóa Calmodulin mà gây ra các tác hại trên hệ tim mạch: tăng huyết áp, không giãn được mạch vành, co thắt mạch, tăng tiêu thụ ôxy của cơ tim.

     Bị nhiễm độc chì còn làm hệ thần kinh phát triển không bình thường, dẫn truyền thần kinh bị suy yếu gây ra bệnh đần độn, chỉ số thông minh giảm. 

      3. Quy định về nồng độ chì trong nước ăn uống.

       Chì là nguyên tố có độc tính cao, gây nguy hại và ảnh hưởng tới sức khỏe nên nồng độ chì trong nước ăn uống được Bộ Y tế quy định trong QCVN 01:2009/BYT không vượt quá 0,01 mg/L. Tiêu chuẩn chì cũng được quy định trong nước ăn uống của một số nước trên thế giới như Anh, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Canada, cộng đồng Châu âu và hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới cũng không vượt quá 0,01 mg/L.  

         3.1 Loại bỏ Chì ra khỏi nguồn nước ăn uống, sinh hoạt

       Thông thường trong nhuồn nước tự nhiên hiếm gặp việc ô nhiễm chì, tuy nhiên khi bị ô nhiễm chì trong nguồn nước có thể loại bỏ bằng các thiết bị lọc có kích thước lỗ nhỏ (dạng nano) hoặc các thiết bị trao đổi cation, tuy nhiên hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác của nguồn nước, đặc biệt độ pH.  

       3.2 Phương pháp xét nghiệm chì tiêu chuẩn

 Tùy thuộc vào nồng độ của chì có trong nước mà phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn phù hợp được áp dụng là quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (SMEWW 3111B) và quang phổ hấp thụ nguyên tử không ngọn lửa (SMEWW 3113B) hoặc ICP/MS.

 ThS. Lương Thị Thanh Thủy

02439714361

Về đầu trang